'Giả gái' ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Hoài An 2016-07-20 17:54
- Khán giả nhàm chán và bội thực bởi trào lưu "giả gái" đang ngày càng lố trên sân khấu, nhưng diễn viên giả gái vẫn liên tục nhận những lời khen 'có cánh'.

Thí sinh "Gương mặt thân quen": Cứ "giả gái" là sẽ thành Quán quân?

Gương mặt thân quen mùa 4 vừa kết thúc vài ngày, hóa thân thành NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết trong trích đoạn Kiều Nguyệt Nga - Lục Vân Tiên đã giúp Bạch Công Khanh giành ngôi vị Quán quân. Trước đó, Bạch Công Khanh không nhận được nhiều lời khen khi đóng giả NSND Lệ Thủy với trích đoạn cải lương Cô gái bán sầu riêng. Vì thế, chọn hóa thân thành nữ nghệ sỹ Bạch Tuyết được xem là sự "mạo hiểm" của Bạch Công Khanh.

Về lý do chọn hóa thân thành NSND Bạch Tuyết, Bạch Công Khanh nói vui: “Vì cả hai người đều có chữ Bạch trong tên của mình”. Tuy nhiên, nhìn lại đêm chung kết của Gương mặt thân quen hai mùa gần đây nhất, hai Quán quân Hoài Lâm và Thanh Duy đều chọn nhân vật nữ để hóa thân. Có thể thấy, Bạch Công Khanh có sự tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn này chứ không phải chỉ đơn giản là vì anh có cùng tên với nữ NSND.

Trở lại với sự lựa chọn của Hoài Lâm trong đêm chung kết năm 2014, anh từng định lựa chọn ca sĩ Bằng Kiều để hoá thân nhưng sau đó anh lại thay đổi quyết định vào phút chót để hoá thân thành cố nghệ sĩ Thanh Nga trong trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh. Phải chăng, cả Hoài Lâm và Bạch Công Khanh khi hóa thân thành nhân vật nữ đều đặt kỳ vọng cao hơn vào chiến thắng của mình?

Giả gái” ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Hoài Lâm và Bạch Công Khanh đều đặt cược chiến thắng của mình vào việc hóa thân thành những nữ nghệ sỹ

Hoài Lâm chiến thắng khi hóa thân thành cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Duy chiến thắng khi hóa thân thành NSND Thu Hiền hát liên khúc Sợi nhớ sợi thương - Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đầy sức thuyết phục. Trong khi đó, tuy nhận lại nhiều lời khen từ ban giám khảo, nhưng với khán giả, tiết mục cải lương của Bạch Công Khanh không xuất sắc. Việc hóa thân vào các nhân vật không xuất sắc bằng thí sinh khác cùng mùa giải mà Bạch Công Khanh vẫn lên ngôi vị quán quân.

Ngoài nghi vấn dàn xếp giải, thì nhiều người có cơ sở để đặt câu hỏi: Có phải nam thí sinh cứ "giả gái" là thành quán quân Gương mặt thân quen?

Lạm dụng "giả gái" ở các gameshow truyền hình có gây nhàm chán

12 lần trình diễn, Hoài Lâm từng hóa thân một loạt nhân vật nữ là cố nghệ nhân ca trù Hà Thị Cầu, nghệ sỹ Thanh Nga, Celine Dion, Đông Nhi..., Thanh Duy hóa thân thành Lệ Quyên, Phương Thanh, Minh Tuyết, Adele...

Ngoài ra, các thí sinh nam khác của Gương mặt thân quen cũng lần lượt “giả gái” trong các đêm thi như Phan Ngọc Luân giả Shirley Bassey, Lý Ngọc Cương…, Chí Thiện giả nghệ sỹ Ý Lan, Phạm Quỳnh Anh, SNSD, Lee Hyori...

Giả gái” ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Một loạt nam ca sỹ lần lượt "giả gái" ở gameshow Gương mặt thân quen nhiều mùa giải

Không chỉ có Gương mặt thân quen, ở một loạt gameshow truyền hình như Ơn giời! Cậu đây rồi, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen nhí, Cùng nhau tỏa sáng..., cứ bật tivi lên, là khán giả lại thấy có một nhân vật nam không ra nam, nữ không ra nữ chu mỏ, lắc mông, ăn mặc, tô điểm lòe loẹt ưỡn ẹo trên sóng truyền hình.

Vì đâu, trào lưu “giả gái” nở rộ nnhư vậy?

Đại diện một nhà sản xuất các gameshow từng lên tiếng: "Làm chương trình vui cái đã, khán giả bây giờ thích những trò vui, trò lố. Càng nhảm, càng lố càng nhiều người xem và bình luận. Chương trình nào có nghệ sĩ nổi tiếng giả gái lượng người xem bao giờ cũng tăng cao”. Thanh Duy cũng từng thú nhận: "Tôi giả gái để mang niềm vui cho khán giả".

Như vậy, chính yếu tố thu hút người xem bắt buộc các thí sinh luôn sẵn lòng để được "giả gái”. Nhưng, đành rằng là khán giả thấy thích thú, nhưng nếu cứ cho họ ăn mãi một món thì làm sao họ không thấy nhàm chán, không bội thực cho được.

Giả gái” ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Khán giả nhàm chán và bội thực trong trào lưu "giả gái" của nghệ sỹ

Người ta từng thống kê, chỉ trong một gameshow mà Thanh Duy có tới gần 9 gần sử dụng chiêu "giả gái". Chính sự sự ham ghi dấu ấn đã khiến những "màn giả" gái của anh trở nên lố và có phần phản cảm trước mắt khán giả.

Tiếp nhận góp ý, Thanh Duy đã chọn cho mình điểm dừng, sau Gương mặt thân quen, anh phải từ chối đến 95% những lời mời giả gái biểu diễn trên sân khấu. Theo Thanh Duy, anh không muốn đi quá đà và lạm dụng việc giả gái vì sợ sẽ gây ra sự nhàm chán, phản cảm và không muốn làm trò mua vui bởi khán giả bây giờ ngày càng khó tính hơn.

Còn nghệ sỹ hài Trường Giang, anh cũng cho rằng, để tạo sự mới lạ, lấy lòng công chúng, nghệ sĩ đâu nhất thiết cứ phải “giả gái”: “Mỗi người có một sự lựa chọn. Nhưng có nhiều hướng đi tốt chứ không nhất thiết phải giả gái. Khán giả bây giờ rất tinh, họ dễ nhận ra đâu là những pha giả gái quá đà, những pha giả gái để PR".

Nhiều hệ lụy kéo theo trong trào lưu “giả gái”

Như đã nói ở trên, việc "giả gái" là cái phao cứu sinh để các chương trình và các nghệ sỹ thu hút khán giả, hâm nóng tên tuổi của mình. Do đó, các nghệ sỹ nam khi tham gia các chương trình xem việc ngồi tô tô, vẽ vẽ, đi giày cao gót, váy áo... là khó khăn phải vượt qua. Điều đó khiến họ thấy tự hào hơn, cần nỗ lực hơn thay vì tập trung cho ra những sản phẩm, phần biểu diễn chất lượng đúng với chuyên môn của họ. Không chinh phục khán giả bằng những sản phẩm đúng với chuyên môn, đúng với dấu ấn cá nhân của nghệ sỹ, mà chỉ lo chạy theo hình tượng “giả gái” hút khách.

Sau chiêu lạ gây cười thu hút khán giả, việc lạm dụng "giả gái" quá đà sẽ khiến cho bản thân những nghệ sĩ sa đà và đánh mất đi hình ảnh của chính mình. Thí sinh nào cũng được giám khảo, fan nhà dùng những mỹ từ để tung hô như “tuyệt vời”, “không còn gì để nói”, "toả sáng rực rỡ", “nghệ sĩ thực thụ"…. Thế nhưng, sau đó, họ lại bị trôi vào quên lãng. "Khi mùa giải mới lại cấp tập tuyển thí sinh rồi sẽ có một ai đó được dựng lên để câu dư luận", một nam ca sĩ chua chát sau vài lần tranh tài.

Giả gái” ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Nghệ sỹ "giả gái" luôn nhận lại được những lời khen có cánh

Thậm chí, khi trào lưu giả gái nở rộ, khán giả phải thường xuyên chịu trận với những màn giả gái quá lố, cơ bắp cuồn cuộn, mà theo nhận xét của Hoài Linh, họ là "những thôn nữ đột biến gen". Chính danh hài Trường Giang phải từ chối những màn "giả gái" là bởi theo anh, đã làm là phải làm cho tới: “Giả gái không đến là sự xúc phạm phụ nữ, làm xấu nhòe và lệch lạc hình ảnh”.

Không chỉ mua vui, việc "giả gái" quá lố “làm méo mó và khoét sâu vào nỗi đau của những người thuộc giới tính thứ 3”. Không ít người trong cộng đồng giới tính thứ 3 chia sẻ, họ cảm thấy tổn thương khi những khác biệt giới tính của họ bị mang ra để làm trò cười, hình ảnh của họ được xây dựng phản cảm, méo mó. Từ đó, trong quan niệm của nhiều người, cứ nhắc đến người đồng tính là những người ăn mặc lòe loẹt, điệu bộ õng ẹo, lả lướt.

'Giả gái' ở gameshow truyền hình: Trào lưu và hệ lụy

Người thuộc giới tính thứ 3 cảm thấy bị tổn thương khi "giả gái" bị lạm dụng và "làm lố"

Một điều đáng lo ngại nữa mà người viết rất đồng tình trong một bài báo trước đây, đó là “sự quá đà trong việc "giả gái" của các nghệ sĩ ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc về giới tính của không ít bạn trẻ hiện nay".

Tình trạng số lượng người đồng tính tăng cao, các bạn trẻ coi việc giả giới tính, phi giới tính như một thứ mốt thì những màn "giả gái" trong các gameshow có một phần tác động. Bởi nhận thức của số đông rất dễ bị dẫn dắt bởi các trào lưu văn hóa.

Hoài An

Xem thêm:

Ứng xử của Idol Kid Hồ Văn Cường khiến người đọc suy ngẫm

Thái Nhã Vân tung bằng chứng sau khi bị “tuýt còi” vì thi chui

Đám cưới lần 9 của Thanh Bạch - Thúy Nga bị chê 'rẻ tiền'

Trấn Thành, Hari Won đang 'dắt mũi' dư luận?

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vu Lan xem những bức ảnh xúc động về mẹ