Để phòng bệnh thận, mỗi năm cần đi tầm soát như thế nào?

2017-03-13 06:50
- “Một năm nên đi tầm soát bệnh thận ít nhất 2 lần. Bất cứ ai cũng nên đi tầm soát vì bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là nhóm tuổi thanh niên đang còn trẻ”, bác sĩ Dung nói.

Mệt mỏi, da xanh nên đi khám sớm

22 tuổi là thời điểm sức dài vai rộng, anh Nguyễn Trung K. (Vĩnh Phúc) không nghĩ mình lại có thể mắc bệnh suy thận.

Anh K. cho biết, sau khi học xong cấp 3, anh quyết định không thi đại học mà theo người họ hàng đi làm xây dựng. Bình thường anh K. có thể vác một bao xi măng lên tầng mà không hề thấy mệt. Anh K. vẫn luôn tự tin về sức khỏe của mình hơn nhiều người.

Sau trận ốm nhiều ngày, khi đi làm trở lại, anh K. thấy người mệt mỏi uể oải, phù nhẹ. Ban đầu anh chỉ nghĩ do mới ốm dậy nên cơ thể còn yếu. Và trong thời gian ốm được bố mẹ tẩm bổ nhiều thịt, cá nên cơ thể đã tăng cân.

Cách phòng bệnh thận tốt nhất 6 tháng nên đi khám/ lần

Thịt đỏ không tốt cho bệnh nhân thận

Tuy nhiên, sau một tháng, tình trạng mệt mỏi vẫn chưa hết, anh K. lại cảm thấy chán ăn và buồn nôn. Khi đi khám sức khỏe thì được bác sĩ thông báo đã bị suy thận.

PGS.TS. Đinh Thị Kim Dung cho biết, phát hiện suy thận ở giai đoạn sớm thường rất khó. Vì triệu chứng suy thận giai đoạn nhẹ thường kín đáo, không rõ ràng. Bệnh nhân vẫn có thể làm việc bình thường nhưng sẽ thấy hơi mệt, da xanh, phù nhẹ. Do triệu chứng bệnh rất mơ hồ cho nên nhiều người thường bỏ qua không đi khám.

“Suy thận tiến triển tới giai đoạn nặng thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi và buồn nôn. Khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt ở người trẻ, khi mắc bệnh thận vẫn có thể lao động bình thường cho nên lại ít để ý tới triệu chứng của bệnh”, bác sĩ Dung nói.

Người mắc bệnh thận tránh ăn gì

Không phải mọi thức ăn bổ, đồ uống hay hoa quả tươi đều tốt cho bệnh nhân suy thận. Người bị suy thận tránh ăn nhiều cam, chuối nhất là khi đã có biểu hiện tiểu ít hơn bình thường, vì có thể làm rối loạn điện giải làm tăng Kali máu nguy hiểm cho tim và gây ra biến chứng đột ngột.

“Bệnh nhân không nên ăn mặn, để không làm tăng huyết áp dễ gây ra bệnh thận. Khi đã mắc bệnh thận ăn mặn càng dễ khiến cơ thể phù và giữ nước. Ăn nhiều chất đạm cũng khiến cho thận bị quá tải khi đào thải các sản phẩm chuyển hóa chất đạm”, bác sĩ Dung nói.

Một sai lầm mà rất nhiều người bị bệnh thận mắc phải là khi thấy mệt mỏi sẽ tẩm bổ hay ăn nhiều thịt. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt (chất đạm) sẽ làm cho tình trạng suy thận của bệnh nhân càng tiến triển nặng hơn.

Để phòng tránh bệnh thận nên uống đủ nước hàng ngày 1,5- 2 lít/ngày. Có thể uống thêm nước hoa quả, uống râu ngô sạch giúp lợi tiểu. Uống nhiều nước sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

 

“Một năm nên đi tầm soát bệnh thận ít nhất 2 lần. Bất cứ ai cũng nên đi tầm soát, vì bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là nhóm tuổi thanh niên đang còn trẻ”, bác sĩ Dung nói.

Cần đi làm những xét nghiệm gì khi nghi ngờ mắc bệnh thận:

Các xét nghiệm tối thiểu nên làm để tầm soát bệnh thận và suy thận đó là:

Xét nghiệm máu: ure, creatinin, đường huyết, A uric, công thức máu.

Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu

Đánh giá chức năng thận thông qua các chỉ số trong máu và nước tiểu.

Siêu âm thận thông thường để đánh giá hình thái thận và tìm hiểu một số nguyên nhân như sỏi, u, nang hay tình trạng ứ nước.

Tất cả các xét nghiệm trên có thể làm ở bất cứ bệnh viện hay trung tâm y tế nào. Chi phí của tất cả các xét nghiệm trên không quá nhiều, chỉ khoảng 300.000đ – 400 000 đồng. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế có thể hỏi nhân viên tư vấn của bệnh viện để biết thêm chi phí.

Khi phát hiện có bệnh thận hay suy thận, người bệnh nên đến khám chuyên sâu tại các chuyên khoa Thận - Tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Ngọc Min

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập đốt mỡ siêu đỉnh, cư dân mạng thử 2 tuần có ngay vòng 2 con kiến, vòng 3 nẩy nở