Nick Út và những chia sẻ về tác phẩm "Em bé Napalm"

Hoàng Sa 2015-06-13 08:56
- Tác phẩm "Em bé Napalm" ra đời năm 1972 nổi tiếng trên toàn thế giới và mang lại cho Nick Út giải Pulitzer cao quý trong lĩnh vực báo chí.
Hơn 50 tác phẩm của hãng Thông tấn AP phản ánh về cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã lần đầu ra mắt công chúng Thủ đô. Đây cũng là dịp để nhiều người có cơ hội tiếp xúc và nghe chia sẻ của Nick Út về quá trình cho ra đời tác phẩm nổi tiếng “Em bé Napalm”.
Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29/3/1951) tại Long An. Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press (AP), người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh năm 1972. Bức ảnh đã nổi tiếng trên toàn thế giới và mang lại cho ông giải Pulitzer cao quý trong lĩnh vực báo chí.
Sinh ra tại Việt Nam, Nick Út bén duyên với nghề ảnh sau khi anh trai Huỳnh Thanh Mỹ (phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP) hy sinh tại Cần Thơ trong quá trình tác nghiệp. “Anh Mỹ qua đời, tôi đã gửi đơn xin việc vào làm tại AP. Khi đó, tôi mới 16 tuổi. Ban đầu, tôi được dạy làm quen với việc rửa ảnh trong phòng tối và chụp các bức ảnh về cuộc sống của người dân Sài Gòn. Một tháng sau tôi chính thức “nối gót” anh Mỹ, bắt đầu chụp ảnh chiến trường. Anh Mỹ chính là người truyền cảm hứng cho tôi, mặc dù cả 2 anh em đều rất ghét sự khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh”, Nick Út chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm chụp được bức ảnh “Em bé Napalm”, ông cho biết, đầu tháng 8/1972, nghe bạn bè nói vài ngày nay đang có giao tranh dữ dội tại Trảng Bàng (Tây Ninh), ngay lập tức Nick Út lên đường tới đó. Tới nơi, ông thấy người dân dắt theo con cái và tài sản chạy ra khỏi nơi giao tranh. “Tôi nghe từ phía xa có 2 chiếc phi cơ lao tới. Một trong 2 chiếc đó thả 4 quả bom Napalm vào khu vực dân cư. Khi đó, tôi nghĩ trong làng không còn người bởi khi tới đây, tôi thấy hàng nghìn người đã sơ tán trước đó. Một lát sau, tôi có nghe tiếng la hét, khóc lóc. Những hình ảnh hiện ra trước mắt tôi là một bé gái trần truồng chạy trên đường, một bà cụ bế đứa trẻ đã qua đời,... Tôi vội đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đó rồi nhanh chóng lấy hai chai nước tưới lên lưng Kim Phúc và đưa cô bé vào viện. Những người trong bức ảnh, hiện tại chỉ có một người qua đời, số còn lại vẫn sống tại Tây Ninh – gần khu vực đánh bom năm xưa”, Nick Út nhớ lại.
“Đưa Phúc vào bệnh viện, tôi nhanh chóng về tòa soạn để xử lý bức ảnh. Tuy nhiên, hình ảnh một cô bé không có quần áo trên người, vừa chạy vừa la hét khiến nhiều người đưa ra phương án chỉnh sửa để che bớt. Tuy nhiên, ông Horst Fass quyết định dùng nguyên mẫu bức ảnh. Sau đó, rất nhiều tờ báo trên thế giới đã đăng lại bức ảnh này bởi giá trị thông tin vô giá mà nó mang lại. Một năm sau đó, tôi nhận được thông tin tác phẩm của mình đạt giải Pulitzer”, Nick Út chia sẻ về quá trình nhận được giải thưởng danh giá từ bức ảnh.
Mới đây, ngày 8/6, Nick Út đã trở lại Trảng Bàng (Tây Ninh) để thăm lại các nhân vật còn sống trong bức ảnh. “Điều tôi cảm thấy vui mừng nhất không phải là bức ảnh đã được đạt giải cao mà trên hết là nhân vật trong tác phẩm của mình được sống hạnh phúc. Hiện tại, tôi và Kim Phúc coi nhau như người thân trong gia đình. Nhờ bức ảnh, tôi có thêm những người bạn, những người “ruột thịt” dù không cùng chung huyết thống”, Nick Út xúc động nói.
Một số hình ảnh tại triển lãm sáng nay:
Sáng nay, triển lãm ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” của hãng Thông tấn AP đã chính thức diễn ra tại số 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nick Út liên tục chia sẻ về bức ảnh "Em bé Napalm".
 
Rất nhiều người dân Thủ đô, đủ mọi thế hệ tới tham dự triển lãm.

Nick Út chụp ảnh lưu niệm cùng khách tham dự triển lãm.

Hoàng Sa

(Theo Congluan)

 
 
 
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 kiểu váy 'nhìn là thấy mùa thu', các nàng mau sắm ngay để thật thanh nhã đi dạo phố phường