Hóc xương gà nguy hiểm như thế nào?
Tin liên quan
Bà Thu (Hà Đông, Hà Nội) vào viện trong tình trạng cổ sưng tấy, nuốt nước bọt đau như viêm họng cấp. Thậm chí bà còn bị sốt do vết xương đâm gây rách cổ họng.
Trước đó, khi phát hiện xương mắc ở phần cuối lưỡi, bà Thu không nuốt cơm nữa mà dùng tay cho vào trong để kéo xương ra. Tuy nhiên không những không kéo được xương ra mà bà Thu còn làm cho xương rơi vào sâu hơn. Xương rơi xuống phần cổ họng, nuốt đau nhói nhưng chưa có dấu hiệu chảy máu, sưng nên bà Thu vẫn chủ quan.
Ngày hôm sau, bà Thu dùng chuối, cơm và cháo để nuốt nhằm kéo xương xuống dạ dày nhưng vẫn không được. Trái lại xương càng vào sâu hơn, bà Thu đợi thêm 2 ngày thì cảm giác đau nhói khi nuốt cơm, cháo hay uống sữa. Khi sốt tới 40 độ C, người mệt lả vì không thể ăn gì do cơn đau ngày càng tăng lên, bà Thu mới đi bệnh viện.
"Khi đến bệnh viện bác sĩ xác định phải mổ vì qua chụp chiếu không thấy xương bên trong do tôi móc tay vào cổ họng làm cho xương rơi xuống dưới. Cơn đau mỗi lúc một tăng, trải qua phẫu thuật thì tôi mới thoát khỏi tình trạng khó chịu", bà Thu nói.
Còn ông T. trong khi ăn thịt gà bị hóc xương đã dẫn đến suýt gây thủng động mạch chủ. Theo lời kể của người nhà, ông T. nuốt phải xương gà nên bị chặn lại ở cổ. Thậm chí xương gà còn nằm ngang ở khu vực quai động mạch chủ ngực. Điều này khiến cho ông T. khó thở và cảm giác đau ngực rất nhiều, cơn đau tăng dần trước khi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Các bác sĩ dự tính dùng dụng cụ gắp dị vật là mảnh xương ra. Tuy nhiên, mảnh xương đâm ngang xuyên thực quản, nằm ở vị trí động mạch chủ. Khi việc gắp không thành, các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu. Quá trình mổ mở lồng ngực trái kéo dài 2 tiếng đã gắp được mảnh xương dài 3cm.
Hóc xương gà
Theo các bác sĩ, hóc xương gà nguy hiểm nhất bởi xương gà có tính chất sắc. Khi mắc vào họng hay phần thực quản sẽ cắm sâu vào thịt và gây chảy máu, trầy xước dẫn đến sưng tấy. Chính vì vậy mà từ xưa ông cha ta đã nói "hóc xương gà, sa cành khế" để nói về sự nguy hiểm và đau đớn khi trải qua cơn đau do hai nguyên nhân này.
Có một thói quen mà người bị hóc xương thường làm là cố gắng dùng tay để cho vào họng kéo chiếc xương ra. Nhưng không những không đưa được xương ra mà còn có thể đẩy cho xương vào sâu bên trong. Một phần do tay tác động, một phần do khi cho tay vào họng sẽ kích thích phản ứng ở vùng cổ làm cho bạn cảm giác buồn nôn và nuốt vào trong nên xương càng thâm nhập xuống phần thực quản. Khi đó việc thăm khám, chẩn đoán và phát hiện xương sẽ khó khăn hơn.
Điều đáng nói là xương gà sắc, nhọn khi gây trầy xước sẽ tạo viêm nhiễm, chảy máu, áp xe. Thậm chí, các vùng cổ họng là nơi tập trung nhiều mạch máu nếu xương gà cắm sâu vào có thể dẫn đến chảy máu nhiều, mất máu có thể tử vong.
Với những ai từng bị hóc xương vẫn thường cố gắng nuốt để xương sâu vào bên trong. Tuy nhiên, khi xương đã đi qua cổ họng, việc chẩn đoán và xác định vị trí của xương rất khó khăn. Khi vào thực quản nó có thể cắm sâu hơn nên không còn phần trồi lên trên. Chiếc xương có thể nằm sâu trong thực quản gây nguy hiểm, hay đáng sợ hơn là đi vào phổi phải phẫu thuật.
Vì vậy, khi hóc xương, thay vì bạn cố gắng tự chữa hay móc xương thì cần đến bệnh viện để bác sĩ xác định vị trí xương nằm trong cổ họng. Nếu xương nhỏ có thể dùng dụng cụ y tế gắp ra, nếu nặng có thể phải mổ.
Để tránh hóc xương, người ăn phải chú ý không nói chuyện, cười đùa trong khi ăn. Mặt khác, chú ý ăn từ từ, không húp mạnh khi ăn canh cá hay lẩu gà. Trước khi ăn có thể gỡ bỏ xương lớn ở đầu và mang cá để tránh bị hóc, gà chặt miếng không quá nhỏ tránh sinh ra xương vụn.
Vũ Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất