Hãy cứ để con vẽ một quả... cà chua thối!
Tin liên quan
Đâu đó, dấu vết của sự gia trưởng, ích kỷ trong cư xử và đánh giá con trẻ vẫn còn tồn tại, dưới cái lớp vỏ dạy dỗ và giáo dục. Tôi cảm thấy lo ngại cho điều này...
1. "Cô chẳng thích đâu" và "ê, cà chua thối"
Nhiều lần, con gái tôi đọc thơ, đây là bài thơ cô giáo vẫn dạy con ở lớp: "Bạn nào hay nghịch/ Cô chẳng thích đâu/ Bạn nào chăm ngoan/ Cô yêu lắm đấy". Hôm khác, con bé lại hát một bài hát khác, đại ý rằng, nếu ai nghe lời cô thì hãy tô lá xanh vỏ đỏ cho cà chua chín, nếu ai cứ rì rầm không nghe lời cô, tô lá màu vàng xám, quả thì màu đen, sẽ bị các bạn chê "ê, cà chua thối".
Tôi thật sự ngạc nhiên, tại sao người ta có thể sáng tác ra và lưu truyền những bài thơ, bài hát như vậy để dạy những đứa trẻ mầm non? Ở độ tuổi đó, thế nào thì được gọi là "hay nghịch", thế nào là "chăm ngoan"? Tôi nghĩ, trẻ mầm non chỉ được học hỏi và thông minh hơn khi nghịch ngợm hơn. Cả cái cách người ta khuyên bọn trẻ đừng để bị chê là vẽ "cà chua thối" khi nó tô màu không giống như các bạn nữa. Bọn trẻ, nếu có quan sát và tái hiện được một quả "cà chua thối", thì đó là những đứa trẻ tinh tường và cực kỳ thông minh. Tại sao tất cả mọi người đều phải vẽ những quả cà chua giống nhau, và tại sao tất cả những đứa trẻ mầm non đều không được nghịch ngợm, để cô giáo của chúng vừa lòng?
Những bài thơ và bài hát ấy, vô tình cổ xúy cho xã hội một sự công nhận, rằng chúng ta có quyền chê trách trẻ con. Và cũng khiến cho trẻ nhỏ luôn có suy nghĩ rằng, mình đáng bị chê cười nếu mình không giống như người khác. Và chúng sẽ coi chuyện bị cô giáo chê cười là một điều đáng phải chịu đựng.
2. Làm cho một đứa trẻ bị xấu hổ không phải là cách để giáo dục
Tôi đã từng thấy cô giáo phê bình những đứa trẻ và cho những đứa khác "ê" nó, tương tự như chuyện về quả cà chua vậy. Bọn trẻ cứ "ê" lẫn nhau nếu có bé nào trong số chúng làm sai. Khi coi đó là chuyện hiển nhiên, sẽ chỉ còn là cảm giác thỏa mãn của những đứa trẻ được "ê". Còn em bé bị "ê", hoặc sẽ chai lì hoặc sẽ trốn tránh, không muốn gần gũi với cô và các bạn. Ta tưởng đó là cách giáo dục tốt? Ta nghĩ đơn giản rằng đứa trẻ bị "ê" sẽ thấy xấu hổ và khắc phục?
Không có đứa trẻ nào mang trong mình cái ý định làm sai. Trong đầu chúng không có khái niệm rằng chúng sẽ cố tình làm ai đó bực mình. Chỉ có người lớn tự tô vẽ và suy diễn rồi lại áp đặt cho con trẻ cái suy nghĩ ấy. Chỉ là chúng đã làm đúng những gì chúng nghĩ, vẽ những gì chúng cảm thấy thú vị và làm những điều chúng thực sự mong. Vô tình, ở thời điểm chúng làm điều chúng muốn, lại không phải là điều mà người lớn yêu cầu. Nếu có tình yêu trẻ, và nhìn thế giới này bằng con mắt trẻ thơ, ta sẽ thừa nhận rằng chẳng có đứa trẻ nào đáng bị các bạn chê cười, nhất là dưới sự đồng tình của cô giáo để "ê" người khác cả. Con trẻ sáng và trong. Chúng có quyền nghịch ngợm và đương nhiên có quyền vẽ một quả cà chua không mang màu chín đỏ.
3. Hạn chế cá tính của con trẻ chỉ chứng minh rằng người lớn rất nhỏ nhen
Chúng ta luôn có xu hướng mỉa mai, phán xét những người khác ta. Đặc biệt nếu người khác biệt đó còn ở vị trí thấp hơn ta. Và nếu đó là con trẻ, thì chắc chắn người lớn luôn có đủ lý do để chấn chỉnh hay dạy dỗ. Chuyện ấy hoàn toàn hợp lý, nhưng ta không thể hạn chế vận động của trẻ, cũng không thể cấm đoán trẻ phải nghĩ theo cách khác. Ta cần bình tâm để nhận ra rằng ta hạn chế con, cũng có nghĩa là ta đã bộc lộ sự nhỏ nhen, ích kỷ, và sâu xa hơn nữa là cảm giác sợ hãi người khác khôn ngoan và mới mẻ hơn ta. Chứ không phải vì sự việc đang xảy ra trước mắt. Nó giống như việc ta cảm thấy lo âu, bất ổn với tất cả xung quanh và bỗng một ngày ta trút lên con trẻ, chê trách con chỉ vì con đã nghĩ và làm không giống như ta muốn. Vô tình, ta tự coi ta là chân lý của con và tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con là sự nghe lời.
Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất