Người lang thang "như ngọn đèn trước gió" trong đêm Hà Nội 10 độ C

Lê Minh 2014-12-17 09:51
- Không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lang thang kiếm sống đang co ro với tấm chăn mỏng để chống lại cái lạnh mùa đông bên vỉa hè Hà Nội.
22h18 phút, chuyến tàu cuối cùng trong ngày xuất phát tại ga Hà Nội. Kẻ đón, người đưa, hành khách và cả nhân viên của chuyến tàu muộn đều hối hả, co ro trong cái rét buốt đến tê lòng của đêm đông. Họ nhanh chân bước khỏi sân ga để về tổ ấm của gia đình.
Đó cũng là lúc nhiều người vô gia cư mới lục đục dọn dẹp, chuẩn bị cho mình 1 chỗ nằm ngay cửa ga. Với nhiều người, ga Hà Nội là chốn qua đường, là nơi làm việc, còn với những người vô gia cư lại là một chỗ ngả lưng. Gió vẫn rít từng cơn, những dáng người không nhà cửa nép thân vào vỉa hè. Đường vắng tanh, chỉ còn họ với màn đêm và ánh đèn le lói.
         
Khi Hà Nội về đêm, ở nhiều tuyến phố những người vô gia cư đang co ro chống chọi cái lạnh bằng những tấm chăn mỏng.
Trong khi mọi người đang nhìn theo toa tàu cuối cùng khuất dần sau hàng cây đại thụ trên phố Lê Duẩn, 1 người đàn ông trạc 60 tuổi, màu thời gian của tuổi tác hiện rõ trên mái tóc bạc ngả màu, ngồi co ro bên góc tường ở phía trước cửa sân ga. Không tất chân, không manh áo ấm, ông quay sang nhắc nhở mọi người: “Hôm nay gió mùa tăng cường, nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, mọi người kiếm thêm tấm bìa trải dưới nền nằm cho ấm”. 
Nói rồi giọng ông trầm xuống, rít vội mẩu thuốc lá để dành từ chiều. Ông kể tên là Hạc (61 tuổi, Hà Nam). Vợ ông mất cách đây nhiều năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Nhà có 3 người con nhưng khổ nỗi hoàn cảnh của các con đều rất khó khăn. Còn chút sức khỏe ông lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề vá và sửa chữa xe đạp. 
Đối với ông Hạc, tới nay ông đã có khoảng thời gian 20 năm mưu sinh ở Hà Nội. Và cũng ngần ấy thời gian, ông mang thân phận của 1 người vô gia cư. Cũng như ông Hạc, hàng chục người vô gia cư khác cũng tìm về một góc khuất phía trước nhà ga Hà Nội làm chỗ ngả lưng sau những giờ lao động mệt nhọc. 
Càng về khuya, khoảng trống ở phía trước nhà ga Hà Nội nhanh chóng được lấp đầy. Một vài tấm bìa các-tông, tấm chăn mỏng, hay chiếc áo cũ là tài sản quý giá đối với giấc ngủ của những người vô gia cư tại đây.
Giấu mình trong chiếc chăn mỏng cùng tiếng thở dài, bà Thìn (81 tuổi, quê Hà Nội) “trách đời, trách phận”: “Tuổi 80 lẽ ra phải được nhờ con, nhờ cháu nhưng giờ trắng tay phải đi ngủ đầu đường xó chợ, kiếm ngày vài ba chục nghìn đồng với công việc nhặt chai lọ bán kiếm sống, bữa đói, bữa no, sống trong bệnh tật, sợ chết lúc nào không ai hay”. Mỗi lần nhắc tới con cháu của mình, bà Thìn chỉ im lặng rồi lảng tránh sang chuyện khác. 
      
Mỗi lần nhắc tới con cháu bà Thìn chỉ im lặng
Hà Nội 36 phố phường, không còn con phố nào mà bà Hoa (50 tuổi, Thái Bình) chưa đặt chân tới. Vừa mới xuất viện được ít ngày do phải mổ khối u ở vai, người phụ nữ này đã nhanh chóng trở về với cuộc sống của người vô gia cư. Khi vết thương sau mổ còn chưa lành, hàng đêm bà Hoa lại phải oằn mình chống chọi với bệnh tật trong cái lạnh của những đợt gió mùa tăng cường. Nhiệt độ của Hà Nội lúc này chỉ khoảng 13 độ C khiến nỗi đau càng hành hạ.
“Biết không kiêng được sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng cứ nằm 1 chỗ, nghĩ tới số tiền vay nợ chữa bệnh không lo sao được. Tết nhất lại đến nơi nữa rồi” , bà Hoa bùi ngùi tâm sự.
Cách ga Hà Nội khoảng vài trăm mét, ngay khu vực đầu phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), một số người vô gia cư quê ở Thanh Hóa đang loay hoay tìm cho mình một điểm ngả lưng. 
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mai (62 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết: “Bình thường giờ này tôi đang đi nhặt rác trên các tuyến phố trung tâm thành phố. Khoảng 1h sáng tiện chỗ nào thì ngả lưng chỗ ấy. Nhưng hôm nay có mấy hạt mưa lất phất, thời tiết lạnh buốt, không chịu được nữa nên tôi tìm về đây nghỉ tạm. Khoảng 5h sáng là phải trả chỗ cho người ta bán hàng rồi”.
     
Những người vô gia cư, họ sống cảnh "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".
Rời quê ra Hà Nội từ năm 1992, tính tới nay bà Thêm có 23 năm sống với cảnh vô gia cư. “Với số tiền kiếm được quá ít ỏi hàng ngày, chỉ đủ cho hai bữa cơm, làm gì có tiền để nghĩ tới việc thuê nhà. Chính vì vậy tôi và một số người làm cũng chỉ biết chọn vỉa hè, ghế đá tại các công viên làm nơi tá túc qua đêm” – đó là những lời tâm sự từ đáy lòng của người phụ nữ mà ngót 20 năm ăn tết tại đất Thủ đô.
Nếu ví cuộc đời như một bản nhạc thì bà Thêm chỉ dám nhận về mình những nốt trầm. Với người đàn bà xứ Thanh này, tiếng pháo nổ râm ran khắp phố phường Hà Nội mỗi dịp Tết đến là nỗi ám ảnh hằn sâu vào tâm trí của bà. Đã gần 20 năm bà không cùng gia đình đón Tết. 
“Nghề nhặt rác chỉ kiếm được mấy ngày trước và sau Tết nên năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết là lúc tôi lại tủi thân nhất. Nhớ nhà, nhớ con cháu rất muốn về nhưng không tranh thủ lúc đó, ra tháng Giêng, tháng 2 đói kém lấy gì mà ăn. Đối với những người vô gia cư như chúng tôi, đêm giao thừa là đêm không bao giờ ngủ được”, bà Thêm chia sẻ.
     
Bà Thêm tranh thủ uống thuốc khi bên cạnh là một người vô gia cư khác đang chìm trong giấc ngủ vội.
Bất chợt, phía bên cạnh có tiếng người đàn ông vọng lại, giọng run rẩy: “Ông đói quá. Các cô, chú có gì ăn không, biếu ông một ít đi!”.  Nhìn về phía người cùng cảnh, bà Thêm nói nhỏ với chúng tôi: “Người Hà Nội chính gốc đấy nhưng bị con cháu đuổi ra khỏi nhà. Ông ấy chuẩn bị chợp mắt để tầm 3h lại dậy bán hàng nước, các cháu qua biếu ông ấy họp sữa lót dạ cho ấm bụng đi”.
Chia tay những người vô gia cư ở một số tuyến phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội, thịt da tím tái, nằm co ro vì gió và mưa, câu nói của một bà cụ bán nước đối diện cổng ga Hà Nội vẫn như vẳng sau lưng: “Tôi giờ cũng chỉ như ngọn đèn sống lay lắt trước gió. Sống làm người vô gia cư, chết đi làm ma vỉa hè, vạ vật đâu đây, vì làm gì có nhà mà về…”.

Lê Minh
(Theo congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hậu chia tay Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn lộ vóc dáng gầy gò, cánh tay khẳng khiu khiến fan lo lắng