6 vận động viên điền kinh tiêu biểu trên thế giới chiến thắng nghịch cảnh, truyền cảm hứng cho mọi người
Tin liên quan
1. Jesse Owens
Jesse Owens đã gây chú ý khắp thế giới vào năm 1935 khi lập 6 kỷ lục thế giới trong 1 giờ. Phá kỷ lục ở các cự ly 100m, 200m, chạy nước rút vượt rào và nhảy xa đã giúp Jesse là một trong những ngôi sao được kỳ vọng của Thế vận hội Olympic 1936 ở Berlin.
Vì là người Mỹ gốc Phi nên Jesse Owens đã bị chế độ Quốc xã của Adolf Hitler tẩy chay, không được thi đấu Thế vận hội. Adolf Hitler hy vọng rằng các vận động viên Đức sẽ chiếm ưu thế tại Thế vận hội và cho thế giới thấy một nước Đức Quốc xã đang hồi sinh. Tuy nhiên, Jesse đã tham gia Thế vận hội và tiếp tục giành huy chương vàng ở nội dung 100m, 200m, 4x100m và nhảy xa.
2. Betty Robinson
Betty Robinson đã trở thành nhà vô địch Olympic 100m vào năm 1928 khi mới 16 tuổi. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, Betty bị thương nặng trong vụ tai nạn máy bay. Cô bị đa chấn thương và phải ngồi xe lăn 6 tháng. Phải mất 2 năm sau Betty mới có thể đi lại bình thường và phải bỏ qua Thế vận hội 1932.
Tuy nhiên, Betty Robinson vẫn kiên trì và tìm cách lấy lại thể lực để kịp tham dự Thế vận hội Olympic 1936. Cô không thể quỳ gối khi bắt đầu chạy nước rút và không thể giành 1 suất cá nhân trong đội. Tuy nhiên Betty đã tham gia đội chạy tiếp sức 4x100m của Hoa Kỳ. Chạy ở chặng thứ ba, Betty Robinson đã giành được huy chương vàng Olympic thứ hai.
3. Sydney Wooderson
Sydney Wooderson là một trong những vận động viên chạy cự ly trung bình hàng đầu thế giới vào giữa những năm 1930. Vì bị chấn thương mắt cá chân mà anh không thể lọt vào trận chung kết 1500m Olympic 1936. Một năm sau, Sydney đã hồi phục và lập kỷ lục dặm thế giới là 4: 06,4 vào năm 1937 và kỷ lục thế giới 800m là 1: 48,4 vào năm 1938. Hai tuần sau, anh giành chức vô địch 1500m châu Âu tại Paris.
Vì Chiến tranh thế giới thứ hai, Sydney Wooderson không thể tham gia Olympic năm 1940 và 1944. Ông làm lính cứu hỏa trong trận Blitz và phải nằm viện vài tháng vì bệnh sốt thấp khớp. Tuy nhiên, Sydney đã hồi phục kịp thời để tham dự Giải vô địch châu Âu năm 1946 và giành chiến thắng ở cự ly 5000m với kỷ lục vô địch và quốc gia là 14: 08,6.
4. Kathrine Switzer
Kathrine Switzer - vận động viên chạy bộ cừ khôi đã tham gia cuộc thi Marathon Boston năm 1967 với cái tên “KV Switzer”. Tuy nhiên, khi cuộc đua marathon bắt đầu, ban tổ chức cuộc đua nhận ra cô là phụ nữ.
Jock Semple – người tổ chức cuộc đua đã cố gắng ngăn cản Kathrine chạy và hét lên “Biến khỏi cuộc đua của tôi ngay!”. Tom Miller - bạn trai của Kathrine đang chạy bên cạnh cô đã đẩy Jock về phía vỉa hè và để Kathrine tiếp tục chạy.
Kathrine Switzer đã hoàn thành cuộc đua trong 4:20:02. Giám đốc cuộc đua Will Cloney sau đó đã nói: “Phụ nữ không thể chạy trong cuộc đua marathon vì đây là luật cấm. Trừ khi chúng ta có các quy tắc, nếu không xã hội sẽ hỗn loạn”.
Tuy nhiên, 5 năm sau, Boston Marathon cũng đã cho phép phụ nữ tham gia cuộc đua.
5. Gail Devers
Vận động viên chạy nước rút và vượt rào Gail Devers đã giành được chiến thắng ở nội dung 100m của Đại hội Thể thao Liên Mỹ năm 1987 và lọt vào bán kết Olympic ở nội dung 100m vượt rào năm 1988. Nhưng vào năm 1990, cô được chẩn đoán mắc bệnh Graves - một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến tuyến giáp và gây yếu cơ.
Gail đã được điều trị bằng iốt phóng xạ, liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp, nhưng bị phồng rộp và sưng tấy ở bàn chân. Cô hầu như không thể đi lại và cần người bế. Trong khi đó, các bác sĩ còn nhận định Gail sẽ phải cắt bỏ bàn chân.
May mắn thay, sau khi ngừng xạ trị, Gail Devers có thể tiếp tục tập luyện và trở lại thi đấu vào năm 1991. Cô đã giành huy chương bạc ở nội dung 100m vượt rào tại Giải vô địch thế giới ở Tokyo và giảm PB xuống còn 12,48.
Sự nghiệp của Gail Devers ngày càng thăng hoa. Và cô tiếp tục giành huy chương vàng Olympic 100m vào năm 1992 và 1996, huy chương vàng 100m thế giới năm 1993 và huy chương vàng 100m vượt rào thế giới vào các năm 1993, 1995 và 1999.
6. Ana Quirot
Ana Quirot là một trong những vận động viên chạy bộ đa năng nhất thế giới vào cuối những năm 1980 và 1990. Bất bại trên cự ly 800m từ tháng 9/1987 đến tháng 8/1990, cô lập kỷ lục quốc gia với thời gian 1:54,44 và 49,61 ở nội dung 400m. Ana cũng giành được huy chương bạc thế giới năm 1991 và huy chương đồng Olympic năm 1992.
Nhưng vào năm 1993, Ana Quirot bị bỏng cấp độ ba trên 38% cơ thể do lửa của bếp dầu hỏa bùng lên. Vào thời điểm đó, cô đang mang thai và sinh con gái trong bệnh viện trong khi chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình. Con gái Ana đã không qua khỏi và chết một tuần sau sinh.
Khi tỉnh lại trên giường bệnh, Ana hứa: “Tôi sẽ chạy lại”. Sau khi trải qua 7 ca phẫu thuật ghép da, cô thi đấu trở lại vào năm 1995 và giành danh hiệu 800m thế giới tại Gothenburg. Ana Quirot tiếp tục giành huy chương bạc Olympic năm 1996 và bảo vệ thành công danh hiệu thế giới năm 1997 ở tuổi 34.
Ngọc Huyền – Theo worldathletics
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất