Quiet quitting: Bạn có đang ‘nghỉ việc trong im lặng’?

Vy Cầm 2022-12-14 08:00
- "Quiet quitting" trở thành xu hướng trên TikTok trong năm nay khi tính đến đầu tháng 11/2022, từ khoá này đã đạt hơn 2,18 tỷ lượt hiển thị trên mạng xã hội.

"Quiet quitting" là gì mà trở thành xu hướng trên Tiktok?

Khái niệm “quiet quitting” xuất hiện trên Tiktok, bắt đầu từ video của một kỹ sư tên Zaid Khan. Thông qua 17 giây, Khan đã giới thiệu ý tưởng này tới hàng triệu người: “Gần đây tôi biết về thuật ngữ “quiet quitting” – nghỉ việc trong im lặng. Nó không có nghĩa là bỏ việc ngay lập tức, nhưng bạn đang từ bỏ ý tưởng phát triển và thăng tiến tại môi trường đó. Bạn vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình đầy đủ, nhưng bạn không còn tuân theo tâm lý hustle culture - văn hóa hối hả rằng công việc phải là cuộc sống của bạn. Thực tế là không phải vậy. Giá trị của một con người không thể được xác định bởi sức lao động của họ."

Ngay lập tức, “quite quitting” đã trở thành từ khoá trending trên nền tảng mạng xã hội 1 tỷ người dùng này. Theo Sprout Social, tính đến đầu tháng 11/2022 “quite quitting” đã đạt hơn 2,18 tỷ lượt hiển thị trên mạng xã hội, tần suất tương tác xã hội tăng 14%.

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?

Nghỉ việc trong im lặng hay còn gọi là “làm việc cầm chừng”, được định nghĩa như một triết lý làm việc chỉ dừng ở mức 40 giờ/tuần và hoàn thành công việc đúng theo những gì được giao phó, thay vì làm ngoài giờ hay cống hiến quá mức ngoài 100% sức lực để đạt sự hoàn hảo. Đó là khi bạn đặt ranh giới trong công việc, chỉ thực hiện những nhiệm vụ đúng theo mức thù lao được trả, không còn khúm núm trước sếp hay khách hàng, không cày việc cả đêm lẫn cuối tuần hay liên tục kiểm tra email ngoài giờ hành chính.

Như một người dùng trên TikTok đã chia sẻ: “Tôi đã “quiet quitting” 6 tháng trước và đoán xem, mức lương như cũ, sự công nhận như nhau, mọi thứ như cũ nhưng ít căng thẳng hơn”. Trên TikTok, những người sáng tạo gọi đây là “hành động theo mức lương của bạn”. Ví dụ như khi nhân sự nói không với OT (làm thêm ngoài giờ) nếu không được trả lương OT.

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?

Vì đâu nên nỗi?

Thời gian đầu, “nghỉ việc trong im lặng” được hiểu đơn thuần là việc nhân viên nói không để bảo vệ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ngăn ngừa tình trạng “burn out” (kiệt sức). Dần dần, phong trào “nghỉ việc trong im lặng” được lan rộng khắp thị trường lao động, nhân viên hình thành những quan điểm hoài nghi về công ty nếu không được đối xử đủ tốt. Họ ngừng nỗ lực hơn để được tăng lương hay tăng chức – những điều mà có thể dù nỗ lực đến mấy cũng không bao giờ đến. Giai đoạn sau đó, các nhân sự nguội lạnh với công việc, từ chối cống hiến cho doanh nghiệp và cuối cùng có thể dẫn đến bỏ việc thật sự. Phong trào nghỉ việc ồ ạt “The Great Resignation” (Đại khủng hoảng lao động) tại Mỹ trong vài năm trở lại đây chính là một hệ quả rõ ràng nhất.  

Tóm lại, văn hóa làm việc không đặt con người lên hàng đầu sẽ dẫn đến sự thất vọng và sau cùng là “quiet quitting”.

Viện Gallup (Gallup Inc.,) là một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ, nổi tiếng với các cuộc thăm dò dư luận, phỏng vấn và đánh giá. Tính riêng tại Mỹ, theo một cuộc khảo sát của Gallup đối với những người lao động từ 18 tuổi trở lên được thực hiện vào tháng 6 năm 2022, những người “quiet quitting” chiếm ít nhất 50% lực lượng lao động hoặc có thể nhiều hơn. Tổ chức phân tích này cũng cho biết, tỉ lệ “nghỉ việc trong im lặng” đặc biệt cao ở những người lao động dưới 35 tuổi. Trong cuộc khảo sát, chỉ có 32% người lao động cho biết mình gắn kết với nơi làm việc, trong khi 18% khác tỏ ra không gắn kết. 50% còn lại, theo lý thuyết của Gallup, có thể được phân loại là những người bỏ cuộc thầm lặng, những người không đặc biệt quan tâm đến công việc của họ nhưng cũng không mạnh dạn từ bỏ. Nếu những con số đó là chính xác thì đáng kinh ngạc là có tới 68% người Mỹ đang không hài lòng với công việc của họ.

Có nhiều lý do cho “quiet quitting”: người muốn cân bằng cuộc sống riêng và công việc, người lại coi đây là cách thể hiện sự thất vọng khi khối lượng công việc và mức lương không tương xứng, công sức bỏ ra trong một thời gian dài không được công nhận,… Theo trang CNBC, giờ đây người lao động đang phải trải qua một giai đoạn kinh tế nhạy cảm, có thể khiến một bộ phận nhân sự trẻ cảm thấy không có sức bật, mất phương hướng. Và “quiet quitting” cũng chính là cách để họ phản ứng lại với những khó khăn cũng như phản đối nền văn hoá làm việc độc hại.

Đôi khi, ranh giới giữa "làm vừa đủ" và "năng suất kém" cũng rất mơ hồ. Đây không phải là một hiện tượng mới, nhưng nó đang bùng phát và là một trong những lý do khiến năng suất của Mỹ giảm 4,1% trong năm 2022. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức giảm năng suất của người Mỹ năm nay là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1948 - khi cơ quan này lần đầu tiên bắt đầu theo dõi. Nếu xu hướng này tiếp tục, “quiet quitting” được dự đoán có thể gây ra những tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.

 

4 dấu hiệu của “quiet quitter”

Bạn không là chính mình ở chốn công sở

Trong công việc và ngoài công việc, bạn là hai con người rất khác nhau. Ngay khi thoát ra khỏi công việc, bạn sẽ trở thành phiên bản đầy sức sống, hoạt bát, chủ động và sáng tạo hơn rất nhiều.

Bạn khó chịu với những sự thay đổi trong công việc

Bạn ái ngại trước những sự thay đổi như tính chất công việc, quy trình làm việc,… Bạn ngại xung phong đảm nhiệm những vai trò và trách nhiệm mới. Bạn cũng ngại nói chuyện thẳng thắn, thương lượng với quản lý về những quyền lợi hay những chính sách của phòng ban. Bạn cảm thấy dù có nói cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, hay có nỗ lực đảm đương rồi cũng chẳng được lợi ích gì hết.

Ngoài giờ hành chính, bạn không phản hồi tin nhắn của cấp trên và khách hàng

Bạn hạn chế tối đa những giao thiệp và kết nối với đồng nghiệp công ty ngoài giờ làm việc. Không phải khả năng giao tiếp của bạn có vấn đề, chỉ là bạn thấy rằng việc bồi đắp sự gắn bó sâu sắc tình đồng nghiệp và tham dự các sự kiện công ty không có nhiều ý nghĩa. Bạn nghĩ rằng, công việc và sự nghiệp suy cho cùng cũng chỉ là một phần của cuộc đời, và nó nên được khoanh vùng lại, không nên can dự hay dính líu vào các vòng tròn còn lại trong đời bạn.

Bạn liên tục nghĩ về chuyện xin nghỉ việc

Bạn đã nghĩ đến viễn cảnh đó từ rất lâu, không biết bao nhiêu lần. Bạn nghĩ đến nó mỗi sáng bước ra khỏi giường, mỗi tối Chủ nhật, mỗi khi công việc mệt mỏi hay cấp trên một lần nữa lờ đi những đóng góp của bạn cho công ty.

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?

Nhưng “quiet quitting” không chỉ là tiêu cực

Dù theo ý nghĩa ban đầu “nghỉ việc trong im lặng” chưa phải là nghỉ việc, nhưng bạn sẽ thấy rằng nếu để nó diễn ra trong một thời gian dài, và nếu người trong cuộc không phải người an phận thì kiểu gì họ cũng sẽ sớm tìm “bến đỗ” khác. Họ đã chán nản và “không thể đợi công ty thay đổi nữa”. Có một điều chắc chắn rằng nếu bạn đang ở trạng thái “quiet quitting”, bạn cũng không hề muốn trạng thái này kéo dài mãi. Một là công ty sẽ đánh giá và nhìn nhận bạn kịp thời, hai là bạn chỉ đợi thời cơ và bỏ đi.

Về góc độ người quản lý, tâm lý “quiet quitting” cũng khiến họ rất đau đầu khi nó dễ ảnh hưởng từ nhân sự này sang nhân sự khác. Ví dụ khi theo dõi quá trình cố gắng của một người đồng nghiệp nhưng họ không được ghi nhận, bạn cũng sẽ có xu hướng nghĩ mình sẽ có thể rơi vào tình huống như vậy trong nay mai và chọn “quiet quitting” ngay từ bây giờ.

Song hãy thử nhìn nhận lại, “quiet quitting” cũng đem lại một số lợi ích nhất định:

Thứ nhất, bạn đánh giá lại các mối quan hệ với đồng nghiệp một cách sáng suốt hơn. “Công ty không phải một gia đình”, khi hiểu được điều này, bạn cũng sẽ điều chỉnh lại kỳ vọng của mình và cách đối xử với mọi người chốn công sở sao cho đúng đắn.

Thứ hai, bạn lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của chính mình nhiều hơn, từ đó xây dựng thiết lập cán cân cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn chú tâm vào việc của mình nhiều hơn là lo chuyện của người khác.

Thứ ba, bạn bình tĩnh hơn khi đánh giá một sự việc. Nếu như trước đây, bạn dễ dàng cảm thấy thất vọng và tổn thương nếu phía lãnh đạo công ty có động thái không như ý, thì giờ đây bạn nhìn nhận mọi sự việc một cách nhẹ nhàng hơn và chấp nhận rằng: “Không phải người sếp/công ty nào cũng sẵn sàng thay đổi”. “Quiet quitting” không đồng nghĩa là bạn không còn mục tiêu trong sự nghiệp, chỉ là mục tiêu cho từng thời điểm sẽ hơi khác đi và bạn chỉ chia sẻ suy nghĩ của mình cho những người cần biết.

Các chuyên gia nói gì?

Về phía người lao động:

Theo CNBC, những chuyên gia về ngành nhân lực cho rằng dù việc “nghỉ việc trong im lặng” có thể giúp giảm bớt tình trạng kiệt sức, nhưng đó không phải giải pháp lâu dài. Đây là những lời khuyên các chuyên gia đưa ra cho các “quiet quitter”:

1. Tối đa hoá hiệu quả trong số giờ làm việc

Michael Timmes, chuyên gia nhân sự cấp cao tại Insperity, nói rằng: “Nếu bạn định áp dụng một số mức độ của “quiet quitting” thì bạn nên tối ưu hiệu quả trong số giờ làm việc của bạn”. Nghĩa là thay vì làm việc 8 tiếng để có hiệu quả 90%, thì bạn nên cố gắng tối ưu sao cho chỉ mất 6 tiếng để hoàn thành với kết quả 100%, và 2 tiếng còn lại dành để bạn trau dồi những kỹ năng chuyên môn khác. Bằng cách này, bạn sẽ tiếp tục trưởng thành và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời khám phá khả năng sáng tạo và niềm đam mê trong công việc có thể mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn.

2. Chịu trách nhiệm với sự phát triển của bản thân

“Quiet quitting” không phải là một trạng thái bền vững về lâu dài bởi nó không mang lại cảm giác giá trị và thành tựu trong công việc. Bởi thế, mỗi người nên có trách nhiệm với sự phát triển của chính mình, cần tìm hiểu nguyên do vì sao bản thân cảm thấy kiệt sức hoặc tại sao họ cần phải nghỉ việc trong im lặng. Khi tìm ra nguyên nhân, bạn sẽ hiểu mình cần phải làm gì để tìm lại niềm vui trong công việc, hay một công ty có những đặc điểm như thế nào mới phù hợp với nhu cầu của mình. Mọi người rất dễ để nói rằng mình không hạnh phúc, nhưng tại sao bạn không hạnh phúc và điều gì khiến bạn hạnh phúc là một câu hỏi không phải ai cũng trả lời được.

3. Hãy nói chuyện với sếp của bạn, chứ không phải chỉ nói trên TikTok

Trong khi nhiều người lên mạng xã hội để bày tỏ lý do họ chọn “quiet quitting”, các chuyên gia khuyên rằng thay vào đó, hãy nên nói chuyện với cấp trên của mình, dẫu đó có thể là một cuộc trò chuyện không thoải mái. Nếu bạn đối thoại, mọi thứ chưa chắc đã thay đổi. Nhưng nếu bạn không bao giờ có những cuộc đối thoại trực tiếp và chỉ im lặng, mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Con người có xu hướng mong đợi rằng mọi người hiểu cảm giác của mình hoặc chính xác những gì mình cần. Biết đâu khi trao đổi thẳng thắn với quản lý về việc sắp xếp một vị trí khác, bạn sẽ tìm thấy nơi bản thân thuộc về?

Về phía doanh nghiệp và những nhà quản lý:

“Quiet quitting” là một sự âm thầm phản đối, nhưng cũng vừa là tiếng kêu cứu của lực lượng lao động. Điều quan trọng là khi đó, nhà quản lý có chú ý đến và phản hồi bằng hành động hay không.

Là một người quản lý, bạn có thể tránh hiện tượng này bằng cách tin tưởng vào đồng đội của mình, giúp họ phát triển sự nghiệp và mở ra những kênh giao tiếp thẳng thắn. Nếu nhân viên của bạn có dấu hiệu nghỉ việc trong im lặng, hãy nhìn nhận một cách trung thực về văn hoá của nhóm bạn phụ trách. Bạn có quan tâm và công bằng với họ? Như nữ doanh nhân Barbara Corcoran – nữ hoàng ngành bất động sản Mỹ đã có lời khuyên về vấn đề này: “Bạn giành được lòng trung thành của mọi người nếu bạn thể hiện sự đánh giá cao và quan tâm đến lợi ích của họ”. Bà cũng nói thêm: “Hành động có ý nghĩa đôi khi chỉ đơn giản như để nhân viên cảm thấy được lắng nghe hoặc nói một lời cảm ơn chân thành”.

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?

Thế hệ Millennial và Gen Z sẽ sớm trở thành nguồn lao động trọng yếu trên thị trường, hứa hẹn sẽ mang lại luồng tư duy làm việc mới mẻ. Một tín hiệu tích cực tại Việt Nam là ngày càng có nhiều công ty quan tâm tới nhu cầu của lực lượng nhân sự trẻ về tinh thần linh hoạt tự do để khơi gợi khả năng cống hiến. Ví dụ như về hình thức làm việc, một số công ty đã cho phép nhân sự có thể linh hoạt ngồi tại công ty hoặc ngoài công ty miễn là vẫn hoàn thành xong việc. Hay có nhiều doanh nghiệp nâng cao chế độ phúc lợi như chăm sóc sức khoẻ cho người lao động bằng những buổi thăm khám thường niên, đồng thời đặt ra những giới hạn về thời gian làm việc để người lao động ý thức về sự nghỉ ngơi và cân bằng cuộc sống của riêng mình.

Sự đối thoại giữa doanh nghiệp và nhân sự cũng nên được diễn ra tích cực hơn. Những nhân viên “nghỉ việc trong im lặng” rồi sau đó là nghỉ việc thực sự đều bởi vì họ cảm thấy mình không được trân trọng, hoặc những người quản lý tầm trung hạn chế về năng lực gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần của những người cấp dưới. Doanh nghiệp nên trò chuyện và lắng nghe nhân sự bằng nhiều cách, có thể là trực tiếp hoặc giấu mặt, để biết mức độ hài lòng của họ về người quản lý nhằm kịp thời tìm kiểu và đề xuất giải quyết.

Dẫu rằng công việc không phải là tất cả, nhưng mỗi ngày bạn cũng đã dành ra tới 1/3 thời gian để cống hiến tại nơi làm việc. Vì vậy, không quan trọng bạn có đang “quiet quitting” hay không, công việc đang không hạnh phúc chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần thay đổi. Thay đổi từ bản thân hay ngoại cảnh tuỳ thuộc vào lựa chọn của bạn, nhưng đừng chỉ thu mình và đứng yên.

Vy Cầm

Thiết kế & Video: Vy Cầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?