Với nhiều người, đằng sau cánh cửa hôn nhân không chỉ là tháng ngày hạnh phúc mà còn là áp lực cơm áo, gạo tiền. Người vợ trong câu chuyện dưới đây cảm thấy bế tắc vì quá nhiều gánh nặng lại không được chồng san sẻ.
Chồng ham chơi, mỗi tháng chỉ đưa 3 triệu đồng tiền sinh hoạt cho 9 người khiến vợ bế tắc
Mới đây, trên một hội nhóm chuyên tâm sự chuyện gia đình, một người vợ tên Q. đã tâm sự chuyện riêng. Q. cho hay vợ chồng cô tiền ai nấy giữ. Cô bỏ tiền ra chi tiêu sinh hoạt, lo chuyện học hành của con cái. Trong khi đó, mỗi tháng, chồng cô chỉ được 3 triệu để lo sinh hoạt cho 9 người trong gia đình. Q. buồn chán vì chồng ham chơi, không tự giác giúp đỡ vợ làm việc nhà. Chuyện này khiến hôn nhân của họ bế tắc, mệt mỏi.
Trích tâm sự của người vợ:
"Chào mọi người, mình xin chia sẻ câu chuyện của mình để có thể nhận được những góp ý của mọi người. Hiện tại cuộc sống hôn nhân của mình đang có những vấn đề như thế này:
Vấn đề 1. Tiền ai người đó giữ, tiền của mình là để chi tiêu sinh hoạt, con cái học hành, trong đó là ăn uống của 9 miệng ăn (bố mẹ chồng, 2 vợ chồng, em chồng, con mình, 2 thợ - thợ này làm cho chồng mình). Mỗi tháng khi mình giục mình đòi thì chồng mình đưa cho mình 3 triệu đồng để phụ thêm vào. Còn tiền chồng mình làm thì để lo việc lớn là xây nhà, thành quả là đã có một ngôi nhà vừa đủ ở.
Trong suy nghĩ của chồng mình là mình không có chút công sức, của cải góp gì vào để xây nên ngôi nhà đó (trong khi mẹ đẻ mình mang vàng lên cho để 2 vợ chồng xây nhà). Từ khi ra ở riêng thì chồng mình không đưa tiền cho mình nữa mà phải tự xoay sở tiền sinh hoạt. Đó là về trách nhiệm chung của mỗi người, còn về vấn đề bảo chồng cho mình tiền để mình mua sắm cho bản thân mình thì không có.
Vấn đề 2: Chồng mình rất ham mê chơi bi-a, có những hôm chơi đến 6-7h sáng hôm sau, vợ con gọi về không được. Mỗi lần đi chơi về như vậy, vợ chồng lại căng thẳng hục hặc nhau, cứ mỗi lần như vậy thì lại hứa hẹn nhưng rồi đâu lại vào đấy. Và anh đi chơi thì sẽ bỏ bê hết nhà cửa, con cái. Chồng mình chơi ăn tiền.
Vấn đề 3: Chồng mình không bao giờ tự giác giúp đỡ vợ con làm việc nhà, phải để mình nhờ thì mới làm, nhưng 10 lần mình nhờ thì 8 lần quên không làm rồi lại đến tay mình làm. 2 vợ chồng đã ngồi nói chuyện với nhau rồi. Chồng mình cũng nói sẽ rút kinh nghiệm, thừa nhận như vậy là không được, nhưng kể từ lúc nói chuyện đến nay chưa được một tháng thì mình có thấy thay đổi đó là ngay sau hôm anh tự giác về quét được cái nhà và một vài việc nho nhỏ khác. Ngoài ra, không có gì là đáng kể. Đỉnh điểm là mấy ngày gần đây vẫn bỏ bê nhà cửa đi chơi bia đến 12h đêm, vợ con gọi không về. Anh về đến nhà, vợ chồng căng thẳng, mình rất khó chịu và cảm thấy anh không tôn trọng mình.
Vậy mọi người cho mình hỏi mình hành xử như vậy là bình thường hay là mình đang làm quá mọi chuyện lên? Và mình nên làm gì đây? Mình cũng không còn muốn vun vén vào cuộc hôn nhân này nữa và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất rồi."
Nhiều người dùng mạng đã chia sẻ với hoàn cảnh Q. đang gặp phải. Việc vợ chồng không tôn trọng nhau, không cùng nhau san sẻ sẽ làm rạn nứt hôn nhân. Một số người khuyên Q. nên nói chuyện thẳng thắn với chồng để vấn đề như trên không lặp lại.
Điều vợ chồng nên làm để vun vén hôn nhân
Thống nhất quy định
Trong một cuộc khảo sát đầu năm 2020, nhà nghiên cứu tiến hành hỏi hơn 2.000 người đang hẹn hò, đính hôn hoặc đã kết hôn về thói quen nào trong phòng tắm của đối phương khiến bạn khó chịu nhất.
Có 83% đàn ông bực bội khi vợ hoặc bạn gái làm xáo trộn đồ dùng trong nhà tắm, 88% phụ nữ khó chịu vì đối phương không thay cuộn giấy trong nhà vệ sinh. Vì vậy, để vợ chồng tránh khúc mắc, nên tạo một danh sách những việc cần làm, thảo luận thời gian, cách thức thực hiện và thiết lập các ranh giới cá nhân.
Chia sẻ việc nhà
Trong một nghiên cứu của trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), năm 2016, 56% người kết hôn ở Mỹ, gồm có con và chưa có con nói rằng chia sẻ công việc gia đình "rất quan trọng" để có cuộc hôn nhân
hạnh phúc.
Thảo luận về tiền bạc
Giống như việc nhà, chi tiêu như thế nào trong gia đình là trách nhiệm chung. Hai vợ chồng cần thảo luận về cách họ dự định phân chia các khoản cần trả, tùy thuộc vào mức lương. Cuộc trò chuyện cũng nên bao gồm các khoản nợ và mục tiêu tài chính.
Vợ chồng nên trung thực về tiền bạc để tránh làm mất lòng tin của nhau. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ chi sẻ các mẹo tránh cãi vã về tài chính là thường xuyên ngồi xem xét các khoản chi tiêu và kế hoạch tiết kiệm.
Vân Chi
9 bức ảnh khiến bạn muốn xách ba lô đến Malaysia ngay lập tức