Bé uống nhầm axit: "Gần 365 ngày, con tôi chưa ăn được 1 bát cơm"

2014-12-04 23:48
- 1 năm qua, gia đình bé Toàn (Bạc Liêu) lao đao theo những ngày rong ruổi trong bệnh viện và cũng chừng đó thời gian bé chưa ăn được 1 bát cơm nào.

Gần 1 năm kể từ ngày con trai bé bỏng Võ Văn Toàn uống nhầm axit, chưa đêm nào chị Hồ Thị Út Em ngủ ngon giấc. Bên cạnh nỗi lo chạy vạy tiền nong chữa bệnh, thường trực trong lòng người mẹ khắc khổ này là những hối hận dày vò, vì vô tình khiến con phải chịu đau đớn hành hạ.

Mẹ nhặt ve chai, con uống nhầm axit

Chuỗi ngày bi kịch của gia đình nghèo tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu bắt đầu từ tháng 1/2014. Không có ruộng đất, 1 mình chồng chị Em làm thuê nuôi 5 người gồm bố mẹ già, vợ và hai con trai.

Chị Em ở nhà vừa trông con vừa đi nhặt ve chai kiếm tiền phụ thêm cho con trai lớn đi học. Bé út Võ Văn Toàn trong 1 lần chơi với đống ve chai của mẹ đã nhặt một chai nước ngọt lên uống, vô tình lại là axit loại mạnh.

“Tôi nhặt mấy vỏ chai trôi dạt ở sông. Chai axit có thể là do người ta dùng châm bình điện dí cá rồi sau đó vứt ra”, người mẹ chia sẻ.

Sau khi được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu rồi chuyển qua Rạch Giá (Kiên Giang) điều trị gần 1 tháng trời, Toàn được xuất viện. Về nhà, bé vẫn không thể ăn uống, hết sốt rồi lại nổi ban, bệnh tật liên miên. Tình hình ngày càng xấu đi, người nhà đưa bé sang Cà Mau chạy chữa nhưng vẫn không cải thiện nhiều. Cuối cùng bệnh nhi được đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

        
 
Bác sĩ Đào Trung Hiếu

Tại đây, các bác sĩ định thực hiện một ca mổ duy nhất để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên do tình trạng bé quá nặng, tác dụng của hóa chất khiến thực quản hư hại, teo lại như một cái đầu ống hút, trong khi đó ruột già lại to nên không thể nối trực tiếp vào được. Các bác sĩ đã đặt ống nong nhằm nối giữa ruột bệnh nhân và miệng. Ống này được nới rộng dần theo thời gian để có thể thực hiện các ca phẫu thuật tiếp theo. Bé Toàn phải đeo ống hỗ trợ ăn uống suốt ngày đêm trong vòng 6 tháng, trước khi được thực hiện ca phẫu thuật cắt ruột già để đưa ra làm ống tiêu hóa .

6 tháng ròng mang ống hỗ trợ ăn uống, đi đâu cậu bé cũng gây chú ý với mọi người. "Nhiều người cứ tưởng bé ngậm đồ chơi, sợ dơ bẩn nên đòi giật ra. Gần một năm trời thằng bé chưa ăn được một bữa cơm”, người mẹ cho biết.

Ca mổ nhiều lo lắng

Khi được bác sĩ tư vấn con phải trải qua ca mổ thứ hai kéo dài 6 tiếng, mấy ngày liền chị khóc ròng, mất ngủ vì lo lắng. Khoảnh khắc bác sĩ đẩy con vào phòng mổ, chị nấc nghẹn. Hình ảnh con trai nằm mê man trong phòng hồi sức nửa tháng giữa đống dây ống, máy móc sau cuộc mổ thông ống lần trước vẫn chưa thôi ám ảnh chị lại tiếp đến lần mổ này.

“Do đeo ống lằng nhằng nên thỉnh thoảng bé hay khó chịu, quấy khóc. Có những đêm bé không chịu ngủ, nửa đêm phải bế đi dạo đến 2-3 tiếng đồng hồ. Không hiểu sao trước ngày mổ thằng bé lại ngủ ngoan lạ kỳ, cả đêm không hề quấy khóc”, người mẹ nước mắt lưng tròng.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, trường hợp bé uống nhầm axit này nặng đến mức hóa chất khiến thực quản hỏng toàn bộ. Tổn thương nằm ở vị trí cao nên khó đưa ruột già, dạ dày lên nối thông đường ăn. Trong khi đó, các trẻ khác chỉ bị bỏng thực quản 1 đoạn nên có thể cắt bỏ.

Tiến hành ca mổ với trường hợp khó như vậy, bác sĩ cũng phải đưa ra nhiều phương án. Ca mổ mới nhất kéo dài 6 tiếng, bác sĩ đã cắt 25cm ruột gia làm ống tiêu hóa. May mắn là ca mổ đã bước đầu thành công, người mẹ thở phào nhẹ nhõm phần nào.

Theo bác sĩ Hiếu, ở các vùng quê, các chai đựng axit hay để lẫn lộn với các chai nhựa, trẻ em không biết rất nguy hiểm. Tai nạn ở trẻ là do sự bất cẩn của người lớn.

Quỳnh Giang
(Theo congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hơn 40 ngày chống chọi với Covid-19 của ca sĩ Phi Nhung