Mẹo trị "bệnh" lười học của trẻ

2016-09-11 06:33
- Mới chưa đầy 1 tuần con bước vào lớp 1 mà chị Thảo thấy vô cùng mệt mỏi vì "bênh" lười học của con. Than thở với đồng nghiệp chị mới biết, có rất nhiều người cùng chung nỗi khổ giống chị...

Mấy ngày nay, cứ khoảng 19h30' là nhà chị Thảo lại làm "xôn xao" cả khu tập thể vì tiếng quát mắng. Không phải của chị thì cũng là của anh Dũng chồng chị, đôi khi là của mẹ chồng chị Thảo. Nguyên nhân cũng chỉ vì bé Hiếu nhà anh chị "mắc bệnh" lười học.

Vì mới được là "sinh viên chữ to" nên cu cậu vẫn giữ nguyên tính ham chơi sau một tháng nghỉ hè. Buổi tối, cứ đến giờ học là cu cậu than buồn ngủ, đau đầu,...Lúc đầu anh chị còn tưởng thật lo quýnh quáng nhưng sau đó thấy ngày nào cũng vậy nên “bắt bài” bé luôn. Bị bố mẹ "thiết quân luật" thì bé miễn cưỡng ngồi vào bàn và bắt đầu hành trình "khám phá": mân mê từng cái bút, mở ra đóng vào hộp bút mới, hay ngồi...gọt đi gọt lại chục cái bút chì bố mẹ sắm trước khi vào lớp 1.

Ban đầu chị Thảo nhắc con nhẹ nhàng, nhưng tình trạng mất tập trung khi đến giờ học của Hiếu cứ diễn đi tái lại nên cả anh chị đều mất dần kiên nhẫn. Ngồi kè kè giám sát con học thì chỉ được tầm 10 phút là anh chị "bầm gan tím mặt" vì tính lơ đãng của con. Chỉ chữ mới thì cu cậu quên luôn chữ vừa học. Nửa tiếng ngồi "đánh vật" với 2 chữ cái mà cu cậu còn nhầm, chữ O đọc thành chữ A và chữ A "biến" thành chữ O. 

Mẹo trị bệnh lười học của trẻ

Anh Dũng chồng chị thắc mắc: "Sao dạy nó chơi điện tử, chỉ cần nói 1 lần là cu cậu nhớ; mất khẩu điện thoại của bố mẹ không cần liếc đến lần thứ 2. Vậy mà lúc học thì...".

Đó là chưa kể, hôm nào anh chị mải chăm bé Hiền - em gái kế của Hiếu, quên không nhắc giờ đi học là Hiếu cũng...quên luôn. Nằm dài trên sopha chơi điện tử. Đến khi bố mẹ nhớ ra, gọi cu cậu vào học thì anh cu...giả vờ ngủ.

Mới chưa đầy 1 tuần con bước vào lớp 1 mà anh chị thấy vô cùng mệt mỏi. Than thở với đồng nghiệp chị mới biết, có rất nhiều người cùng chung nỗi khổ giống chị.

Qua tìm hiểu sách báo về lứa tuổi tiểu học, chị Thảo mới biết có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chán học, lười học và cha mẹ cần phải kiên nhẫn tìm ra để từ đó có hướng khắc phục. 

Dưới đây là những "mẹo trị bệnh lười học của con" mà chị Thảo "lĩnh hội" được:

Muốn biết được đúng nguyên nhân cha mẹ nên kiên nhẫn “làm bạn với con”. Hãy bình tĩnh cùng con tìm ra nguyên nhân để cùng giải quyết, nếu bạn quát tháo hoặc đánh mắng con sẽ càng làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. 

Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến con lười học, sợ học, bố mẹ nên nói chuyện với con với thái độ bình tĩnh, ôn hòa; đừng coi con còn quá bé không biết nói chuyện. Hãy giúp bé xác định tầm quan trọng của việc học đối với con người. Hãy kể cho con nghe những điển hình học tốt và những thành công của họ cũng như nêu những nhân vật không học đến nơi đến chốn, cuối cùng phải gánh chịu hậu quả như thế nào. Hãy cho con thấy nếu việc con học chăm, học giỏi sẽ được những lợi ích gì từ việc ở lớp được các bạn khâm phục, được cô giáo yêu mến, ở nhà bố mẹ sẽ vui hơn, để khuyến khích con tự giác học…

Mẹo trị 'bệnh' lười học của trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chán học, lười học. 

Khi con không hoàn thành nhiệm vụ và bị cô giáo mách, bố mẹ hãy phạt, đừng phạt ngay khi con có biểu hiện lười. Khi con thấy cả ba mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa.

Phạt con xong, tuyệt đồi cha mẹ đừng nhắc đi nhắc lại những tội lỗi của con.

Khi con kiếm được một lời khen ngợi của cô, hãy hùa vào khen con thêm tí chút. Lời khen đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, làm động lực cho trẻ phấn đấu hơn nữa.

Tuyệt đối không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con. Đấy là sự xúc phạm nhân cách nặng nề. Con là con, con sẽ có nhiều điểm dở nhưng cũng vô khối điểm ưu. Con sẽ có mặt mạnh khác nữa. Vì thế, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu của con, tiến bộ của con, chứ đừng khen ngợi điểm số. Cách khen này sẽ khiến con hào hứng hơn nhiều.

Khi con học tốt, đừng thưởng cho con. Đứa trẻ học tốt mà được thưởng, nó sẽ luôn học để được thưởng. Hãy để con hiểu, việc học là việc của con. Khi xác định đó là việc của bản thân, chúng sẽ cảm thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn so với việc của người khác.

Hạn chế giảng bài cho con khi con chưa yêu cầu, nguyên nhân là do, khi cha mẹ xúm vào giảng bài, con sẽ thấy khoảng cách cha mẹ và con xa nhau vì ít cha mẹ đủ kiên nhẫn và dịu dàng khi học kèm cùng con. Học là việc của con, nếu con không hiểu, con sẽ tự hỏi. Để giảng bài cho con, cha mẹ cũng cần xem các thông tin trên sách, vở ghi của con để nắm bắt cách giảng bài của cô để tránh tình trạng cách giảng bài của cha mẹ khác với cô giáo, con sẽ vô cùng hoang mang và không biết đâu là đúng.

Ngọc Linh

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Loạt người đẹp hết lộ ngực đến 'vùng cấm địa' trên đấu trường nhan sắc quốc tế