Bồn nước trên nóc nhà: Nguy hiểm được báo trước

2015-09-07 06:41
- Việc lắp đặt các bồn nước nếu không theo quy chuẩn rất dễ xảy ra tai nạn cũng như ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

Mấy ngày qua, cư dân mạng sửng sốt trước thông tin cháu bé tử vong trong phòng trọ vì bị bồn nước trên cao rơi xuống. Sự việc đau lòng xảy ra tại khu nhà trọ nằm tại số 4/7/1 đường số 3, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM..

Chiều 4/9, nhiều người nghe tiếng động lớn từ phòng trọ của chị Ly (quê Đắc Lắc) ở địa chỉ trên. Khi chạy đến thì phát hiện bồn chứa nước lớn rơi vào phòng trọ khiến con gái chị Ly tử vong, còn chị Ly bị đè ở phần chân. Sự việc khiến nhiều người không khỏi kinh hoàng.

Đây là bồn nước có dung tích lớn, đã từng rơi xuống khu trọ nhưng trúng lối đi nên không khiến ai bị thương. Trong khi đó, bồn nước theo phản ánh không được gia cố đúng mức.

Câu chuyện trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều người. Thực tế, tại các khu vực đông dân cư sinh sống hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều bồn chứa nước cỡ lớn trên đầu. Không còn cách nào khác để trữ nước, các chủ nhà đành nhờ đến không gian trên sân thượng để làm nơi đặt bồn chứa nước.

Bồn nước trên nóc nhà: Nguy hiểm được báo trước

Tuy nhiên, kiến trúc xây dựng không đồng mức, nhà 3 -4 tầng nằm cạnh nhà 1-2 tầng hay khu trọ xập xệ. Nguy cơ về việc những bồn nước thể tích lớn đó rơi xuống không phải là chuyện dự báo mà hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, trên nóc nhiều khu tập thể cũ, la liệt các bồn chứa nước nằm thành từng dãy dài. Với kiến trúc của những khu tập thể cũ, các bồn chứa nước đè lên mái rất dễ xảy ra tai nạn thậm chí sập mái nếu mái không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên.

Một người dân cho biết, việc lắp đặt các bình nước trên nóc nhà hoàn toàn là do người dân tự phát. Thậm chí, người sử dụng chỉ cần ra ngoài cửa hàng đặt mua theo nhu cầu mà không cần tham khảo ý kiến về cách lắp đặt, mức độ an toàn, cách gia cố để đảm bảo an toàn. "Tất cả các thông số an toàn là do người lắp đặt. Thậm chí, có không ít người chỉ lắp như vậy nhưng một thời gian sau cũng không kiểm tra cụ thể xem hỏng hóc gì ở bộ phận gia cố không để tránh xảy ra tai nạn", người dân này nói.

Thậm chí, việc làm chân hay giá đỡ để giữ cho bể nước cố định cũng không được chú trọng mà thay vào đó là xây dựng tạm bợ, thậm chí chỉ là những chiếc sắt vụn thừa được tận dụng lại.

Cần tuân thủ quy chuẩn

Trao đổi với chúng tôi, anh Thanh Bảo (Kỹ sư xây dựng) cho hay, việc bồn nước rơi trúng nhà trọ đó là bài học cho nhiều gia đình. Đặc biệt là những nhà cao tầng cạnh các khu nhà thấp tầng hơn đặc biệt là xóm trọ với mái tôn, mái fibro xi măng dễ vỡ. "Những bình nước như vậy nếu không được gia cố chắc chắn mà rơi xuống thì rất nguy hiểm. Bởi không chỉ có bình mà còn có cả thể tích nước rất nặng, làm cho mái nhà, tường bị sập kéo theo khiến người trong nhà bị thương, thậm chí tử vong", anh Bảo nói.

Theo anh Bảo, vấn đề lắp đặt bình nước theo nhu cầu sử dụng là việc cần làm. Tuy nhiên, người sử dụng phải chú ý phần chân đế. "Tốt nhất nên xây bao bên ngoài một ô gạch với diện tích lớn hơn bình nước một chút. Điều này giúp cố định bình nước chắc chắn, nếu không cần hàn phần đế bằng loại sắt đạt chuẩn, không bị ảnh hưởng bởi gió bão hay dễ bị hoen gỉ", anh Bảo nhấn mạnh.

Mặt khác, nên lắp bình nước sát tường của nhà tầng bên cạnh, tránh lắp ở phần sát với nhà thấp hay nhà trọ bên cạnh. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng -1 năm phải kiểm tra bình nước thường xuyên để phát hiện các chỗ bị hỏng, gỉ sét cần gia cố. 

Mặt khác, việc gia cố phải do người có kỹ thuật đảm nhiệm, lắp đặt cũng cần người biết về tiêu chuẩn. Tuyệt đối không tự tiện, chủ quan lắp đặt rất dễ hỏng hóc, ảnh hưởng chất lượng. "Thông thường mỗi m2 nhà chịu được 700 tấn, nếu lắp đặt bình nước lớn hơn hoặc quá nặng sẽ ảnh hưởng đến công trình", anh Bảo nói.

Phương Hà
(Theo Congluan)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên