Chị em ham hố chi tiền cho những sản phẩm quảng cáo giảm cân, sự thật khiến ai cũng ngã ngửa

2018-01-31 06:45
- Giá thành của những sản phẩm hỗ trợ giảm cân này dao động từ 150.000 - 500.000 đồng, tùy vào số lượng sản phẩm. Người tiêu dùng nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về các sản phẩm này trước khi bỏ tiền túi ra mua về sử dụng

Hiện những loại sản phẩm có chức năng giảm cân như trà giảm cân hay thuốc đánh tan bụng mỡ rất được các chị em tìm kiếm và săn đón. Trên thị trường, có rất nhiều loại trà giảm cân và thuốc đánh tan mỡ bụng, giá cả cũng không hề rẻ, vậy nên phần lớn người dùng rất lo sợ mua phải hàng giả khiến tiền mất tật mang. Có những chị em đăng lên các diễn đàn hỏi cách phân biệt trà giảm cân tốt và trà giả chứa chất độc hại. Rất nhiều người đưa ra những phỏng đoán, cách phân biệt khiến các chị em hoang mang.

Khó nhận biết

Trên mạng cũng lan truyền thông tin rằng, trà giảm cân giả nếu uống vào thì sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, hôi miệng, thậm đi đi vệ sinh còn có mùi tanh, ăn vào thứ gì thì đi vệ sinh y nguyên như vậy vì chứa chất làm dạ dày mất dần chức năng, không tiêu hóa được đồ ăn, khiến người gầy đi nhưng cũng sẽ yếu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.... Còn trà giảm cân thật thì khi uống vào cơ thể không thấy mệt mỏi, ngủ ngon hơn, đi vệ sinh bình thường, uống trong một tuần giảm được 1 - 3kg mỡ thừa...

Rất nhiều thông tin nói về cách phân biệt trà thật giả và những tác hại nguy hiểm của trà giả khiến các chị em hoang mang, lo sợ. 

Những sự thật cần biết về trà giảm cân, kem đánh tan mỡ bụng gia truyền bán tràn lan trên mạng

Chị Hồng Ngân - một người đang sử dụng trà giảm cân cho hay, chị đã mua một gói trà có chức năng làm tan mỡ trên cơ thể với giá 500.000 đồng uống trong 1 tháng. Chị Ngân đã uống được hơn 1 tuần, sau khi đọc được thông tin trên mạng thì chị cũng cảm thấy cơ thể có phần khó chịu, hơi mệt mỏi, đầy bụng. Lo sợ uống phải đồ giả, chị kiên quyết vứt cả bịch trà uống chưa đến một nửa.

Chị Ngân cho hay: "Mình thấy trên hướng dẫn của trà giảm cân có nói là sau khi uống sẽ thấy không đói, dễ đi vệ sinh. Nhưng khi uống vào thì thấy cơ thể mệt mỏi, hay đầy bụng, lại táo bón nữa. Mình rất sợ là mua phải hàng giả, làm cơ thể bị bệnh như trên mạng thì thật quá nguy hiểm. Giờ muốn giảm cân an toàn cũng không biết nên chọn loại sản phẩm nào, thật giả lẫn lộn quá".

Những sự thật cần biết về trà giảm cân, kem đánh tan mỡ bụng gia truyền bán tràn lan trên mạng

Nói về cách làm thế nào để phân biệt được trà giảm cân có chứa chất độc hại, nguy hiểm, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho hay, rất khó để dùng mắt thường phân biệt được dược liệu như trà khô có chứa chất độc hại hay không, ngay cả khi pha lên, màu sắc của chén trà cũng rất khó để phân biệt được vì sắc nước trà còn liên quan đến loại lá, cách chế biến, phơi phóng, tá dược đi kèm. Lương y cho hay: "Không loại trừ khả năng trà được xông lưu huỳnh để chống ẩm mốc, cũng có thể gây nguy hiểm. Đối với một số loại dược, nếu được xông quá nhiều lưu huỳnh thì có thể có vị chua, uống không còn giữ được nguyên vị thuốc. Lưu huỳnh sau khi xông dễ bay hơi nên cũng rất khó để cảm nhận được bằng mũi. Hơn nữa, trà giảm cân còn được trộn lẫn cùng một số dược liệu khác có mùi thơm, rất khó để phân biệt được".

Nói về thông tin đang lan truyền trên mạng về việc uống trà giảm cân giả gây nên những biểu hiện hôi miệng, cơ thể mệt mọi, đi vệ sinh có mùi tanh... Lương y Đức Nghĩa cho hay, đây là thông tin chưa được chứng minh, nếu muốn biết loại trà này thực sự gây nên tác hại như vậy thì cần phải biết được rõ dược liệu có trong trà, thể trạng của người uống như thế nào mới kết luận được.

Lương y cho biết thêm: "Ví dụ như trà hoa cúc được nhiều người uống vì có tác dụng giảm cân nhưng cúc tính lạnh, dù có tác dụng thanh nhiệt giải độc nhưng không tốt cho người tiêu hóa kém, tì vị hư hàn. Nếu uống nhiều sẽ làm ảnh hưởng đường ruột, tiêu chảy, mệt mỏi".

Bác sĩ dinh dưỡng cơ thể Nguyễn Thị Hoài Dung (bệnh viện Nhiệt đới TƯ) chia sẻ thêm với PV Emđẹp về việc tại sao một số người khi dùng các loại thuốc giảm cân hay trà giảm cân lại thấy mệt mỏi: "Uống đồ giảm cân như trà hay thuốc thì sẽ làm cơ thể tạm thời mất một lượng nước nhất định trong quá trình đốt mỡ, lượng nước này nếu không được bù đủ thì có thể gây nên những vấn đề về ruột. Đặc biệt, những ai ăn ít chất xơ thì sẽ thường bị táo bón, nóng bụng, sự điều tiết axit trong dạ dày thay đổi dẫn đến ợ chua, khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi cơ thể nên lo sợ. Tôi cho rằng dù bạn áp dụng phương pháp giảm cân gì, uống thuốc hay uống trà, hoặc tập thể dục thì nên uống nhiều và đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều trái cây và rau xanh. Đừng nên quá phụ thuộc vào thuốc hay trà, vì chúng đều là đồ hỗ trợ giảm cân mà thôi".

Kem đánh tan mỡ bụng gia truyền - sản phẩm chưa được kiểm chứng vẫn được chị em tin dùng?

Ngoài trà giảm cân thì kem đánh tan mỡ bụng gia truyền cũng là thứ được các chị em tìm kiếm gắt gao để giảm số đo của vòng 2. Thực tế, truyền thông đại chúng đã cảnh báo người dân rất nhiều về khả năng có thể gây nguy hiểm khi sử dụng loại kem đánh tan mỡ bụng được bán tràn lan trên mạng, nhưng nhiều người vẫn "mặc kệ", bất chấp sử dụng.

Kem đánh tan mỡ bụng được bán trên mạng có thông tin bao bì ghi khá sơ sài. Ngoài hướng dẫn sử dụng và hiệu quả sau một tuần dùng thì thông tin thành phần của kem lại khá hời hợt. Lấy lý do là kem đánh tan mỡ gia truyền nên không thể tiết lộ thành phần, vậy nên bao bì của những loại kem này chỉ ghi một số loại thành phần có công dụng đốt cháy mỡ như gừng, ớt, tinh dầu quế, ngải cứu... và một số thành phần khác.

Bác sĩ Phạm Hồng Lãnh, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đã có rất nhiều chị em tìm đến viện để khám da sau khi sử dụng kem đánh tan mỡ. Lý do là bởi kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh như gừng, ớt, tinh dầu quế nhưng lại bôi trên da, những chất này gây nóng nên làm da bỏng rát nhẹ, thậm chí là phồng rộp, nổi mụn, viêm da.

Bác sĩ Lãnh cho biết: "Việc kem tan mỡ đánh tan được mỡ dưới da hay không thì chưa ai chứng minh được, nhưng thành phần của loại kem này dễ làm mất nước tại chỗ, khiến da săn gọn hơn nên có thể khiến một số người tưởng rằng đã giảm được cân. Ngoài ra, có thể trong kem chứa chất co cơ, tiêu mỡ nên làm phần mỡ bụng săn hơn một chút. Tuy nhiên, không phải cơ địa ai cũng hợp, nếu đang sử dụng mà cảm thấy khó chịu, dấu hiệu viêm nhiễm thì cần phải ngưng ngay".

Phần lớn những loại kem đánh tan mỡ, giảm cân bán trên mạng có giá 160.000 - 250.000 đồng/hũ. Ngoài việc ghi không rõ ràng thành phần trên bao bì còn không có thông tin rõ ràng về nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, thậm chí là ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đơn cử như nhãn hiệu Kem tươi đánh tan mỡ bụng chiết xuất từ gừng chỉ ghi hạn sử dụng đơn giản là 9 tháng kể từ ngày mở nắp sản phẩm, không rõ ngày sản xuất là ngày bao nhiêu.

Đại diện của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện trên mạng đang bán rất nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc tự xưng là thuốc gia truyền, chưa điểm kiểm nghiệm nhưng có bao bì đẹp nên nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Theo quy định, thuốc gia truyền phải được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền theo quy định của Bộ Y tế. Người có bài thuốc gia truyền chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.

Một cán bộ thuộc phòng quản lý dược (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, những sản phẩm dược mỹ phẩm được kiểm nghiệm an toàn, có cấp phép thì bao bì phải ghi rõ tên, chức năng, hướng dẫn sử dụng, thành phần công thức đầy đủ, địa chỉ cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, số lô sản xuất, ngày sản xuất... Người tiêu dùng nên tìm hiểu thật kỹ các sản phẩm mình sẽ mua trước khi sử dụng, tránh để việc tiền mất, tật mang nhưng lại không biết ai để "bắt đền".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

"Nằm một chỗ" vẫn giảm cân nhanh chóng, bạn gái yên tâm đón Tết với dáng xinh