Mẹ “nhồi” trẻ học đủ môn nghệ thuật trong mùa hè, coi chừng khiến trẻ “NỔI ĐIÊN” chống đối
Tin liên quan
Con chưa hết năm học, mẹ đã chi chục triệu tìm lớp học hè
Chị Minh Châu, mẹ bé Thảo (6 tuổi, Hà Nội) đã cho con đi học nghệ thuật ngay sau khi con kết thúc thi cuối kỳ. Bé Thảo học vẽ, mẫu nhí, học tiếng Anh, chưa kể học múa, đàn piano. Tính sơ sơ, tổng số tiền cho “công chúa” đi học nghệ thuật mùa hè cũng hết chục triệu đồng mỗi tháng.
Ông xã bận đi làm nên chị Minh Châu phải “chạy sô” đưa đón các con. Ban đầu, chị định cho con học mấy môn này để con tự tin giao tiếp. Nhưng sau thấy con có năng khiếu, được làm mẫu ảnh, đi trình diễn thời trang nên mạnh dạn đầu tư..
Thay vì chạy nhảy, chơi đùa thỏa thích, trẻ lại lao vào công cuộc học hè theo ý của các mẹ. Ảnh minh họa.
Mùa hè đến, rất nhiều phụ huynh tại thành thị tìm lớp nghệ thuật để “gửi gắm” con em mình. Theo lý giải của các mẹ, cho con đi học nghệ thuật mùa hè ngoài việc giúp con tự tin giao tiếp còn để “cách ly” con với đồ chơi công nghệ có hại. Có mẹ lại cho con đi học vì muốn con được… nổi tiếng, khác biệt trong đám bạn.
Tuy nhiên, với cách học nghệ thuật theo kiểu “nhồi nhét” như thế, không ít đứa trẻ đã cảm thấy chán nản, không muốn đi học trong mùa hè.
Đừng để trẻ khóc bên cây đàn piano!
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định mong muốn con học giỏi, tham gia nghệ thuật của cha mẹ là chính đáng. Khao khát đó xuất phát từ tâm lý “con cái là tài sản” và bố mẹ đầu tư cho con những gì tốt nhất.
TS. Vũ Thu Hương khẳng định cha mẹ ép trẻ học nghệ thuật trong khi trẻ không thích sẽ khiến trẻ sợ hãi, chống đối. Ảnh: NVCC
“Học nghệ thuật là có lợi cho trẻ trong trường hợp trẻ thực sự có năng khiếu và yêu thích học. Khi đó, năng khiếu của trẻ sẽ được bộc lộ và phát triển. Nếu đó là ước mơ, say mê của con, con có không gian và thời gian để sáng tạo thì việc học là rất cần thiết.
Nếu không sẽ mọi thứ sẽ thực sự tồi tệ. Trẻ học nghệ thuật nhồi nhét do bố mẹ thích thì trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, chống đối. Tôi đã từng gặp niều trường hợp trẻ khóc bên phím đàn piano, học nhiều mà không đàn được bản nhạc nào vì mẹ ép học, chứ không phải do trẻ thích”, TS. Thu Hương nói.
Theo TS. Thu Hương, nếu trẻ thực sự có tài năng thì tài năng sớm muộn cũng được bộc lộ. Phụ huynh không nên nôn nóng, bắt tài năng bị “chín ép”, “chạy đua” theo lịch học nghệ thuật dày đặc mà cha mẹ đặt ra. Đặc biệt là những phụ huynh cho con đi học nghệ thuật chỉ nhằm "đánh bóng" hình ảnh của con, làm bệ phóng cho con nổi tiếng là quan niệm hết sức sai lầm.
Bởi cái giá phải trả cho sự nổi tiếng quá sớm trong khi kinh nghiệm và độ chín về tài năng chưa có sẽ khiến trẻ trượt dài trong sự ảo tưởng về bản thân và "mục rỗng" về sau. Như thế, hậu quả là rất khôn lường.
“Là một người mẹ đã từng trải qua các cung bậc cảm xúc trong việc học nghệ thuật của con, tôi nghĩ, trong cuộc sống bon chen, áp lực này, con được là một đứa trẻ bình thường, hồn nhiên, hạnh phúc, có ước mơ, trách nhiệm với bản thân mình, như vậy là đủ!”, TS. Thu Hương bày tỏ.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất