Người phụ nữ phải cho con vì nghèo: 25 năm mòn mỏi "không biết con nơi đâu"

Tâm Trí 2014-10-30 11:54
- (Em đẹp) - Phải cho con vì hoàn cảnh quá khó khăn, chồng mất tích không biết ngày về, người mẹ và đứa con trai bị tâm thần ngày ngày sống còm cõi trong túp lều ở chợ Long Biên.
Ba chìm, bảy nổi...

Theo lời chỉ dẫn của người công nhân quét rác ở chợ Long Biên, phóng viên Emdep.vn tìm được anh Nguyễn Văn Bình, con trai bà Thìn, khi anh đang nghỉ giải lao giữa buổi sáng. Bình là tên khai sinh nhưng ở chợ Long Biên mọi người vẫn quen gọi anh là "thằng Lam". Dù mới gặp nhưng anh nở nụ cười rất tươi với chúng tôi, nhưng nụ cười cho chúng tôi cảm nhận về người không bình thường.

Bình đon đả dẫn khách về phòng trọ nơi 2 mẹ con anh đang cư ngụ. Phòng trọ chật chội có giá thuê 600.000 đồng tính cả điện, nước, không nhà vệ sinh và vẻn vẹn chưa tới 10 mét vuông. Nói là phòng trọ nhưng thực chất chỉ là túp lều lụp xụp, dựng tạm bên cạnh bờ kênh hôi hám, xả đầy rác mà người dân ở đây vẫn quen gọi là "khu ổ chuột". "Làm với các cô ở chợ thì họ cho đi vệ sinh nhờ, còn tắm giặt thì về nhà", bà Thìn tâm sự khi nói về căn phòng mà 2 mẹ con đang ở.

Dù chỉ là túp lều tạm bợ nhưng cũng chỉ mấy năm nay hai mẹ con bà Thìn mới dám thuê để ở. Quãng đời kể từ 6 năm về trước của cả gia đình bà là một chuỗi ngày đầy những bất hạnh, xót xa.

Bà Trần Thị Thìn sinh năm 1951 trong một gia đình nghèo khó có 7 người con ở xã Hải Anh (Hải Hậu – Nam Định). Trước đây, bà từng là công nhân Công ty Xây lắp 1 Hà Nam. Năm 1978, một tai nạn ập đến với bà khi đang thi công công trình triển lãm ở vườn hoa Nam Định. Do ngã giàn giáo từ tầng 5 xuống nên bà bị chấn thương não và trở nên không bình thường.


Ngôi nhà thuê xiêu vẹo của 2 mẹ con bà Thìn

"Vào bệnh viện chữa ít lâu thấy bệnh có đỡ nên tôi ra viện. Nhưng sau đó không hiểu sao cứ đi linh tinh, vơ vẩn, đói khát, quần áo, đồ đạc chả có, giày dép cũng không. Người nhà cũng không đi tìm. Tôi đi mãi đến ga rồi nhảy lên tàu ngồi. Người soát vé hỏi thì tôi nói: 'Cháu không có hào nào'. Người ta thấy thương tình vì thấy tôi cứ ú a ú ớ nên cho đi luôn", bà Thìn nhớ lại.

Theo lời bà, sau khi đến Hà Nội, bà đi theo mọi người nhặt giấy ở chợ Đồng Xuân để kiếm sống. Năm 1980, bà gặp ông Nguyễn Văn Ba và nảy sinh tình cảm. Ông Ba cũng là người Nam Định nhưng gia đình đã qua đời hết do bom đạn chiến tranh. Ông phiêu bạt lên Hà Nội rồi cũng làm nghề nhặt giấy vụn ở chợ Đồng Xuân.

Đến năm 1985, hai vợ chồng bà vì đi lang lang, không có chỗ ở nên được trả về trung tâm nuôi dưỡng ở Hải Hậu. Cũng trong năm đó, hai người sinh được cậu con trai tên Bình. Nhưng không may, con trai bà phát triển không bình thường. Bà kể lại: "Bình phát triển không bình thường, 5 tuổi mà còn phải bế, chả nói được gì, chân tay cứ vắt vẻo, khổ lắm!".


Công việc quét, dọn rác của 2 mẹ con bà cũng đủ trang trải qua ngày.


Đến năm 1990, 2 vợ chồng bà lại sinh được một cô con gái tên là Nguyễn Thị Tý. Nhưng vì bất đắc dĩ nên ông bà quyết định cho đi đứa con rứt ruột đẻ ra. Bà rưng rưng kể về cô con gái: "Nhờ trời nên con gái tôi phát triển bình thường. Các cô trong trung tâm lúc ấy đều bảo cháu lanh lẹ, khôn ngoan lắm. Nhưng vì lúc ấy tôi đang ốm nặng, nào là bệnh ở não rồi bệnh tim nữa, trung tâm lại chuẩn bị giải thể. Nghĩ hoàn cảnh quá khổ, sợ con đi theo bố mẹ sau này vật vạ, bơ vơ, không có chỗ dựa nên đành phải cho một người nước ngoài để nó khỏi khổ. Bây giờ không biết nó đang ở đâu, có còn sống hay không?".

Dù "cắn răng" cho con nhưng đến bây giờ bà Thìn vẫn chưa nguôi nỗi đau. Bà vẫn hàng ngày mong ngóng con gái trở về. Theo lời bà, hiện chỉ còn duy nhất một người là cô Bốn trước đây làm ở trại nuôi dưỡng là đầu mối. Nhưng vì không có điều kiện nên bà không thể tìm về để hỏi thăm tung tích của con gái mình được.

Vật lộn với cuộc mưu sinh

Sau khi trung tâm nuôi dưỡng giải thể hồi năm 1994, 2 vợ chồng bà mang theo người con trai tâm thần lên Hà Nội nhặt giấy vụn kiếm sống. Cuộc sống lay lắt, vô gia cư của gia đình bà kéo dài cho đến khi chồng bà mất tích cách đây 6 năm về trước. "Hôm đó, chồng tôi bị ốm. Hai mẹ con để ông ấy ngồi ở chỗ quầy bán thịt rồi đi nhặt giấy. Đến lúc quay về thì không thấy nữa. Nghe dân làng nói là ông ấy được xe cấp cứu đưa đi. Có lẽ người ta đưa ông ấy lên Ba Vì, chỗ dành cho những người lang thang rồi. Không có giấy tờ, cũng không có tiền nên tôi cũng chẳng biết đi đâu để tìm. Không biết ông ấy bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết, chết ở đâu, chôn ngày nào?", bà nghẹn ngào.

Kể từ đó, chỉ còn lại 2 mẹ con bà vật lộn với cuộc mưu sinh không biết đến ngày mai. Hàng ngày, bà cùng người con trai đi quét rác ở chợ Long Biên từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm để kiếm sống. Bà tâm sự: "May được các cô chú ở tổ vệ sinh cho làm giúp nên mẹ con mới có tiền mua gạo và thuốc men. Lúc ốm đau, thuốc men, quần áo công nhân... ngay cả quần áo Tết các cô chú cũng mua cho cháu. Ngày Tết cũng có quà nữa".

Bà Thìn và anh Bình chỉ biết động viên nhau sống qua ngày.

Bà con trong chợ biết đến hoàn cảnh của bà thương tình cũng giúp đỡ bó rau, bát gạo để 2 mẹ con có cái ăn qua ngày. Sức khỏe người con trai yếu từ nhỏ, còn bà vì ảnh hưởng của tai nạn lao động nên vẫn phải uống thuốc hàng ngày. Thu nhập từ nhặt giấy, quét rác được khoảng 2 triệu đồng/tháng, bà Thìn chỉ dành trả tiền nhà, đong gạo và mua thuốc cho 2 mẹ con. "Gạo cứ đong 2 kg/lần, cứ hết lại đong. Thương con thì tôi mua thêm một ít chả. Còn mẹ chỉ ăn muối vừng với rau thôi", bà Thìn nói.

Không ít lần bà tìm về thăm quê nhưng bố đẻ bà đã mất, mẹ già yếu, anh em cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ gì được cho 2 mẹ con. Trong căn lều lụp xụp lúc nào cũng chỉ có bà và Bình dựa dẫm, chăm sóc, đỡ đần lẫn nhau. Bà kể rằng từ đầu năm đến nay, Bình đã ốm nặng 2 lần, tưởng không qua khỏi. Bà phải hái lá sài đất, nhọ nồi giã lấy nước cho con uống rồi xoa lên người mới đỡ sốt. Dù cuộc sống có vất vả nhưng bà vẫn luôn động viên con trai cố gắng, vì biết đâu một ngày chồng bà và cô con gái sẽ trở về...

Tâm Trí
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên