Mua nhà tiền tỷ, dân chung cư vẫn có 2 nỗi lo... nơm nớp

Trang Lê 2016-11-22 06:56
- Thời gian vừa qua đã từng có trẻ em rơi từ chung cư xuống đất hay những vụ cháy xảy ra bất thình lình... đặt ra nỗi lo lắng cho nhiều người.

Khoảng 20 giờ ngày 30/10 tại tòa nhà K6 (KĐT Việt Hưng – Long Biên), một cháu bé 8 tuổi đã rơi xuống khu vực giếng trời từ tầng 11 xuống tầng 2. Tại chung cư này, mặt trước và mặt sau đều có khu vực giếng trời để thoáng khí và lấy ánh sáng cho cả tòa nhà. Tuy nhiên giếng trời này xuyên suốt các tầng và ở mỗi tầng đều không có lan can.

Ngay ngày 31/11, khoảng 23h, một vụ cháy xảy ra tại tầng 8 tại chung cư trong khu đô thị Linh Đàm. Hàng trăm người náo loạn dìu dắt nhau chạy ra ngoài chung cư.

Hai sự việc chấn động khiến nhiều người dân sống tại các chung cư Hà Nội không khỏi lo lắng, hoang mang về chất lượng, độ an toàn cũng như những tai nạn rình rập.

Hiện nay, hầu hết các chung cư đều khuyến khích người dân lắp lưới an toàn hoặc cửa khung thép để đảm bảo tính mạng, phòng ngừa tai nạn, nhưng trên thực tế, rất nhiều gia đình sống tại các chung cư lại phớt lờ, bỏ qua việc lắp lưới an toàn hoặc làm cửa khung sắt vì chủ quan.

Mất an toàn ở khu chung cư: Cần phải xử lý thật nghiêm

Cháy nổ tại các xung cư và tình trạng mất an toàn ở ban công đang là nỗi lo của tất cả mọi người.

Chị T.T.H (cư dân một chung cư ở Cầu Giấy cho biết): “Khi chuyển nhà về sống ở chung cư, bản thân vợ chồng tôi rất ý thức việc phải làm thêm lưới an toàn ở ban công. Gần đây rất nhiều trường hợp trẻ em bị rơi từ trên tầng cao xuống dưới nên càng chú ý việc này để đảm bảo an toàn cho các con của mình. Dù có báo động nhưng tôi vẫn phải thường trực các kiến thức về sơ cứu, chữa cháy để phòng bị cho bản thân, gia đình và hàng xóm".

Chị N.A (cư dân một chung cư ở khu Linh Đàm) cho biết, việc đầu tiên khi về sống ở chung cư là làm lưới an toàn ở cửa sổ và lan can.

“Lan can hiện cao hơn đầu con tôi nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tôi vẫn làm thêm lưới an toàn. Hầu hết các hộ dân ở đây cũng làm để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, nhất là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ sống ở chung cư”, chị A. chia sẻ.

Lan can và phòng cháy... cần lo nhất ở chung cư

Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc lan can xây thiếu an toàn tại các toà nhà chung cư hiện nay là do bên thiết kế hoặc cũng có thể là do cả thi công không đúng theo thiết kế.

“Lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,2m; không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm”. TS Liêm nói.

Theo TS Liêm, để loại trừ các tai nạn thương tâm có thể xảy ra, chủ các căn nhà sau khi đã nhận nhà cần phải quan sát xem việc thiết kế ban công có thấp quá không. Trong trường hợp ban công không an toàn, chủ nhà nên thuê người về chỉnh sửa lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính những người trong gia đình mình. Các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan, vì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Liên quan đến nỗi lo cháy nổ ở chung cư, Đại tá Trần Văn Vụ (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1, Công an Hà Nội) cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy chung cư, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do ý thức con người trong công tác phòng ngừa việc cháy nổ chưa cao, tiếp đến là do chất lượng xây dựng của các chung cư, hệ thống điện, hệ thống phòng chống cháy nổ chưa được nghiệm thu đầy đủ”.

Cũng theo Đại tá Vụ, tại Hà Nội, nhiều chung cư cao tầng mọc lên, đưa người dân vào sinh sống nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Theo Đại tá Vụ, mới đây cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội công bố trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng. Trong đó, có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động; 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy đã được Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy kiến nghị.

Theo danh sách của Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội, quận Hà Đông tập trung nhiều tòa nhà không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy nhất với 14 công trình; quận Hoàng Mai là 9 tòa.

“Trong Luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu. Khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào ở hoặc đưa công trình vào sử dụng. Nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, mà đã cho người dân vào ở là sai quy định”, Đại tá Vụ cho biết.

Về công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: “Khi xảy ra các trường hợp cháy nổ, không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng. Nếu chủ đầu tư xây dựng dự án sai, đương nhiên phải phạt. Cơ quan quản lý mà để việc đó xảy ra thì cũng sai. Chúng ta cần có chế tài xử phạt nghiêm," ông Liêm nhấn mạnh.

 

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Loạt người đẹp hết lộ ngực đến 'vùng cấm địa' trên đấu trường nhan sắc quốc tế