Rau trồng vỉa hè, bên đường: Tưởng sạch nhưng không phải vậy?

Thủy Nguyên 2016-03-09 06:54
- "Việc trồng rau ở dải phân cách đường không những không cho nguồn rau sạch, mà thậm chí còn có thể gây tai nạn giao thông", đó là khẳng định của chuyên gia

Phong trào trồng rau sạch ngoài đường

Có lẽ chưa bao giờ, phong trào tự trồng rau sạch lại thu hút sự quan tâm của người dân như hiện nay đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Sự quan tâm ấy càng được đẩy lên thành phong trào khi không ít thông tin nhan nhản nói về rau sử dụng thuốc trừ sâu, rau bẩn, tưới nước không sạch...ngày càng nhiều. Việc có một khu vườn nhỏ để trồng và tự cung cấp rau sạch trở thành một sự ao ước của rất nhiều người. 

Thế nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn có được một khu vườn nhỏ. Cái khó ló cái khôn. Không có vườn dưới đất thì đưa vườn... lên sân thượng. Nhiều người dân bỏ ra nhiều triệu đồng để mua thùng xốp, lắp đặt hệ thống tưới nước, mang đất lên sân thượng để trồng rau. Nhà nào không có sân thượng thì xới đất ở hai bên đường, xung quanh các gốc cây.

Thậm chí, nhiều gia đình tận dụng đất ở ven đường, đất ở các khu vực xây dựng chưa có người ở, đất ở dải phân cách để tăng gia trồng rau, từ đó cung cấp thêm rau sạch cho gia đình ăn.

Rau trồng vỉa hè, bên đường: Tưởng sạch nhưng không phải vậy?

Người dân tận dụng khoảng đất trống ở dải phân cách để trồng rau

Bà Nguyễn Lan (Long Biên, Hà Nội) chỉ cười khi chúng tôi hỏi  có cảm thấy thực sự an toàn khi ăn rau được trồng ngoài đường. Bà nói: “Giờ ngoài đường khói bụi và hóa chất lẫn trong không khí cũng nhiều lắm. Nhưng mọi thứ cứ tương đối đi cô chú ạ chứ giờ làm gì có cái gì sạch đâu. Cô chú xem, ở Hà Nội này thì lấy đâu ra đất nữa. Cả 1 gia đình mấy con người, chỉ có nhúm rau trồng sân thượng, ăn vài ba ngày rồi cũng hết nên tranh thủ được khoảnh đất nào trồng thêm thì cứ trồng thôi. Gọi là hạn chế được việc mua những mớ rau nào được phun kích thích, thuốc trừ sâu... chỉ vài ba tiếng trước khi mang bán. Thậm chí cả những bó rau được rửa ở ao tù”.

Trên các diễn đàn mạng, người ta lập hẳn những nhóm “ăn rau sạch” để chia sẻ cách chăm sóc, giống cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau... với nhau. Những chủ đề này cũng sôi nổi chẳng kém bất cứ một chủ đề nào. Không chỉ có chị em phụ nữ tham gia, số lượng các ông bố ủng hộ và tham gia trồng rau sạch cũng chiếm 1 lượng lớn. 

Việc tự trồng rau sạch ở bên đường, dưới cầu vượt hay ở các dải phân cách càng ngày càng được nhiều người coi như một giải pháp hoàn hảo trong việc tiết kiệm kinh tế,  an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi rau tự trồng không bao giờ phun thuốc sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng.

Chuyên gia nói gì?

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Trước hết chúng ta phải hiểu được thế nào là rau sạch. Rau chỉ được coi là rau sạch hoặc rau an toàn khi đảm bảo được các tiêu chuẩn về đất, giống, nước tưới, và môi trường”, chuyên gia này nói.

Cũng theo ông Thịnh, một điều kiện cũng hết sức quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng an toàn của rau đó là môi trường. Không khí xung quanh không được nhiễm khói bụi, đặc biệt là bụi than, bụi kim loại, bụi đường nhựa, bụi từ lốp ô tô bị mòn…

“Rau trồng ở ngoài đường chỉ có thể gọi là “rau xanh” chứ chưa phải là “rau sạch”, chưa thực sự đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Sử dụng loại rau đó, người dân vẫn có khả năng bị nhiễm độc. Việc trồng rau ở dải phân cách đường khó cho được nguồn rau sạch, mà thậm chí còn có thể gây tai nạn giao thông. Bởi việc người dân vô tư biến khoảng đất nhỏ ngoài đường thành vườn của nhà mình, ngày ngày xách xô chậu băng qua đường tưới rau dễ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tai nạn không đáng có. 

Việc trồng rau tự cung tự cấp của người dân là một việc làm tốt, nhưng tính về lâu dài cần có một chính sách cụ thể liên quan đến việc cung cấp giống, khuyến khích, tiêu thụ nguồn thực phẩm an toàn. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi và sức khỏe cho nhân dân”, đó là lời khẳng định của vị chuyên gia này.

Đồng thời ông Thịnh cũng đưa ra lời khuyên cho các hộ dân là nên sử dụng đất giá thể để thay thế cho nguồn đất tự nhiên. Hoặc sử dụng phương pháp thủy canh để trồng rau.

Đây là phương pháp không phải mới và đã được nhiều hộ gia đình áp dụng. Việc trồng rau trong một hệ thống có dung dịch không tuần hoàn sẽ cung cấp cho cây trồng đủ dinh dưỡng cần thiết, cách ly với nguồn sâu bệnh, phân tươi, nước ô nhiễm, tránh được các độc tố.  

Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mách bạn những mẹo đơn giản để điện thoại không bị hacker 'ghé thăm'