Vợ tôi lương cao gấp 5 lần chồng nhưng vẫn đòi 'cưa đôi' sinh hoạt phí

2024-10-04 16:04
- Vợ tôi có thu nhập 50 triệu đồng/tháng trong khi tôi chỉ tầm 10 triệu; cô ấy quy định 'cưa đôi' phí sinh hoạt, mỗi người đóng 8 triệu đồng/tháng vào quỹ chung.

Ngay từ khi quen vợ, tôi đã nhận ra thu nhập của mình có phần yếu thế. Khi đó, cô ấy đang làm phó phòng kinh doanh tại một công ty lớn, với thu nhập từ 50-60 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, tôi chỉ là viên chức nhà nước, dù có làm thêm thì mỗi tháng cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng.

Biết tôi ngần ngại về sự chênh lệch này, cô ấy đã thẳng thắn nói: "Em không quan tâm đến thu nhập của anh, quan trọng là cách chúng ta sống với nhau". Nghe những lời chân thành đó, tôi cảm thấy xúc động. Chúng tôi nhanh chóng quyết định kết hôn chỉ sau nửa năm quen biết.

Tuy nhiên, sau khi kết hôn, sự chênh lệch về thu nhập đôi khi khiến tôi cảm thấy khó xử. Không giống như nhiều gia đình khác, nơi tiền bạc được gom lại để chi tiêu chung, vợ tôi yêu cầu lập quỹ. Hàng tháng, mỗi người sẽ đóng góp một số tiền bằng nhau vào quỹ này để chi tiêu cho gia đình. Cô ấy cho rằng, với một cặp vợ chồng trẻ không ở nhà thuê, chỉ cần mỗi người đóng 8 triệu đồng mỗi tháng là đủ.

Khó khăn là, 8 triệu đồng với vợ chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của cô, còn với tôi, đó lại là phần lớn số tiền tôi kiếm được mỗi tháng. Nếu có khoản chi phát sinh, tôi sẽ rất khó khăn để xoay xở. Nhiều khi, để đủ số tiền mình cần đóng, tôi phải vay tạm đồng nghiệp rồi trả lại tháng sau. Những lúc như vậy, anh em trong cơ quan lại nửa đùa nửa thật trêu tôi: "Mang tiếng lấy vợ giỏi kiếm tiền mà vay mượn như cơm bữa".

Ngoài ra, chuyện đối nội đối ngoại cũng là vấn đề. Mỗi lần về thăm gia đình vợ, cô ấy biếu ông bà từ 5-7 triệu đồng, tất nhiên là từ lương của cô. Còn tôi, vì không có nhiều, nên chỉ dám biếu ông bà nội 1 triệu đồng gọi là quà. Nhiều lúc, tôi tự hỏi có phải vợ sống trong môi trường cạnh tranh quá cao nên luôn tính toán, kể cả với chồng. Nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói ra, vì không muốn tạo thêm căng thẳng trong gia đình.

Vợ tôi lương cao gấp 5 lần chồng nhưng vẫn đòi 'cưa đôi' sinh hoạt phí

Cưới nhau gần 2 năm, tôi cũng không thấy vợ nhắc đến chuyện có em bé. Tôi sốt ruột đề xuất nên chuẩn bị "đúc" em bé vì cả hai không còn trẻ. Nghe vậy, vợ mới thành thật nói rằng công ty cô lương cao nhưng cạnh tranh rất khốc liệt; nếu cô mang thai và nghỉ sinh thì khả năng cao sẽ mất vị trí phó phòng. Hơn nữa, phần lớn thu nhập của cô đến từ lương kinh doanh, nếu năng suất lao động giảm do việc mang thai và nuôi con nhỏ, mức lương sẽ giảm mạnh, rất khó để đáp ứng nhu cầu chi tiêu.

Vợ nói, không phải cô ấy trốn tránh việc làm mẹ, nhưng nếu thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng trong khi tôi cũng không hơn gì thì hai đứa làm sao mà nuôi con. Việc sinh đẻ sẽ khiến cô ấy phải hy sinh công việc trong 2-3 năm, trong thời gian đó liệu tôi có cách gì để bù đắp cho khoản thu nhập này không...

Những lời vợ nói khiến tôi phải suy nghĩ. Với tôi, bỏ cơ quan đang làm để tìm công việc có thu nhập cao hơn gần như là không thể, bởi trong thời buổi khó khăn này, kiếm được việc làm ổn định như tôi không phải là điều đơn giản, dễ dàng. Vợ đã làm bên ngoài thì thì chồng cũng cần một vị trí chắc chân để phòng trừ những lúc khó khăn.

Vợ tôi lương cao gấp 5 lần chồng nhưng vẫn đòi 'cưa đôi' sinh hoạt phí

Mặc dù vợ tôi có lý, nhưng nếu nói như cô ấy thì cả chục năm sau cũng không thể sinh con được khi tính chất công việc của cô ấy vẫn vậy. Nếu chỉ tính toán tiền bạc thì chuyện có con trở thành quá xa vời. Trong khi đó, tôi biết rõ vợ có sổ tiết kiệm riêng với giá trị không nhỏ sau bao năm đi làm. Khi sinh con, thu nhập ít đi, cô ấy hoàn toàn có thể sử dụng khoản này để chi tiêu.

Tuy nhiên, tôi không nói ra điều này vì biết chắc rằng với quan điểm tiền ai nấy chi, mọi khoản chung phải cưa đôi rạch ròi từng đồng của vợ, khó có chuyện cô ấy phá sổ tiết kiệm, vì tôi không thể đưa ra số tiền "đối ứng" tương tự.

Nhiều lúc tôi muốn đưa ra lời khuyên cho cô ấy về việc chi tiêu trong nhà, không nên phân biệt "tiền anh, tiền tôi" quá mức nhưng rất ngại mở lời vì cảm thấy mình quá yếu thế về tài chính. Nói ra, cô ấy có thể nghĩ tôi là kẻ lợi dụng tiền bạc, muốn ngồi mát ăn bát vàng hưởng thành quả "cày cuốc" của vợ.

Trong hôn nhân, nếu vợ coi thường chồng vì rất khó chung sống, vì vậy tôi không muốn đẩy mình đến tình cảnh đó. Nhưng nếu im lặng thì mọi chuyện sẽ cứ giẫm chân tại chỗ không có hướng giải quyết. Rất mong độc giả cho tôi lời khuyên để vợ tôi có thể thay đổi quan điểm.

T.C (Hà Nội)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 mỹ nhân Hoa ngữ chạm ngưỡng U50 - U60 vẫn trẻ đẹp, body siêu nuột 'ăn đứt' gái đôi mươi