‘Công ty là một gia đình’ - Slogan độc hại xoá nhoà ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Tin liên quan
“Chúng ta là một gia đình” - Sự ấm áp hay lời lừa phỉnh thao túng ngầm của các chủ doanh nghiệp?
Nếu quan sát những tin tuyển dụng, không khó để bạn bắt gặp từ “gia đình” khi các công ty nói về văn hoá doanh nghiệp của mình.
“Chúng ta là một gia đình”
“Chào mừng đến với gia đình (tên công ty)”
“Chúng tôi là một gia đình, cùng làm việc và cống hiến theo sứ mệnh công ty”
Đa số mọi người dành phần lớn thời gian thức (khoảng một phần ba cuộc đời) tại nơi làm việc. Mối quan hệ với các đồng nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách chúng ta sống – họ có thể giúp bạn phát triển sự nghiệp, hỗ trợ bạn về mặt tinh thần và nếu may mắn, bạn sẽ có được những tình bạn chân thành. Bên cạnh đó, các mối quan hệ bạn xây dựng tại nơi làm việc cũng có sự tương đồng với các mối quan hệ trong bối cảnh gia đình như sự tôn trọng, đồng cảm, quan tâm, cảm giác thân thuộc,…
Tuy nhiên việc lầm tưởng văn hoá công ty cũng như “một gia đình” trên thực tế có thể khiến chúng ta “tự hại” nhiều hơn là thoả mãn về mặt tâm lý.
“Chúng ta là một gia đình” dần trở thành một slogan quen thuộc của các công ty. Ảnh: Unsplash.
Văn hoá “gia đình công sở” và những hệ quả
Lu mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống
Khi một tổ chức nói với bạn rằng: “Ở đây chúng ta giống như gia đình” – điều đó cũng có thể ngầm hiểu: “Công ty mong đợi sự tận tâm vô điều kiện của bạn, không tôn trọng ranh giới của bạn và sẽ trách móc nếu bạn ưu tiên điều gì đó hơn là công ty”. Ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân của nhân viên từ đó đã dần bị xoá nhoà. Các nhân sự lao đầu vào công việc, ngày càng dành nhiều thời gian cho tổ chức hơn là gia đình của chính họ. Các chủ doanh nghiệp và quản lý muốn cấp dưới làm việc miệt mài, bất kể giờ giấc, bất kể ngày nghỉ hay lễ Tết. Nhưng trong nhịp kinh tế hối hả không khi nào là hết việc, hoàn thành xong nhiệm vụ này sẽ có ngay rất nhiều nhiệm vụ khác để thực hiện. Nếu đợi xong hẳn các việc mới cho phép bản thân nghỉ ngơi thì có lẽ, nơi bạn thực sự được nghỉ ngơi chính là trên giường bệnh.
Công ty sẽ không yêu thương, chiều chuộng bạn chỉ vì bạn “ngoan”
Có những vị lãnh đạo rất biết “truyền lửa”, lên dây cót tinh thần cho nhân viên bằng những lời hiệu triệu kêu gọi tất cả cùng cống hiến: “Chúng ta như những người thân một nhà, hãy cùng nỗ lực xây dựng cho ngôi nhà của chúng ta ngày thêm lớn mạnh!”.
Những nhân viên mới ra trường, chưa kinh nghiệm, tràn đầy sức trẻ vội coi công ty như một gia đình lớn, nơi họ dốc cạn sức lực để hướng tới một tương lai tươi sáng phía trước. Họ đi sớm về muộn, say sưa “OT” (làm thêm giờ), thậm chí không ít lần ăn ngủ ngay tại công ty mà quên đi cuộc sống riêng mình. Thế nhưng đôi khi, hiện thực sau đó lại khiến họ phải “vỡ mộng”.
Tưởng rằng sẽ được công ty yêu thương khi mình là “một đứa trẻ ngoan” và biết nghe lời, nhiều người đã shock khi trong những tình huống nhất định, công ty thẳng tay hy sinh quyền lợi nhân viên, thậm chí sa thải mình vì không còn phù hợp với hướng phát triển mới. Họ ngỡ ngàng và “bật ngửa” bởi chính niềm tin “Chúng ta là người một nhà” bấy lâu nay.
Hãy thử nhìn nhận lại. Gia đình là nơi luôn sẵn sàng bao dung cho mỗi thành viên, dù người đó giỏi giang hay kém cỏi, khoẻ mạnh hay bệnh tật, dù biết vâng lời hay thường xuyên nổi loạn. Nhưng công ty thì luôn tập trung vào lợi ích và lợi nhuận của chính nó, và mỗi nhân viên thực chất chỉ là một công cụ để công ty đạt được mục tiêu chinh phục lợi ích lâu dài. Việc xem nhau như anh chị em một nhà để yêu thương và trân trọng, thực ra chỉ dành cho những nhân sự “được việc”, còn nếu không đem lại lợi ích, bạn cũng sớm bị đào thải lạnh lùng.
Bạn hết lòng vì công việc, quên cả sức khoẻ của bản thân và các mối quan hệ cá nhân, thế nhưng có khi đề xuất tăng lương thì lại nhận được câu: “Em cứ từ từ thêm một thời gian nữa. Chúng ta là một gia đình, sao phải tính toán so đo quá?”. Bạn bỗng cảm thấy hổ thẹn, tự trách mình sao rạch ròi thiệt hơn với “người một nhà”. Và cứ như vậy, bạn tự xem nhẹ giá trị của bản thân và không nhận được đầy đủ quyền lợi mà bạn xứng đáng được hưởng.
Gia đình chấp nhận bạn vô điều kiện, còn công ty định giá bạn bằng KPI
Khi ở nhà, bạn có thể là một đứa trẻ bướng bỉnh, hay cãi, thậm chí từng làm cha mẹ phiền lòng nhiều. Cha mẹ sẽ không từ mặt bạn chỉ vì bạn không đủ xuất sắc hay lỡ nhận điểm 4 vài lần trong đời. Nhưng công ty thì khác. Họ không tuyển dụng bạn chỉ vì bạn dễ thương, họ thuê bạn tới đây vì nhìn ra những giá trị bạn có thể mang lại cho doanh nghiệp. Nếu lỡ mất phong độ trong công việc, trượt KPI lợi nhuận tháng, bạn ngay lập tức bị khiển trách, trừ lương, hay thậm chí là buộc thôi việc nếu họ thấy bạn không đáp ứng được yêu cầu họ mong muốn.
Khi bạn rời “gia đình” để tìm công việc khác tốt hơn, liền bị gán mác kẻ phản bội
Thực trạng này không quá phổ biến, nhưng đối với những tổ chức quá đề cao tính chất “gia đình”, ban lãnh đạo có thể coi nghỉ việc chính là một hình thức phản bội. Khi một nhân sự rời đi, các công ty này yêu cầu nhân viên của họ phải cắt đứt liên lạc với nhân sự cũ. Tuy vậy, tư duy theo hướng này có thể hạn chế sự phát triển của công ty.
Ngay cả trong mối quan hệ yêu đương, sau chia tay vẫn còn có thể đối xử với nhau văn minh như những người quen cũ. Vậy thì khi những nhân sự cũ ra đi, sao công ty không thể bày tỏ sự biết ơn và mừng cho người đã từng đồng hành cùng mình? Hơn thế nữa, những nhân sự đã rời đi hoàn toàn có thể trở thành một “kênh truyền thông” giúp lan toả những điều tốt đẹp về công ty cho những ứng viên tiềm năng khác.
Chúng ta là đồng đội, KHÔNG PHẢI một gia đình
CEO Netflix - Reed Hastings trong một buổi thuyết trình về văn hoá công ty, đã đưa ra một quan điểm rất thú vị: “We’re a team, not a family” (“Chúng tôi là một đội, không phải một gia đình”). Ông nhấn mạnh rằng toàn công ty giống như một đội thể thao chuyên nghiệp và cùng chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Điều đó cũng có nghĩa là các thành viên có thể thay đổi câu lạc bộ khi kết thúc hợp đồng, và họ lại có thể hoà cùng bản sắc nhất quán của những đội mới nếu họ muốn. Mục tiêu chiến thắng với tư cách là “một đội” sẽ là cách tốt nhất để mỗi thành viên trong đội đạt được thành công riêng. Lấy một ví dụ dễ hiểu, nếu như đội bóng Arsenal chiến thắng nhiều đội khác, các thành viên mang áo Arsenal đương nhiên sẽ được các câu lạc bộ khác “đưa vào tầm ngắm” và săn đón hơn nhiều.
Tóm lại, công ty sẽ không bao giờ giống như một gia đình, cấp trên càng không phải người nhà của bạn. Đừng để triết lý “chúng ta là một gia đình” khiến bạn xem nhẹ những ranh giới cần thiết lập cũng như để cảm xúc riêng tác động quá nhiều tới các quyết định trong công việc. Mặc khác, nếu xem công ty thoải mái như nhà mình, chúng ta cũng dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại, lười nhác và để sự thoải mái của mình ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc và mục tiêu chung của tập thể. Bởi vậy, hãy giữ tâm thế chuyên nghiệp và rạch ròi giữa "đồng đội" và "gia đình" khi tồn tại chốn công sở!
Vy Cầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất