Nguy cơ ngộ độc cao nếu chế biến 9 loại thực phẩm dưới đây sai cách
2020-04-22 09:41
- Khoai tây, sắn, măng,... nếu không được chế biến đúng cách sẽ khiến bạn bị ngộ độc gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tin liên quan
1. Sắn
Mặc dù củ sắn giàu tinh bột, nhưng các bộ phận khác như rễ, thân và lá đều có chứa nhiều chất độc hại. Ngay cả trong vỏ củ sắn cũng chứa cyanogenic glycosides, có thể làm đảo lộn dạ dày của bạn, gây ra vấn đề về rối loạn tiêu hóa (nôn, đi ngoài...) và rối loạn thần kinh. Do đó, để cho an toàn, củ sắn sau khi dỡ về cần chế biến ngay. Nếu chế biến không kịp thì phải vùi xuống đất.
Đối với củ sắn cần loại bỏ lớp vỏ có màng tim tím bên ngoài vì hàm lượng acid cyanhydric rất cao ở lớp vỏ này (màu càng tím thì hàm lượng acid cyanhydric càng cao), sau đó ngâm vào nước khoảng 30 phút và rửa sạch bằng nước lạnh vài lần rồi hãy luộc. Người ta thường luộc cả vỏ và trẻ nhỏ rất thích ăn lớp vỏ ngoài này vì dòn nên rất dễ bị ngộ độc. Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng thì không nên ăn. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong sắn. Cũng có một số người dùng lá sắn để luộc hay nấu canh và đã ngộ độc vì trong lá sắn cũng chứa loại acid này. Loại lá sắn có màu tím dễ gây ngộ độc hơn loại màu trắng.
2. Nấm
Nấm là một món ăn có hương vị thơm ngon và rất giàu các chất dinh dưỡng cũng như vitamin B1, B6, B12, PP… Tuy nhiên trên thực tế, rất khó để phân biệt giữa nấm ăn được và nấm độc, bởi nhiều khi bề ngoài, màu sắc, hình dáng của chúng không khác nhau là mấy. Rất nhiều loại nấm độc có thể làm đảo lộn dạ dày và tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và ói mửa, và gây tổn hại gan và thận của bạn.
Phần thực sự đáng sợ là các triệu chứng này có khi không xuất hiện ngay sau khi ăn mà phải vài ngày sau mới phát tác. Biện pháp tốt nhất do đó là tránh hoàn toàn các loại nấm trong tự nhiên, và chỉ tiêu thụ những sản phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, hãy bảo quản nấm nơi thoáng mát và sử dụng trong vòng tối đa là 2-3 ngày.
3. Sữa đậu nành
Do trong đậu nành sống cũng có thành phần độc tố, vì vậy nếu sữa đậu nành không được nấu chín, khi sử dụng cũng có thể dẫn đến ngộ độc. Đặc biệt là khi sữa đậu nành được nấu đến khoảng 80 ° C, chất saponin trong đậu nành gặp nóng sẽ bị giãn nở và bọt nổi lên tạo thành hiện tượng "sôi giả".
Trên thực tế, nếu bạn vừa thấy hiện tượng sôi giả đã ngừng đun các thành phần độc hại như saponin có trong sữa đậu nành sẽ không bị phá hủy hoàn toàn. Điều đó sẽ gây ngộ độc khi sử dụng, thường là sau khi ăn từ 0,5 - 1 giờ có thể phát bệnh, các triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở đường tiêu hóa.
Để ngăn ngừa ngộ độc sữa đậu nành sống, khi sữa đậu nành được nấu chín, cần đun nóng đến 100 ° C, trong khoảng 10 phút trên lửa nhỏ, lúc này có thể an toàn sử dụng sữa đậu nành.
4. Cà chua
Thân và lá của cà chua tự sản xuất ra chất độc tomatine (C50H83NO21) để chống bệnh cho cây trái. Người ta hay nói không nên ăn khoai tây khi đã mọc mầm, bởi lúc đó thân và lá cây sẽ có độc, thì cà chua cũng tương tự. Ăn 1-2 lá nhỏ trong salad cà chua sẽ không gây hại, nhưng ăn với lượng lớn có thể gây nguy hiểm.
Lá cà chua cũng chứa glycoalkaloid, hợp chất gây lo lắng, khó chịu dạ dày và chuột rút nghiêm trọng. Theo 1 tài liệu chưa kiểm chứng thì 450g lá cà chua có thể gây nguy hiểm cho người mẫn cảm với tomatine. Trái cà chua còn xanh có chứa một loại ancaloid độc tên là solanin, khi chín nó sẽ tự hết vì thế nên mua cà chua chín rồi chế biến ngay. Bạn không nên ăn cà chua xanh hoặc mua cà chua xanh về ủ chín rồi ăn cũng không được khuyến khích.
5. Mộc nhĩ mới được hái
Trong mộc nhĩ tươi có một chất cảm quang, rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi mà cơ thể tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây ra chứng viêm da, phần bị lộ ra ánh sáng sẽ sưng lên, khó thở.
Với mộc nhĩ sau khi phơi khô, chất cảm quang tự biến mất, chất độc cũng biến mất, ăn không còn gây hại nữa.
6. Đậu cove
Trong đậu cove cũng có độc tố Saponin, nếu không được nấu chín, chất saponin trong đậu sẽ kích thích mạnh hệ tiêu hóa. Ngoài ra, đậu cove còn chứa nitrite và trypsin, có thể kích thích dạ dày trong cơ thể, gây ngộ độc thực phẩm và các triệu chứng viêm đường tiêu hóa. Đậu cove có thể chế biến món xào hoặc luộc, tuy nhiên trong quá trình nấu nhất định phải chín kỹ.
7. Rau chân vịt
Mọi người đều biết rau chân vịt có chứa rất nhiều axit oxalic. Khi ở trong ruột loại axit này sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi. Nó sẽ gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi.
Do vậy rau chân vịt bắt buộc phải nấu chín để loại bỏ bớt axit oxalic để không cản trở việc hấp thụ canxi. Khi được nấu chín, ăn rau chân vịt sẽ hấp thụ nhiều sắt, canxi và magie hơn.
8. Măng
Trong măng chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên độc chất trong măng sẽ bay hơi dễ dàng khi được nấu sôi.
Để loại bỏ những độc tố có trong măng, sau khi xắt lát mỏng nên đem luộc qua với nước sôi trong khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc không nên đậy nắp nồi, để các độc chất trong măng theo hơi nước sôi bay ra ngoài. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh, sau đó chế biến bình thường.
9. Khoai tây nảy mầm
Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến với người Việt, nhưng trong củ khoai tây có thành phần độc hại là solanine. Toàn bộ cây đều chứa độc tố này, nhưng hàm lượng của mỗi phần là khác nhau, đặc biệt là có rất nhiều trong khoai tây nảy mầm.
Chất này khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra ngộ độc nhanh chóng với các biểu hiện như cứng lưỡi, thanh quản tê liệt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác. Nếu như bạn gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu lại trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc ở một mức nhẹ hơn, giống như cảm giác trúng gió.
Hồng Vân (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Vì sao bạn phải đến Đài Loan một lần trong đời?