Vòng quanh châu Á tưng bừng đón Trung thu
Tin liên quan
Hàn Quốc
Trung thu ở Hàn Quốc là một ngày hội lớn ở quốc gia này. Tết Trung thu còn được gọi là Chusok (nghĩa đen là đêm mùa thu, thời điểm có trăng rằm đẹp nhất cả năm).
Chuseok diễn ra vào mùa thu hoạch ở xứ sở kim chi. Do đó, ngày lễ còn mang ý nghĩa hội mùa. Trong ngày này, người Hàn Quốc dùng các sản phẩm mới gặt hái được như rau, hoa quả, bánh gạo... chế biến thành các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên để cầu mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hơn.
Tết Trung thu ở Hàn Quốc còn là ngày đoàn tụ của đại gia đình. Đây là ngày để mọi người thu xếp mọi công việc để trở về bên người thân, tận hưởng không khí ấm cúng sau thời gian xa cách. Từ sáng sớm, các gia đình đã chuẩn bị nghi thức để cúng tổ tiên. Họ cũng dành thời gian để tảo mộ, thăm viếng người đã khuất.
Trung Quốc
Người Trung Quốc bắt đầu đón tết Trung thu từ thời Đường Huyền Tông. Ngày này lúc đầu chỉ là để uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng.
Nhưng về sau, người Trung Quốc đã biến chuyển Trung thu thành dịp để cả gia đình sum họp, đoàn viên, quây quần bên mâm cơm ấm cúng.
Trong ngày này, người Trung Quốc thường làm bánh Trung thu với nhiều loại nhân để thưởng thức. Bánh hình tròn tượng trưng cho sự đủ đầy, viên mãn. Các hoạt động múa lân, rước đèn cũng diễn ra nhộn nhịp ở Trung Quốc trong ngày hội trăng rằm.
Nhật Bản
Đối với người dân Nhật Bản, Trung thu là lễ hội nhằm tôn vinh thời điểm mặt trăng tròn nhất trong mùa thu. Lễ hội này du nhập vào đất nước mặt trời mọc khoảng 1000 năm về trước.
Tuy nhiên khác biệt với các quốc gia châu Á khác, mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Lần đầu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền "Otsuki-mi" (ngắm trăng vào ngày 15/8). Lần sau là ZYUSANYA nhằm ngày 13/10. Theo tục lệ của người Nhật, nếu không muốn gặp xui xẻo thì đã ngắm trăng đầu sẽ phải thưởng lãm cả trăng sau để cho trọn vẹn.
Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống. Đặc biệt trong số đó là bánh Tsukimi dango. Đây là loại bánh làm từ bột nếp, nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho mặt trăng.
Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được tổ chức vào đúng ngày rằm 15/8 âm lịch, còn gọi là “lễ cầu trăng”.Theo truyền thống, trong đêm này, mọi người đều phải ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày nhiều món ngon và bánh Trung thu.
Người Thái quan niệm rằng làm như thế, những lời cầu khẩn của mình sẽ được Bát Tiên chuyển tới tai Quan Thế Âm và được ban phước lành. Do đó, bánh Trung thu ở Thái Lan có hình giống quả đào, khác biệt với bánh thường mang hình tròn như ở Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Việt Nam
Tết Trung ở Việt Nam thường diễn ra vào ngày rằm tháng Tám khi mặt trăng tròn và sáng tỏ nhất. Đây là một trong những lễ hội được nhiều người chờ đón trong năm, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Ngày này được coi là ngày “Tết thiếu nhi” nên người lớn thường mua đồ chơi để tặng cho trẻ con như đèn ông sao, đèn lồng, tiến sĩ giấy, mặt nạ…
Trong ngày Tết Trung thu, mỗi gia đình sẽ bày biện một mâm cỗ ở ngoài trời, gọi là mâm cỗ trông trăng. Trên mâm cỗ có bánh trung thu, bưởi, quả hồng và các loại trái cây đặc trưng của mùa thu.
Cũng giống như Trung Quốc, ngày Trung thu ở Việt Nam khá rộn ràng nhờ những đoàn múa lân sặc sỡ. Các em nhỏ cũng ríu rít cầm đèn trên tay đi khắp các ngõ phố, tạo nên không khí nhộn nhịp, tưng bừng khắp nơi.
Moon (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất