Bất ngờ khung cảnh Trung thu ở Hà Nội xưa, đèn lồng treo đầy phố, tưng bừng nô nức trông trăng
Hiện, cuộc sống ngày càng hiện đại, con người có nhiều lựa chọn trong ngày Tết Trung thu với các hình thức vui chơi, giải trí cũng như quà tặng độc đáo. Song không khí Tết Trung thu xưa vẫn rất đậm nét tại nhiều vùng ở Việt Nam.
Mới đây, cư dân mạng chia sẻ loạt ảnh về Tết Trung thu xưa ở Hà Nội. Từ thời Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước... Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.
Mâm cỗ trung thu xưa căn bản (trước 1954) ở Hà Nội gồm các loại hoa quả trong mùa: Lựu chín, bưởi 2 quả (một quả tỉa hoa), na, cam, quít, đào, hồng (hồng trứng và hồng giòn), cốm, chuối (một nải trứng cuốc ăn với cốm, một nải chuối xanh bày ngũ quả), bánh nướng, bánh dẻo, bánh con lợn, bánh con cá, 24 bánh hoa hồng, đĩa gỏi cá trộn thính ăn kèm lá mơ và đinh lăng, đĩa ốc hấp lá gừng, ông tiến sĩ giấy (sẽ được hóa sau khi phá cỗ), khay trà, khay rượu, đĩa con giống bột (tò he).
Bên cạnh đó, các gia đình còn có thể bày cả táo, lê, nho và các loại thức ăn của mùa thu khác, như: Đĩa chả cốm, chim ngói nhồi cốm, cốm xào, bánh cốm... Một số nơi còn bày thêm 2 bó mía tía, chặt khúc 20cm, nhuộm đỏ hai đầu để mâm cỗ thêm màu sắc. Thời này chưa có các thứ như tép bưởi xếp thành hình chó, con thiên nga bằng bông...
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả...
Ngọc Anh (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất