Ăn nhầm bột thông bồn cầu, bé trai 1 tuổi nhập viện

2018-04-22 14:20
- Bé D. ăn nhầm phải bột thông bồn cầu khi chơi ở nhà và được gia đình phát hiện sau đó.

Tin tức trên báo Người lao động cho hay, các bác sĩ tại BV Nhi Trung ương vừa tiến hành rửa thực quản, dạ dày cho bệnh nhi N.V.D. (1 tuổi, ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) bị ngộ độc do ăn nhầm bột thông bồn cầu. May mắn là bé được cấp cứu kịp thời và chất thông bồn cầu ở dạng bột nên bệnh nhi chỉ bị tổn thương nhẹ ở thực quản và không nguy hại đến tính mạng.  

    Một bệnh nhi từng được cấp cứu ở BV Nhi Trung ương vì ăn nhầm thuốc thông bồn cầu (Ảnh: BV cung cấp)      

Gia đình bệnh nhi cho biết, chiều 21/4, trong khi chơi với bà ở nhà, bé D. ăn nhầm phải bột thông bồn cầu và được gia đình phát hiện sau đó.  

Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã diễn ra tại Nghệ An. Cụ thể, vào tháng 11/2017, do nhà vệ sinh của một lớp tại điểm trường Mạnh San (thuộc trường mầm non Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị tắc nên kế toán đã lấy 2 gói bột thông bồn cầu đưa xuống lớp học. Sau khi nhận 2 gói bột, cô giáo đã cất vào tủ, rồi đưa một cháu bé trong lớp đi vệ sinh.  

Thấy tò mò, 3 em gồm Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Ngọc Bích và Phạm Thái Nguyên (cùng học trong lớp trẻ 4 tuổi ), đã mở tủ lấy gói bột thông bồn cầu bóc ra để ăn. Khi cô giáo vào lớp phát hiện sự việc đã báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường, sau đó cùng đưa các cháu sang Trạm y tế xã Nam Kim sơ cứu, rồi chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tuy nhiên, do cháu Yến Nhi và Ngọc Bích bị nặng hơn nên được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. May mắn là vụ việc được phát hiện sớm nên các bé được cấp cứu kịp thời, không nguy hiểm đến tính mạng.  

Trước đó, bệnh viện Nhi đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân ăn nhầm bột thông bồn cầu vì nghĩ là đường; uống nhầm dầu hoả, xăng và các hóa chất có tính ăn mòn như axit, thuốc tẩy rửa, thuốc diệt cỏ... vì các hoá chất này được đựng trong các vỏ chai nước ngọt.  

Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình tuyệt đối không không đựng hóa chất trong vỏ chai nước vì trẻ rất dễ nhầm là nước uống... Lưu ý, khi cất giữ các loại hóa chất nên để xa tầm tay của trẻ nhỏ để tránh những tai nạn đáng tiếc...  

Cách sơ cứu trẻ ăn nhầm hoá chất độc hại  

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi Trung ương, đối với ngộ độc thuốc diệt cỏ, phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn, nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.  

Nếu trẻ uống nhầm axít, xăng dầu, chất tẩy rửa, khi sơ cứu không được gây nôn cho trẻ. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.  

Theo D.Thu (NLĐ)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những con giáp sẽ được Thần Tài đi theo đến suốt đời