Bỏ việc lương 40 triệu/tháng để thoả cơn nghiện game

2016-07-29 07:10
- Không chỉ bỏ việc mà nhiều nam thanh niên nghiện game còn tự cách ly bản thân với gia đình, bạn bè và cuộc sống để được "thỏa mãn".

Nghiện game là vấn nạn đáng lo ngại, đặc biệt nhiều bạn trẻ sa đà, quên ăn ngủ vì những trò chơi trên mạng khiến phụ huynh đau đầu. Thậm chí, không ít người đã có gia đình bỏ quên cả vợ, con lao đầu thâu đêm suốt sáng vào những trò chơi.

Lương 40 triệu vẫn bỏ việc vì game

Trao đổi với Emdep.vn, PGS - TS Bùi Quang Huy (Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý y học - Bệnh viện Quân y 103) cho hay, số người chơi game ở Việt Nam khá nhiều nhưng chỉ có 10% thanh niên nghiện chơi game. Trong thời gian làm việc tại Khoa Tâm thần và Tâm lý, bác sĩ Bùi Quang Huy đã gặp rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” vì nghiện game.

Anh N.V.H (Hà Nội) đã từng là du học sinh tại nước ngoài và làm việc tại một công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam với mức lương hơn 40 triệu đồng/tháng. Khi mới về nước, anh H. chỉ dùng máy tính để chơi game nhằm giải trí giúp đầu óc bớt căng thẳng.

Bỏ việc lương 40 triệu/tháng để thoả cơn nghiện game

Người bị nghiện game sau khi cai nghiện rất khó có được một cuộc sống bình thường (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài, anh H. nghiện game từ lúc nào không hay. Thậm chí, có những lúc không được chơi game, anh cảm thấy khó chịu, chân tay bủn rủn. Để thỏa mãn được mong muốn chơi game liên tục, anh H. đã nghỉ việc, trốn gia đình và vợ con trong phòng riêng để chơi game. Không những vậy, bản thân anh H. luôn có tâm lý phòng thủ, trốn tránh vì sợ người nhà bắt được đang chơi game.

Cũng tương tự trường hợp nghiện game của anh H., nam sinh viên L.H.T (Hà Nam) từng là một học sinh giỏi, con ngoan của gia đình. T. thi đỗ vào đại học là niềm tự hào của bố mẹ và họ hàng. Nhưng ngay năm học đầu tiên, T. đã bị đuổi,  vì bỏ bê học hành do ham chơi game.

Thậm chí, tiền bố mẹ gửi ăn học trong suốt thời gian dài đã bị T. “nướng” hết vào chơi game. Khi phát hiện con nghiện game, bố mẹ T đã hết lời động viên từ ngọt nhạt đến biện pháp nặng thậm chí cách ly tại nhà, chữa trị nhưng vẫn không có tác dụng. Khi mọi biện pháp đều thất bại, gia đình phải đưa vào bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và có cách điều trị hữu hiệu.

Cai nghiện game bắt buộc phải tới bệnh viện

Theo các nghiên cứu, khi chơi game, não sẽ giải phóng dopamin (chất dẫn truyền thần kinh) tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất truyền dẫn này tạo nên sự khoan khoái cho người chơi game, lâu dần sẽ trở thành nghiện.

Người nghiện game sẽ có một trong hai nhóm triệu chứng. Trong đó, nhóm thứ nhất có triệu chứng giống như trầm cảm với các hiện tượng: buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, bi quan, cáu giận vô cớ, ăn uống thất thường. Ở những trường hợp bệnh nặng còn luôn có ý định tự tử. Bệnh nhân thường có ham muốn chơi game vô cùng mãnh liệt.

Nhóm triệu chứng thứ hai của người nghiện game giống như nghiện ma túy. Bệnh nhân thèm chơi game một cách mãnh liệt, mọi suy nghĩ chỉ xoay quanh việc chơi game. Nếu không được chơi game sẽ dễ nổi cáu, mất ngủ, đôi khi sẽ  có cơn co giật.

Người chơi game lâu ngày sẽ mất khả năng lao động, học tập mất tập trung. Bệnh nhân thường có tâm lý hoang tưởng, sợ bị giết hại giống như nhân vật trong thế giới ảo. Ở một số trường hợp còn có biểu hiện ăn kém, lười tắm rửa, ngây ngô. Có những trường hợp bệnh nhân trở nên rất tàn độc, sẵn sàng giết người dã man giống như trong thế giới ảo.

Theo bác sĩ Bùi Quang Huy nghiện game là nguyên nhân khiến cho cuộc sống bị đổ vỡ. Nhiều trường hợp game thủ 21 tuổi lại mang trí tuệ và cảm xúc chỉ như khi mới 12 tuổi. Những đối tượng này thường coi thường mạng sống của bản thân và người khác. Khi không có tiền chơi game có thể sẵn sàng đi cướp, giết người, bán dâm… để có tiền thỏa mãn chơi game tiếp.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ Bùi Quang Huy nhận thấy việc cai nghiện game còn khó hơn cai nghiện ma túy. “Nghiện ma túy còn có thuốc cắt cơn, còn nghiện game thì chưa có. Ở những trường hợp nghiện game, não thường bị khiếm khuyết, sụt giảm chất serotonin (chất dẫn truyền thần kinh) tại khe xy náp ở não. Vì thế việc cai nghiện game chủ yếu là bù đắp sự thiếu hụt của serotonin trong não”, bác sĩ Bùi Quang Huy nói  

Không giống như cai nghiện ma túy có thể điều trị ngoại trú tại nhà, bệnh nhân nghiện game buộc phải đưa đến bệnh viện điều trị để cắt được cơn nghiện.

Theo bác sĩ Huy, đầu tiên phải cách ly với game, không cho tiếp xúc với máy tính, thiết bị công nghệ. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần và sốc điện để cắt cơn nghiện.

“Các bệnh nhân cai nghiện game sau khi ra viện vẫn phải điều trị dai dẳng và khó khăn. Bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Thời gian điều trị bệnh thường phải kéo dài tới 6 năm. Đối với trẻ nhỏ phải điều trị đến ngoài 30 tuổi mới dừng lại”, bác sĩ Huy nói.

Cũng theo bác sĩ Huy, gia đình cần phải chấp nhận bệnh nhân sẽ không thể học hành và lao động được như người bình thường. Thậm chí, cuộc sống của bệnh nhân sẽ không được liên quan tới máy tính và thiết bị công nghệ.

"Các thành viên trong gia đình không được sử dụng các thiết bị công nghệ. Bệnh nhân sẽ chỉ làm được các công việc mang tính đơn điệu, lặp đi lặp lại mà thôi", bác sĩ Huy cho hay.

Ngọc Minh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toàn cảnh scandal của Jack