30 ngày đầu tiên ăn dặm: Bí kíp đơn giản của người mẹ 9X giúp con ăn dặm ngon miệng, mẹ nhàn tênh
2018-03-23 11:50
- Chi Thùy An (TP.HCM) đã cùng con trải qua 30 ngày ăn dặm đầu tiên rất thành công với những bí quyết đơn giản.
Tin liên quan
Một tháng đầu tiên bắt đầu cho con ăn dặm là thử thách với bé và cả người mẹ. Các chị em thường bỡ ngỡ còn bé không hợp tác. Tuy nhiên, chị Thùy An (sống ở TP.HCM) là mẹ của bé Ruby (7 tháng tuổi) đã có nhiều kinh nghiệm hay giúp bé ăn thun thút và rất hợp tác.
30 ngày đầu tiên ăn dặm không nước mắt, không đầy bụng khó tiêu, không nôn ói ợ chua, không tiêu chảy táo bón. Tăng cân, phát triển cứng cáp. Đặc biệt, bé biết nhai nhâm nhi và tém nuốt gọn gàng, có biểu cảm yêu ghét rõ ràng với từng món ăn nên bữa ăn nào cũng tận hưởng nhẹ nhàng đến sạch mâm.
Chị có thể cho biết trước khi bắt đầu tháng ăn dặm đầu tiên cho con đã chuẩn bị như thế nào?
Tôi xác định kế hoạch sẽ cho con ăn dặm lúc 6 tháng tuổi, nên từ lúc bé 4 tháng đã tham khảo rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho con ăn dặm từ Google và các mẹ có kinh nghiệm trước trên mạng xã hội. Có rất nhiều cách chế biến cho con ăn dặm, phổ biến là kiểu truyền thống, ăn dặm tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật. Nhưng tôi đã từng thất bại ở cách ăn dặm truyền thống đối với bé lớn vì nó gây biếng ăn, khó hấp thụ và ám ảnh bé. Vì điều này nên mỗi lần ăn, bé không hào hứng hay hợp tác.
Đến nay, bé lớn nhà tôi đã gần 3 tuổi nhưng vẫn cự tuyệt với các món cháo sau một thời gian dài ăn dặm cháo kiểu truyền thống. Kiểu ăn dặm tự chỉ huy thì chưa phù hợp với bé 6 tháng tuổi nên tôi quyết định theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con.
Đó là giai đoạn đầu, còn việc chuẩn bị hành trình 1 tháng cho con ăn dặm của chị sẽ cần những gì?
Sau hơn một tháng thu thập kiến thức từ mạng xã hội về ăn dặm kiểu Nhật, tôi tiếp tục chuẩn bị dụng cụ chế biến. Việc tìm mua dụng cụ không khó nhưng theo tôi thấy các dụng cụ chuyên về ăn dặm kiểu nhật hiện nay rất đắt tiền. Theo tôi, các mẹ có thể tiết kiệm như mình bằng cách tận dụng các dụng cụ nhà bếp thông thường của gia đình vẫn có thể chế biến được các món ăn dặm cho con.
Sau đó, tôi tìm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng cho con. Rau củ, trái cây có nguồn gốc từ các cửa hàng rau sạch hoặc siêu thị. Thịt, cá, lươn, hải sản phải tươi sống, nguồn gốc thiên nhiên. Các sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu như trà lúa mạch, trà hoa quả, bột yến mạch, ngũ cốc, hạt các loại... có thể tìm mua tại các shop chuyên hàng xách tay nhưng phải xem kỹ nhãn mác. Sau khi có các nguyên liệu, tôi bước vào những ngày tháng sáng tạo thực đơn sao cho phù hợp và dinh dưỡng cho con.
Những ngày đầu tiên cho con ăn dặm, chị thấy khó khăn nhất là điều gì?
Những ngày đầu tiên con ăn dặm cũng là những ngày đầu tiên trong đời người mẹ học và biết cách chế biến các món ăn dặm. Cho nên việc chế biến vẫn là khó khăn nhất, vì còn rất lạ lẫm. Đa số, hiện nay, các chị em thường cập nhật được hình ảnh các món ăn trên mạng, còn việc ước lượng thực phẩm để mua và từng bước chế biến thì chưa hình dung hết được. Cho nên, điều khó khăn là mua bao nhiêu và nấu bao nhiêu là vừa với suất ăn của con.
Những ngày đầu tiên, các mẹ thường kêu bé không hợp tác, chị có kinh nghiệm như thế nào?
Trong những ngày đầu, trẻ thường không hợp tác do chưa quen việc đóng lưỡi. Bên cạnh đó, việc bắt đầu ăn các đồ ăn đặc hơn sữa làm con sợ hãi hoặc muốn nôn khi nuốt. Vì vậy, việc tạo độ sệt cho những bữa ăn đầu tiên rất quan trọng. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là mẹ làm loãng quá, nhưng nếu độ sệt phù hợp như cháo theo tỉ lệ 1:10 sẽ hỗ trợ bé nuốt dễ dàng hơn. Khi con cảm nhận được việc nuốt thức ăn là an toàn, bé sẽ hợp tác.
Trong 5 ngày đầu tiên, các mẹ sẽ tập cho con đóng lưỡi và tém nuốt nên chỉ cho con ăn cháo trắng rây mịn có pha nước dùng dashi hầm từ rau củ, khoảng 70ml/lần ăn. Từ ngày thứ 6, con đã nuốt tốt, mẹ nên tăng thực đơn thêm vài món chay (rau củ, ngũ cốc, đậu phụ). Sau 15 ngày, con quen với việc ăn dặm sẽ tăng thêm các loại thịt trắng (gà, cá, lươn,thịt heo...). Các mẹ chú ý mỗi bữa ăn luôn có vài giọt dầu ăn ( dầu gạo, dầu mè, dầu óc chó, dầu oliu...) rất tốt cho việc tiêu hóa và trao đổi chất.
Nguyên tắc ăn dặm 30 ngày đầu tiên
Trong 30 ngày cho con ăn dặm, chị xây dựng nguyên tắc trong cách ăn và chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Nguyên tắc cho con ăn dặm mà tôi áp dụng trong 30 ngày đầu tiên là:
- Ăn từ ít đến nhiều, không ép ăn, mỗi ngày chỉ có một cử ăn
- Ăn từ lỏng đến đặc
- Ăn từ chay đến mặn
- Luôn bổ sung dầu ăn để con dễ hấp thụ
- Không nêm bất kỳ loại gia vị nào và thay thế gia vị bằng nước dùng dashi rau củ hoặc tảo bẹ + cá bào -
Bữa ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng
+ Nhóm bột đường: gạo, nếp, bột, khoai, bắp...
+ Nhóm đạm: thịt, cá, trứng, sữa, lươn…; đậu nành, đậu hũ non và các loại đậu đỗ khác.
+ Nhóm béo: dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu.
+ Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây các loại.
- Kết hợp sữa mẹ và các bữa ăn phụ như trái cây, sữa hạt... trong ngày.
Nhưng có một điều các mẹ hay thắc mắc là chẳng biết con thích ăn cái gì nhất là trong tháng đầu tiên. Chị làm sao giải quyết được điều này?
Bí quyết để con cảm nhận dc vị ngon là mỗi thành phần đều để riêng và đút luân phiên các món khác nhau. Điều này giúp bé cảm nhận được hương vị khác nhau của từng món và biểu hiện rõ ràng, món nào thích bé sẽ hào hứng, món mà bé không thích sẽ nhăn mặt và phun ra. Nhờ cách này, các mẹ sẽ nhận ra khẩu vị của bé và 2 mẹ con sẽ dễ dàng đồng hành hơn. Ngoài ra, để không ảnh hưởng đến tiêu hóa, các món ăn phải hấp chín kể cả trái cây. Các loại cá, lươn luôn được hấp với gừng để triệt mùi tanh và giúp con ấm bụng, dễ tiêu khi ăn.
Trong tháng đầu, có những mẹ quan niệm việc cho con ăn rất mất thời gian, chị có nghĩ như vậy?
Để hạn chế mất nhiều thời gian, các mẹ nên kết hợp việc ăn dặm của con với bữa cơm gia đình. Điều này có nghĩa là mua cùng nguyên liệu dùng để chế biến cho con ăn dặm và nấu cơm cho cả nhà. Mẹ tận dụng hấp cháo + rau củ + cá thịt cho con cùng với nồi cơm điện nhà ăn, cơm nhà chín thì cháo cũng chín, giúp tiết kiệm gas và việc chế biến ăn dặm trở nên nhàn rỗi.
Các bữa ăn trong ngày được bạn thực hiện như thế nào?
Tôi thường bắt đầu cho con ăn bữa chính duy nhất lúc 10h30 và kết thúc lúc 11h. Con tôi rất hợp tác nên chỉ ăn trong 20 phút là xong. Hôm nào bé mất tập trung cho việc ăn, không hợp tác thì tôi sẽ bế con quanh nhà một lúc và ngừng ngay việc đút cho con. Đừng ép lúc bé chống đối vì bé sẽ quen với việc này cho các bữa sau và không nên kéo dài bữa ăn khiến bé mất tập trung và chán.
Vậy chị có lời khuyên nào cho các mẹ chuẩn bị bước vào tháng đầu cho con ăn dặm?
Nói chung, việc cho con ăn dặm rất đơn giản, chỉ cần các mẹ nắm dc nguyên tắc dinh dưỡng và làm mỗi ngày sẽ quen dần, sẽ rút ra được cách chế biến tiện lợi nhất cho mình. Và quan trọng là những ngày đầu tiên phải tạo dc hứng thú ăn uống cho con để con ngày càng dễ hợp tác. Tính tình và cơ địa mỗi bé khác nhau, bé nào dễ tính, mau hấp thụ thì mẹ nhàn và thành công, còn đối với bé khó tính, kén ăn, khó hấp thụ thì mẹ cần kiên nhẫn và có nhiều cách hơn nữa. Chúc các mẹ thành công.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ thực đơn 30 món của chị Thùy An cùng một số lưu ý khi nấu. Mời quý độc giả đón đọc.
Lam Thủy
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
3 bài tập lưng với thảm đơn giản tại nhà