Con trai bị bỏng nặng vì bát mì vừa lấy ra từ lò vi sóng, bà mẹ nhanh trí xử lý cứu nguy cho con
Tin liên quan
Là một y tá khoa nhi, bà mẹ đến từ Nam Australia Jackie từng nhiều lần thay quần áo cho những đứa trẻ bị tổn thương bởi những vết sẹo khủng khiếp và trải qua cấy ghép da. Cô rất hiểu cảm giác đau đớn với các em bé như thế nào. Jackie quyết định điều tương tự sẽ không bao giờ xảy ra với các con mình. Nhưng tai nạn có thể không chừa một ai, ngay cả những bà mẹ có ý định tốt nhất và cẩn thận nhất.
Chia sẻ với tờ Kidspot, Jackie cho biết, hôm 28/10, cô đang chuẩn bị bữa trưa cho 4 đứa con: cặp song sinh Belle – Dylan 13 tuổi, Millie 10 tuổi và Billy mới 21 tháng tuổi. Khi chạy vội tới bên chiếc lò vi sóng để lấy món mì nóng giẫy ra, Jackie đã nhớ dừng lại để "chắc chắn rằng bé út Billy không quanh quẩn dưới chân tôi. Tôi cho rằng con đang ở cách tôi một khoảng đủ an toàn". Nhưng Jackie không bao giờ có thể dự đoán được chuyện xảy ra chỉ vài giây sau đó.
Cầm bát mì trên tay, Jackie dùng khuỷu tay huých vào cánh cửa lò vi sóng để đóng nó lại. Nhưng "lực huých đủ mạnh khiến cho nước nóng trong bát bắn vào tay tôi. Cảm giác nóng giẫy lập tức khiến tôi buông rơi bát mì xuống đất. Bát không vỡ nhưng thay vào đó, toàn bộ số mì và nước nóng bắn vọt ra thay vì chảy tràn trên sàn nhà. Tôi đứng đó trong vô vọng khi chứng kiến cảnh tượng đang diễn ra, như thể trong một thước phim quay chậm: nước mì nóng giẫy như một làn sóng ào ạt tuôn về phía Billy. Đúng là một chuỗi chuyện xui xẻo xảy ra liên tiếp".
Dù rất cẩn thận nhưng Jackie vẫn khiến con bị bỏng khi lấy bát mì ra khỏi lò vi sóng.
"Lập tức tôi biết tình trạng tồi tệ của con mình. Da của con tróc ra từng mảng. Tôi biết cần phải giữ bình tĩnh để mang tới cho con cơ hội tốt nhất. Thời điểm đó, không còn thời gian mà suy nghĩ gì nữa", Jackie nhớ lại.
Jackie lập tức bế con trai lao vào phòng tắm và xả vòi nước lạnh khắp các vết bỏng của con. Khi cởi chiếc áo phông của Billy ra và nhìn những mảng da bong tróc, Jackie nhận thấy, họ cần thêm trợ giúp. Bà mẹ 4 con vội vàng kêu 3 đứa con còn lại gọi xe cứu thương.
Trong lúc chờ nhân viên y tế tới, Jackie vẫn đặt Billy dưới vòi nước lạnh trong khoảng 10 phút. "Trông Billy rất sốc. Con run rẩy và kiệt sức. Vậy nên, tôi đưa con ra khỏi bồn tắm, dùng khăn tắm quấn vùng da không bị thương của con và màng nylon mỏng che các vết bỏng", Jackie kể.
Trong vòng vài phút, xe cứu thương tới và Billy được đưa ngay tới bệnh viện gần đó.
Cậu bé gần 2 tuổi bị bỏng nặng: bỏng độ 1 và độ 2 trên 7% diện tích cơ thể - chủ yếu ở ngực, vai, bụng, lưng, mặt và cánh tay trái.
Nhờ có sự nhanh trí của Jackie, bác sĩ cho biết: "Cậu bé có thể nhanh chóng hồi phục hoàn toàn. Billy đã được thay băng 2 hôm trước và rõ ràng một số vùng da bị bỏng nặng hơn những vùng khác. Sẽ cần thay băng hàng tuần cho Billy trước khi con khỏi hẳn và bôi paraffin lên mặt ít nhất 4 lần/ngày. Tôi cũng điều trị cho con bằng cách dùng dầu vitamin E, tinh dầu và dinh dưỡng dành cho người bị bỏng, gồm vitamin C, kẽm và protein".
Khi cởi chiếc áo phông của Billy ra và nhìn những mảng da bong tróc, Jackie nhận thấy, họ cần thêm trợ giúp.
5 ngày sau khi tai nạn bỏng xảy ra, Billy đã gần như hồi phục. Jackie cho biết: "Dù biết đó là một tai nạn, một phần trong tôi vẫn tự hỏi mình nếu tôi không làm đổ bát mì nóng hoặc nếu tôi để con đứng ra xa hơn. Tất cả đều chỉ là "giá như". Ngăn ngừa, đề phòng là một chủ đề phức tạp. Chúng ta có thể bọc con mình trong lớp vải chắc chắn nhưng chúng vẫn sẽ tìm cách để làm mình bị thương".
Từ câu chuyện của Jackie, các bà mẹ có thể tự rút ra kinh nghiệm xử lý vết bỏng cho con khi không may gặp tai nạn.
Việc cần làm ngay khi bé bị bỏng
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chặn đứng tác hại của nhiệt. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương.
- Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da.
- Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt.
- Tiếp tục biện pháp làm mát vết bỏng bằng nước sạch trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn cũng có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối.
- Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương.
- Trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (paracetamol) nếu cần.
Nhanh chóng làm mát vết bỏng bằng nước mát sạch trong vòng 20 phút là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Đánh giá độ sâu của vết bỏng
Bỏng độ 1:
- Da đỏ lên, không có phỏng nước.
- Chỉ lớp da ở nông nhất bị ảnh hưởng.
- Vết bỏng lành nhanh, không để lại sẹo.
Bỏng độ 2:
- Da bị tổn thương sâu hơn, tạo phỏng nước, gây đau đớn (tuyệt đối không được chọc phá các bọng nước này).
- Một phần chân bì (phần sâu của da) vẫn còn nên da có thể tái tạo được.
- Nếu điều trị đúng sẽ không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.
Bỏng độ 3:
- Hủy hoại toàn bộ bề dày của da. Thường không có bóng nước vì lớp trên cùng của da đã bị phá hủy.
- Vùng da bỏng có mầu trắng hoặc cháy sém. Có thể bỏng sâu tới cơ và xương.
- Để lại sẹo kể cả nếu điều trị đúng.
Đưa bé đi khám bác sĩ nếu:
- Bỏng rộng ở một phần cơ thể (bỏng toàn bộ lưng, hoặc ngực và bụng, hoặc bỏng toàn bộ một chi). Bỏng diện rộng rất nguy hiểm vì gây mất nhiều nước và gây đau đớn cho trẻ.
- Bỏng ở mặt.
- Bỏng độ 2 trở lên.
Thùy Linh (T.H)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất