Vì sao dập lửa vụ cháy ở Trần Thái Tông mất nhiều tiếng đồng hồ?
Tin liên quan
Vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong những giờ qua. Việc dập lửa vụ cháy này không phải dễ dàng do cơ sở kinh doanh karaoke được che chắn bằng các vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội đã trả lời những câu hỏi có liên quan đến vụ việc này với báo giới.
PV: Khi nhận được thông tin vụ cháy phòng CS PCCC đã có phương án dạp tắt đám cháy như thế nào?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Vào hồi 13h52’ ngày 01/11/2016, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PC&CC) TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại quán karaoke ở địa chỉ số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã điều động 06 xe chữa cháy, xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát PC&CC số 3.
Sau 06 phút, lực lượng và phương tiện đến hiện trường tổ chức chữa cháy; do đám cháy diễn biến phức tạp, gặp gió lớn, nguy cơ cháy lan sang các nhà liền kề, cảnh sát PC&CC Thành phố đã điều động thêm 26 xe chữa cháy, xe chuyên dụng của các lực lượng: Cảnh sát PC&CC Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố, Trường Đại học PCCC, Công ty Môi trường Đô thị… cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ các lực lượng đến phối hợp tổ chức chữa cháy.
Ngay sau khi đến hiện trường, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã tổ chức trinh sát đám cháy, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kỹ, chiến thuật để tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; triển khai các đội hình chữa cháy ở mặt đường Trần Thái Tông để khống chế ngăn chặn cháy lan sang các công trình lân cận; triển khai đội hình chữa cháy theo hướng cầu thang bộ của nhà số 68 để khống chế và dập tắt đám cháy.
Công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PC&CC gặp rất nhiều khó khăn, hướng tiếp cận đám cháy bị hạn chế do toàn bộ mặt trước của công trình được bố trí lắp đặt khung sắt và các tấm thép dày 1,5mm nhằm treo biển quảng cáo; các vách ngăn giữa các phòng hát của ngôi nhà số 68 được ngăn bằng các tấm kim loại không kín, ốp bằng những vật liệu dễ cháy như: xốp, bông thủy tinh…
Song song với mũi triển khai qua cầu thang bộ và tổ chức chữa cháy từ tầng 2 đến tầng 3, Cảnh sát PC&CC Thành phố triển khai 01 đội hình chữa cháy qua cầu thang thoát nạn ngoài nhà, 02 đội hình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ qua tầng tum công trình bên cạnh nhà số 68.
Cán bộ, chiến sỹ đã triển khai 01 cầu dây tiếp cận xuống vị trí tầng 5 để trinh sát, tìm kiếm người bị nạn và phá dỡ các cấu kiện để thoát khói, tạo điều kiện cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tại đây lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố đã cứu được 01 người bị nạn.
14h30’ đã khống chế đám cháy, không để cháy lan vào bên trong các nhà số 70, 72, 74; Riêng nhà số 68, do đám cháy bùng phát mạnh, tỏa ra nhiều khói khí độc, nhiệt lượng tỏa ra cao, khó tiếp cận trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đến 15h00’, đám cháy ở các tầng nhà số 68 cơ bản được khống chế, không để cháy lan. Đến 15h45’ đám cháy trong khu vực nhà số 68 cơ bản được dập tắt; công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục được triển khai, tiến hành khoanh vùng vị trí người bị nạn;
Do nhà kín, mặt trước công trình có khung sắt và bịt thép dày nên khả năng thoát nhiệt, thoát khói kém, quá trình tích tụ nhiệt trong công trình gia tăng do các chất cháy như mút, xốp…
Đến 16h00’ đám cháy bùng phát trở lại tại tầng 6 của nhà số 68. Trước tình hình đó Cảnh sát PC&CC Thành phố tiếp tục duy trì các mũi chiến đấu, phá dỡ các cấu kiện, phá nóc tầng tum, phá cửa phía sau, tường xây phía trước tầng 7, 8, 9 để tổ chức thoát khói, đồng thời làm mát các cấu kiện xây dựng trong nhà, nhanh chóng triển khai dập tắt đám cháy bùng phát trở lại tại tầng 6.
18h00’, đám cháy được dập tắt hoàn toàn; lực lượng Cảnh sát PC&CC Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp thoát khói, làm mát các cấu kiện xây dựng, tìm kiếm người bị nạn…
PV: Tại sao việc dập lửa trong đám cháy này lại gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian như vây?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke thường rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo. Hơn thế, điều kiện thông gió của các quán gần như không có, khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn và chữa cháy đối với cơ quan chức năng.
Một lý do khác là trong các cơ sở này thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao su, phông rèm,... Khi có cháy, tốc cháy lan rất nhanh, tòa nhà cũng sẽ có nhiều khói và khí độc. Nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.
Ngoài ra, việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như: không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn,… cũng là nguyên nhân dẫn tới không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa, gây chán lan và cháy lớn.
Bên cạnh đó, một số chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu kiến thức về phòng cháy chữa cháy hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của mình và khách hàng.
PV: Nguyên nhân vụ cháy trên được xác định là gì?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, thông tin bước đầu do sự bất cẩn của thợ hàn trong quá trình cải tạo, sửa chữa tại tầng 2, nhà số 68 gây cháy.
PV: Theo ông, để xảy ra vụ hỏa hoạn này trách nhiệm thuộc về ai?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Công trình Karaoke 68 là nhà dân được thuê lại, chuyển đổi công năng sử dụng với mục đích kinh doanh dịch vụ Karaoke (do bà Nguyễn Diệu Linh làm chủ đầu tư); diện tích xây dựng 96,6 m2, gồm 09 tầng nổi, 01 tầng tum.
Theo nhận định ban đầu, hỏa hoạn xảy ra do sơ suất của thợ hàn khi cải tạo, sửa chữa tầng 2 quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh cũng phải chịu trách nhiệm vì mở quán phục vụ khách khi chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Còn lực lượng chức năng đã làm cương quyết, hết trách nhiệm và đúng luật.
Tổng kiểm tra 1.024 cơ sở kinh doanh karaoke
PV: Vai trò của cơ quan quản lý khi hỏa hoạn làm 13 người trong quán karaoke tử vong là gì?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Trung tuần tháng 9, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 kiểm tra an toàn PCCC trong quá trình thi công và yêu cầu yêu cầu chủ quán karaoke 68 ngừng cải tạo, hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Quán karaoke số 68 chưa được nghiệm thu nên chưa đưa vào danh sách quản lý của cảnh sát PCCC. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là kiểm tra, hướng dẫn giải pháp chấp hành nhưng có thực hiện hay không là trách nhiệm của chủ cơ sở, lực lượng chức năng đã làm cương quyết, hết trách nhiệm và đúng luật.
PV: Để các quán karaoke an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng CS PCCC Hà Nội sẽ có kế hoạch gì trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh: Từ ngày 2/11, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy tại toàn bộ 1.204 quán karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc tổng kiểm tra này nhằm tiếp tục tổ chức, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí này, khắc phục những sơ hở thiếu sót. Nếu phát hiện các vi phạm nghiêm trọng thì cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ ra văn bản kiến nghị tạm đình chỉ, cố tình vi phạm báo cáo cơ sở có thẩm quyền xử lý.
Đối với vụ cháy tại karaoke 68 Trần Thái Tông, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có chỉ đạo giao Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 3 khắc phục hậu quả vụ cháy, giao Phòng nghiệp vụ phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm của chủ cơ sở. Quan điểm của chúng tôi là chỉ đạo quyết liệt để không xảy ra những vụ việc đau lòng như vụ cháy quán karaoke vừa qua.
Trang Lê (ghi)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất