Đạo thầy nơi 'trái tim' Tổ quốc: Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn (2)

Giang Vương 2016-11-19 07:14
- Nhưng lạ thay, khi đưa ra ý kiến thăm dò thì đã không ít thầy cô giơ tay quả quyết lên đất khó này với học trò. Thế là trường có thầy, có cô, có trò, tiếng trống vang lên giữa đại ngàn và tíu tít những bước chân trẻ.

Con đường 20 huyền thoại một thời đến nay vẫn là con đường tồi tệ bậc nhất. Để vượt gần 50km trên con đường ấy, lên với các thầy trò ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) người ta phải mất gần 1 ngày trời mải miết đi xe máy. Ấy thế mà lên, gặp ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã ở cái vùng xa ngất này, ông bảo chả ai bằng các thầy cô giáo cả. Họ đã tìm lên, đã “đánh bạn” với con em người Ma Coong, dạy chữ cho chúng nó từ lâu lắm rồi!

Trước, như thường lệ, Trường Dân tộc Nội trú của huyện Bố Trạch được đặt ở dưới trung tâm huyện. Mỗi tuần, huyện cắt cử một chuyến xe tải dã chiến lên để đón các em ở hai xã vùng sâu, xa nhất của huyện là Tân Trạch và Thượng Trạch về học. Tạo điều kiện là thế, nhưng do đi lại trên con đường có một không hai này học sinh đã sợ và bỏ rất nhiều. Trường vắng, lớp vắng, có thời Trường Dân tộc Nội trú này của huyện gần như bị xóa sổ.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: Người thầy ở nơi địa đầu Tổ quốc

Một điểm trường nội trú của huyện Bố trạch - Quảng Bình.

Sau rất nhiều tính toán, vì học sinh và sự khai sáng cho các lớp trẻ nơi sát biên giới Việt – Lào này, huyện đã quyết định đưa trường lên đây. Đưa trường lên, thuận cho học sinh nhưng lại sợ không có thầy. Nhưng lạ thay, khi đưa ra ý kiến thăm dò thì đã không ít thầy cô giơ tay quả quyết lên đất khó này với học trò. Thế là trường có thầy, có cô, có trò, tiếng trống vang lên giữa đại ngàn và tíu tít những bước chân trẻ.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, hiệu trưởng trường, người có thâm niên và sở trường đi lại trên con đường gian khó này bộc bạch: "Có lẽ không ở đâu sự vất vả của thầy cô giáo lại có thể cô đọng như những người làm nghề dạy học ở đây. Phần lớn 18 thôn bản của Thượng Trạch này dân đều lạc hậu. Dân lạc hậu nên dẫn đến trình độ và sự thích nghi của trò cũng không cao. Các em dè dặt, sợ sệt và sống hết sức bản năng. Vậy nên để các em học được cái chữ thì giáo viên ở đây phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thao tác: Vừa dạy – Vừa dỗ trò. Nếu không kết hợp được hai yếu tố này thì học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về bản ngay".

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: Người thầy ở nơi địa đầu Tổ quốc

Để học sinh đến lớp, đến trường, giáo viên miền núi không chỉ mang con chữ đến cho các em, mà phải rất tận tình như những người cha, người mẹ, người bạn.

Dạy và dỗ vất vả là vậy nhưng những cái cho cuộc sống của mình thầy cô giáo nơi đây cũng trăm lần cơ cực. Muốn mua gì, bán gì thì tuần chỉ một lần ngóng cổ lên con dốc nơi đầu xã để ngóng một chuyến xe tải loại “zin ba cầu” ì ạch nhả khói bò vào. Muối mắm, thức ăn, lương thực, xà phòng… đều chỉ có chuyến xe ấy. Nếu tính không đủ, nếu quên thì chỉ có nước nhịn và thôi dùng nó.

nhà giáo 20/11

Một điểm trường tạm bợ.

Nhưng kì lạ thay, vượt lên tất cả những gian khó ấy, vì học sinh, vì tương lai một vùng đất, 10 phòng học đã được xây dựng và thu hút tới gần 300 học sinh theo học. Bằng sự hy sinh đúng chất và đúng nghĩa nhất của những người thầy, người cô, từ cuộc sống gần như tự cung tự cấp và phụ thuộc vào tự nhiên thì nay Thượng Trạch đã có những học sinh vượt núi ra phố thị học ở những trường cao đẳng, trung học và chuyên nghiệp dạy nghề. Và trong mắt các em học sinh nơi đây, tôi tin, hình ảnh người thầy, người cô vẫn là những gì thiêng liêng và thanh khiết nhất.

Giang Vương

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 bộ phận này của phụ nữ càng lớn thì phúc khí càng vượng, phúc lộc càng dày