Bún
Bún là món ăn được hầu hết người Việt ưa chuộng và là món ăn sáng vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, trong bún có nhiều chất không tốt cho dạ dày, vì vậy bạn không nên ăn bún quá thường xuyên, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Công nghệ bún dù có chuẩn đến đâu cũng là thực phẩm không được các bác sĩ khuyến khích sử dụng. Đó là chưa kể nhiều loại bún kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường vì mục đích lợi nhuận.
Thông thường, để làm bún người ta phải ngâm gạo từ 48 đến 72 giờ, rồi đem gạo đi xay để lấy hỗn hợp bột nước. Hỗn hợp này sau khi tách nước sẽ được cho vào máy ép, kéo sợi và cho vào nồi nước nóng đun sôi để không bị dai, nhão. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở còn pha thêm bột mì, bột lọc vì giá rẻ hơn gạo. Người ta còn dùng hóa chất để tăng độ hấp dẫn của món ăn này, thậm chí dùng hóa chất để tẩy trắng và làm sợi bún trông bóng bẩy hơn.
Trong quá trình làm bún, một số cơ sở còn dùng chất huỳnh quang được gọi là Tinopal cho vào bún để sợi bún nhìn sáng, trong và ngon mắt hơn. Tuy nhiên, đây lại là một chất chủ yếu dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải, mực in, chất tẩy rửa, tẩy trắng nên rất có hại cho sức khỏe. Tinopal có thể gây suy gan, suy thận, thậm chí ung thư.
Bên cạnh đó, người ta từng phát hiện ra bún còn bị sử dụng hàn the trong quá trình làm. Hàn the vốn là một chất không được phép dùng trong chế biến thực phẩm vì vô cùng độc hại, có thể tích lũy, gây những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Nó có thể gây ngộ độc tiêu hóa như nôn mửa, rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.
Tào phớ
Tào phớ vốn là một món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, món ăn ngọt mát này nếu ăn nhiều có thể gây ra tác hại với cơ thể. Saponins có trong tào phớ gây ra tình trạng đào thải Iốt nếu ăn nhiều. Vì vậy, mỗi ngày bạn không nên ăn quá 200g tào phớ và cũng không nên ăn trong thời gian dài.
Tào phớ cũng là một trong những món ăn chứa nhiều methionime, có thể chuyển hóa thành homocysteine dưới tác dụng của enzyme trong dạ dày. Homocysteine có thể gây tổn hại cho các tế bào nội mô ở thành động mạch, khiến cho cholesterol cùng các chất béo trung tính bị lắng đọng ở đây. Quá trình này gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ăn nhiều tào phớ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa do món ăn này rất giàu protein nhưng lại "thiếu thốn" chất xơ, ăn nhiều có thể gây ra tình trạng táo bón.
Đặc biệt, đàn ông không nên ăn nhiều tào phớ. Theo các nhà khoa học, ăn nhiều tào phớ hay các sản phẩm từ đậu có thể làm giảm lượng tinh trùng, ảnh hưởng xấu tới sự sinh tinh và hệ thống sinh sản của nam giới. Chất phytoestrogens isoflavone có nhiều trong tào phớ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến mức độ androgen nam, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tệ hơn nữa, vì lý do lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất còn cho vào tào phớ bột thạch cao. Đây là chất độn không tiêu được, có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, tạo ra cặn canxi trong đường ruột và thận, gây nguy cơ sỏi thận. Một số loại thạch cao có chứa lượng kẽm, chì, asen quá giới hạn có thể gây ngộ độc, ung thư.
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm là món đặc sản đặc trưng của người Việt. Dù được yêu thích, nhưng đây vẫn là món ăn được cho là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư gan và bệnh đường tiêu hóa.
Đậu phụ vốn là món ăn tốt cho sức khỏe do giàu dưỡng chất và nguyên tố vi lượng cần thiết. Đây là món ăn giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cảm giác muốn ăn, có lợi cho sự phát triển của răng và xương... Tuy nhiên, đây chỉ những lợi ích khi đậu phụ được chế biến đúng cách như luộc, nấu, trần... Trong khi đó, món bún đậu mắm tôm sử dụng đậu rán. Đậu rán ở nhiệt độ cao và rán đi rán lại như cách làm của các hàng quán vỉa hè sẽ trở nên độc hại với cơ thể người ăn.
Để đậu giòn, cần phải chiên đậu ở nhiệt độ trên 245 độ C. Nhưng ngay khi vỏ ngoài của đậu bị cháy vàng sẽ chuyển thành acrylamid, một chất gây ung thư.
Trong khi đó, mắm tôm ở nhiều nơi được pha chế và bảo quản trong điều kiện kém, dễ bị vi sinh vật gây hại xâm nhập, làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Đặc biệt, bà bầu cần đặc biệt tránh món mắm tôm vì hệ miễn dịch của bà bầu kém, việc ngăn chặn các tác nhân nhiễm khuẩn cũng kém hơn người bình thường. Thực tế, đã có rất nhiều bà bầu phải nhập viện vì ngộ độc do ăn món này.
Gỏi cá
Món cá ăn sống hay còn gọi là gỏi cá chứa nhiều loại ký sinh trùng, trứng giun sán. Khi ăn gỏi cá, những ký sinh trùng và trứng này chưa bị chết sẽ vào tới hệ tiêu hóa, nở thành giun sán và gây hại cho cơ thể. Một số loài giun sán ký sinh có thể gây chết người.
Cá chép, cá diếc, cá rô phi thường bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Loại sán này có thể thâm nhập và sống trên gan người và chờ cơ hội tấn công. Nhẹ có thể gây rối loạn tiêu hóa, nhẹ có thể gây xơ gan, cổ trướng.
Một số người cho rằng ăn gỏi cá biển sẽ an toàn. Nhưng trên thực tế, các loại cá biển đặc sản như cá hồi, cá thu, cá ngừ, mực... có thể có ấu trùng của giun anisakis, khi vào trong cơ thể sẽ "chạy lung tung", có khi tới não và gây chết người.
Với người Nhật, dân tộc vốn khoái ăn món cá sống, họ thường phải chọn kỹ nguyên liệu đầu vào, cá phải tươi, ướp lạnh, soi đèn dò ấu trùng... Vậy nhưng mỗi năm vẫn có cả trăm ca nhập viện vì nhiễm anisakis ở Nhật.
Dương Thùy
(Theo Congluan)
Thủ thuật tắt 'đã xem' trên Zalo một cách đơn giản nhất