Nổ bốt điện làm 5 người thương vong ở Hà Nội: 'Ai' chịu trách nhiệm bồi thường?

Trang Lê 2016-11-18 16:21
- Đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trong vụ nổ bốt điện tại Hà Đông khiến ít nhất 5 người thương vong? Vấn đề bồi thường được thực hiện ra sao? Là câu hỏi lớn đang được nhiều người quan tâm.

Vụ nổ bốt điện khiến 5 người thương vong xảy ra vào ngày 17/11 ở quận Hà Đông, Hà Nội khiến cho dư luận bàng hoàng, lo lắng. Theo Tổng công ty điện lực Hà Nội, nguyên nhân xảy ra sự vụ là do trong quá trình dòng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp bất ngờ tràn dầu gây ra cháy.

Vấn đề đang được nhiều người quan tâm rằng, trách nhiệm thuộc về ai và đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường người bị nạn?

Liên quan đến điều này, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc trên là một sự kiện pháp lý gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ nguyên nhân của sự cố để có giải pháp khắc phục, đồng thời quy trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khi nói về trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm: "Trước tiên đó là trách nhiệm hình sự, sau đó là trách nhiệm dân sự - trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân".

nổ bốt điện

Hiện trường vụ nổ bốt điện Hà Đông ngày 17/11.

Theo luật sư Cường, về trách nhiệm hình sự, nếu trong quá trình xác minh mà xác định nguyên nhân vụ việc là do con người, người được giao nhiệm vụ đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến cháy nổ... thì người gây thiệt hại có thể bị xử lý về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng);

Điều 108. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Điều 109. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, luật sư Cường cho rằng, thiệt hại ở đây là thiệt hại về sức khỏe, tài sản của các nạn nhân.

Theo quy định pháp luật thì "điện" là nguồn nguy hiểm cao độ. Tổ chức, cá nhân nào sử dụng nguồn điện mà vô ý gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra (Điều 618. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra).

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.

Muốn vậy, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân trong vụ việc này cần phải phối hợp cùng cơ quan chức năng xác định thiệt hại trong vụ việc này. Trong đó có thiệt hại do tài sản bị xâm hại và thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, cụ thể trong Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm.

Mặc dù nguyên nhân bước đầu dẫn đến nổ trạm biến áp tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Đông đã được Công ty Điện lực Hà Nội xác định là do tràn dầu nhưng vụ việc này vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ. Trên đây là một số nhận định của chuyên gia pháp lý về vụ việc.

Cũng có chung  quan điểm trên, luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 đã xác định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Theo quy định này bốt điện là một phần của hệ thống tải điện, được xác định thuộc nhóm nguồn nguy hiểm cao độ.

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật”.

Từ điều khoản trên, theo luật sư Lực, nếu Điện lực Hà Đông tại thời điểm vận hành thử hệ thống này, đơn vị này đã không cắm biển báo, giăng dây thông báo nguy hiểm, cấm lại gần thì họ đã có lỗi trong việc quản lý vận hành bốt điện này.

Đối với việc bồi thường thiệt hại, luật sư Lực phân tích, do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo khoản 2 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”.

Do bốt điện là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu, sử dụng bốt điện này phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi theo quy định của khoản 3 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005:  3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

“Điện lực Hà Đông, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hoạt động của trạm biến áp được xác định là chủ sở hữu, sử dụng nên sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra trong quá trình hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ này” - luật sư Lực nhấn mạnh.

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 động tác kéo căng trước khi đi ngủ giúp bạn giảm cân siêu tốc