Đi tiểu sủi bọt, lười uống nước: Bác sĩ cảnh báo có thể đã mắc căn bệnh sau

2017-03-10 10:00
- Con trai vốn có thói quen nhịn tiểu kèm theo dấu hiệu sủi bọt trong nước tiểu khiến người mẹ không khỏi lo lắng.

Thường xuyên đi tiểu sủi bọt và lười uống nước

Phản ánh về đường dây nóng của Emdep.vn, chị Nguyễn Thanh H. (Hà Nội) chia sẻ lo lắng về việc con trai thường xuyên nhịn tiểu. Chị H. sợ rằng, việc nhịn tiểu của con sẽ gây ra các bệnh lý về thận, đặc biệt là suy thận.

Thời gian gần đây, khi con chị đi tiểu, chị H. phát hiện nước tiểu không bình thường. Theo lời chị H., nước tiểu con trai chị khi thải ra thường sủi bọt tăm như nấu nước sôi. Chị H. nghi ngờ việc đi tiểu sủi bọt của con có liên quan tới thói quen lười uống nước.

“Ngay từ khi còn rất nhỏ, con trai tôi đã không chịu uống nước. Cháu chỉ uống nước khi bị mẹ ép uống. Tôi để ý con không chủ động đi tè. Có những lần thấy con có vẻ rất buồn tè nhưng vẫn cứ chơi bình thường. Khi tôi nhắc con đi tiểu tiện, con tôi mới đứng dậy đi. Có lần đi chơi công viên, bé còn không chịu đi tè dù kêu rất muốn đi vệ sinh và nhịn về nhà mới đi", chị H. nói.

Con đi tiểu sủi bọt mẹ hốt hoảng sợ con bị suy thận

Trẻ lười uống nước, nhịn tiểu dễ dẫn tới viêm đường tiết niệu, ảnh minh họa.

Chị H. cho biết, trong gia đình chị không ai có tiền sử của bệnh thận. Bên cạnh đó, không có ai có thói quen nhịn đi tiểu tiện. Theo lời chị H., ngoài việc nhịn tiểu, con trai chị vẫn ăn ngủ, học hành bình thường.

“Con tôi có thói quen chỉ thích ăn thịt. Tôi cũng sợ việc ăn nhiều thịt sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận của con. Nhưng nếu không cho cháu ăn thịt lại không ăn được bất cứ thứ gì khác”, chị Hà nói.

Lo sợ con có thể mắc bệnh thận, chị H. đã cho con đi khám tại bệnh viện. Bác sĩ cho con chị H. làm mọi xét nghiệm, kiểm tra chức năng thận nhưng tất cả đều bình thường. Bác sĩ vẫn yêu cầu chị cần theo dõi thêm và nên tạo cho bé có thói quen uống nhiều nước.

Để tập thói quen uống nhiều nước cho con, mỗi buổi sáng thức dậy, chị H. đều yêu cầu con uống hết 1 cốc nước lọc. Vì chị biết rằng, khi tới lớp, ngồi vào bàn học con chị thường không khát và không uống nước. Nhờ vào việc uống nhiều nước mà tình trạng đi tiểu sủi bọt của bé đã được cải thiện hơn.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ phải đưa bé đi kiểm tra chức năng thận một lần nữa để chắc chắn cháu không sao”, chị H. tâm sự.

Nước tiểu sủi bọt có thể là bệnh gì?

PGS.TS. Đinh Thị Kim Dung, nguyên Trưởng khoa Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người đi tiểu sủi bọt chưa thể khẳng định được bị suy thận hay không. Thông thường những trường hợp đi tiểu sủi bọt, nước tiểu đục có thể do nhiễm trùng đường tiểu hoặc do tiểu ra nhiều đạm trong bệnh lý cầu thận có hội chứng thận hư.

Nếu bệnh nhân đã đi xét nghiệm các chức năng thận mà được kết luận không mắc bệnh thận, có thể bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu do nhịn tiểu và uống quá ít nước.

Lười uống nước và nhịn tiểu tiện là thói quen gây hại cho đường tiết niệu. Thời gian, nhịn tiểu càng lâu thì khiến cho vi khuẩn càng có cơ hội tấn công vào niệu đạo, bàng quang gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu khiến cho nước tiểu có màu bất thường đục, máu… Ở những người uống ít nước và nhịn tiểu có nguy cơ cao bị lắng đọng cặn thận gây ra sỏi thận.

“Để phòng tránh bệnh thận nên uống đủ nước từ 1,5- 2 lít/ngày, có thể uống thêm nước hoa quả, uống râu ngô sạch giúp lợi tiểu. Việc uống nhiều nước sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu”, PGS.TS.Đinh Thị Kim Dung cho hay.

Trong bài tiếp theo, bác sĩ sẽ cảnh báo nguy cơ suy thận do lối sống thói quen sinh hoạt và tư vấn cách phòng tránh. Xin kính mời quý độc giả đón đọc.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập đơn giản giúp đánh bay mỡ bụng cho dân văn phòng