Mẹo giúp mẹ thoát cảnh ăn rong của bé ngay từ khi tập ăn dặm

2016-12-06 18:43
- Để trẻ bỏ tật ăn rong, cha mẹ cần có biện pháp cứng rắn và kiên trì để giúp trẻ hình thành và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển thể chất tốt nhất.

Trẻ có thói quen đi rong mới chịu ăn là cảnh tượng không hiếm gặp trong nhiều gia đình. Nguyên nhân phần lớn do trẻ biếng ăn, nên các bà, các mẹ đưa trẻ đi khắp nơi, vừa chơi vừa ăn bé mới chịu để cho bón sữa, bột hoặc cháo.

Mẹo giúp mẹ thoát cảnh ăn rong của bé ngay từ khi tập ăn dặm

Trẻ có thói quen đi rong mới chịu ăn là cảnh tượng không hiếm gặp trong nhiều gia đình. Ảnh: Lâm Anh

Trẻ mắc tật đi ăn rong do định hướng sai lầm của người lớn

Hầu hết trẻ biếng ăn, phải đi ăn rong là thói quen được hình thành ngay từ khi trẻ bắt đầu cho tập ăn dặm. Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ thường rất thích thú và tò mò với khẩu vị mới. Tuy nhiên, không ít trẻ chỉ được vài ba bữa là chán và ngậm lúng búng không chịu nuốt, hoặc mím chặt môi không cho bón thức ăn vào miệng. Nhiều gia đình thì bất lực khi bột/cháo bón vào miệng bé rồi lại đùn ra không chịu nuốt.

Rơi vào hoàn cảnh này, chị Mai Hương (Sóc Sơn - Hà Nội) tâm sự, nuôi cả 2 đứa con chị đều khá vất vả khi các bé không đi ăn rong là bé không chịu ăn. Mặc dù cả tiếng đồng hồ mới bón được nửa bát con cháo vẫn phải cố gắng, nếu không con bị đói thì không đành.

Theo lời chị Mai Hương thì từ khi 2 bé nhà chị tập ăn dặm một thời gian, do bé không chịu ăn nên bà nội bé bế đi khắp nhà này sang nhà khác để bé có những món đồ chơi mới lạ, mới chịu để cho bà bón đồ ăn. Cũng vì vậy, lâu dần bé hình thành thói quen cứ đến bữa ăn là 2 bà cháu lại lỉnh kỉnh chuẩn bị mọi thứ để rời khỏi nhà cho tới khi xong bữa mới về. Tuy vậy, không phải cứ đi rong là bé ăn hết khẩu phần, mà chỉ với hy vọng bé ăn được bằng nào hay bằng ấy.

Nhà chị Linh (ở Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chiều nào cũng vậy, ở khu tập thể nơi gia đình chị sinh sống cũng bắt gặp hình ảnh quen thuộc một người phụ nữ hơn 40 tuổi chạy theo cậu bé 2 tuổi rong ruổi khắp sân tập thể. Đó là bác giúp việc nhà chị Linh, ngoài công việc trong nhà, bác còn đảm nhiệm thêm vai trò "bón ăn rong" cho cậu bé nữa.

Ngay từ khi mới 5-6 tháng tuổi, chị Linh cũng đã nghiên cứu nhiều phương pháp ăn dặm cho con. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, chị không quên sắm cho con chiếc ghế ăn thật chắc chắn để đảm bảo bé được ngồi vững khi ăn, không hình thành thói quen đi ăn rong như cô chị bé trước đây.

Tuy nhiên, chỉ được hơn 1 tháng ngồi ngoan trên chiếc ghế, bé sinh tật lười ăn nên thường xuyên ngậm. Thấy vậy bà ngoại bé, vì thương cháu nên bế bồng bé khắp nhà, chỉ trỏ hết thứ này đến thứ khác để bé chịu nuốt thức ăn. Lâu dần mọi thứ trở nên quá quen thuộc với bé, khi bắt đầu lẫm chẫm tập đi, 2 bà cháu rong ruổi khắp hành lang khu tập thể, và đến bây giờ bé đã lớn hơn chút, do bà mắc bệnh đau chân không chạy theo bé được nên chị Linh phải thuê thêm người giúp việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ.

Mẹo giúp mẹ thoát cảnh ăn rong của bé ngay từ khi tập ăn dặm

Hầu hết trẻ biếng ăn, phải đi ăn rong là thói quen được hình thành ngay từ khi trẻ bắt đầu cho tập ăn dặm. Ảnh: Lâm Anh

Làm thế nào để trị tật ăn rong của bé ngay từ khi mới tập ăn dặm?

Muốn trị tật ăn rong của bé, cha mẹ cần chú ý tới phương pháp cho trẻ ăn ngay từ khi mới tập ăn dặm, mọi thói quen của bé được hình thành từ lúc khởi đầu này, và thói quen xấu nếu không được điều chỉnh sẽ rất khó khăn cho người chăm sóc bé.

Cùng tham khảo mẹo trị tật ăn rong của một số bà mẹ dưới đây nhé!

Tạo thói quen cho trẻ ngồi một chỗ ăn

Ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm, cha mẹ lưu ý cần tạo thói quen cho trẻ ngồi một chỗ ăn và tuyệt đối không bồng bế trẻ khi ăn.

Nếu có điều kiện cha mẹ có thể sắm ghế ăn dặm cho bé, trẻ sẽ rất thích thú khi được ngồi một mình một bàn ăn kiểu này. Hoặc nếu không cha mẹ có thể cho trẻ ngồi vào bàn ăn của gia đình cũng tốt.

Minh Anh (Hà Nội)

Không cho trẻ vừa chơi vừa ăn

Nhiều gia đình có thói quen chiều chuộng bé, nhất là khi ăn nên trẻ không chịu ngồi yên, đòi được chơi mới chịu ăn.

Đây là thói quen xấu cần loại bỏ ngay, bởi trẻ vừa chơi vừa ăn sẽ khiến trẻ mất tập trung, không hình thành thói quen ăn uống khoa học của mình. Lâu dần trẻ không muốn chơi trong nhà mà chạy khắp nơi để chơi dù đang ăn.

Ngọc Hà (TP.HCM)

trẻ ăn rong

Bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 25-30 phút, không nên kéo dài quá khiến thời gian giữa các bữa ăn của bé sẽ gần nhau, trẻ sẽ không có cảm giác đói và ăn không ngon miệng. Ảnh: Lâm Anh

Không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại

Để dỗ trẻ, nhiều cha mẹ có thói quen mở bộ phim hoạt hình trên tivi hay youtube trên điện thoại cho bé ngoan ngoãn vừa xem vừa ăn.

Tuy nhiên, đây là phương pháp cho con ăn hoàn toàn sai lầm. Việc xem tivi hay điện thoại… trong bữa ăn sẽ khiến bé mất tập trung, kéo dài bữa ăn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé.

Lê Nhung (Bắc Giang)

Không cho trẻ ăn vặt

Việc trẻ ăn vặt trước bữa ăn sẽ khiến dạ dày trẻ luôn trong trạng thái lưng lửng, không đói và không có cảm giác thèm ăn. Do vậy trẻ sẽ sinh tật lười ăn hoặc đòi đi ăn rong mới chịu để cho bón thức ăn vào miệng.

Thùy Linh (Hà Nội)

Không kéo dài bữa ăn của bé

Bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 25-30 phút, không nên kéo dài quá khiến thời gian giữa các bữa ăn của bé sẽ gần nhau, trẻ sẽ không có cảm giác đói và ăn không ngon miệng.

Thu Hằng (Hà Nội)

Trẻ bỏ bữa cũng không sao

Nếu trẻ không chịu ăn, cha mẹ có thể cho bé bỏ 1-2 bữa cũng không sao, để bé đói sẽ kích thích bé trong việc ăn uống tốt hơn. Không nên vì sợ bị bỏ bữa mà cha mẹ phải dỗ trẻ ăn bằng được bằng cách cho trẻ đi ăn rong, miễn sao trẻ nạp được năng lượng vào cơ thể.

Để trẻ bỏ tật ăn rong, cha mẹ cần có biện pháp cứng rắn và kiên trì để giúp trẻ hình thành và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển  thể chất tốt nhất.

Ngọc Hân (Hà Nội)

Lâm Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Suzy, Yoona bật mí cách mix chân váy chữ A trẻ như nữ sinh