Dịch sốt xuất huyết: Dân nội thành Hà Nội nên... sợ ngay

2016-11-05 06:38
- PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho hay, do nội thành mật độ dân cư đông, khu nhà trọ, kí túc xá sinh viên, nơi vệ sinh môi trường kém, công trường đang xây dựng dở dang... Khi mưa sẽ có nhiều điểm để đọng nước tạo điều kiện cho muỗi vằn ades aegypti đẻ trứng.

Sốt xuất huyết vẫn tồn tại trong nội thành

Trong tháng 10, tại nội thành Hà Nội đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại Quận Hoàng Mai và một số quận lân cận.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho hay, từ đầu tháng 10, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết vào điều trị tại bệnh viện đã bắt đầu gia tăng. Tuy nhiên, chưa có trường hợp bệnh nhân nặng nhiều. Phần lớn các bệnh nhân nhập viện chủ yếu điều trị tại Khoa Virus Nhiễm Trùng và Khoa Nhi.

sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết hiện tại vẫn lưu hành tại Hà Nội và có nguy cơ bùng phát vào mùa mưa (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã có 29/30 quận, huyện tại Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết (trừ Sóc Sơn), đặc biệt số ca mắc nhiều nhất vẫn là  quận Hoàng Mai (464 trường hợp), quận Đống Đa (288 trường hợp), quận Hai Bà Trưng (271 trường hợp) và một số quận, huyện ngoại thành... 

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết vẫn là dịch lưu hàng năm tại Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước. Bệnh thường bùng phát vào tháng 4- 5 và đỉnh điểm là vào tháng 10-11 hàng năm.

Tính từ đầu năm 2016, số ca bệnh tích lũy tới thời điểm hiện tại là 3065 trường hợp mắc bệnh, không có tử vong,  giảm 57% so với lũy tích ca bệnh của năm 2015. Bệnh vẫn mắc rải rác và vẫn hình thành những ổ bệnh nhỏ trong khu dân cư.

“Bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở một số quận huyện trên địa bàn Hà Nội và tập trung nhiều ở: Quận Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Hoài Đức, Hai Bà Trưng vẫn rải rác có bệnh nhân mắc bệnh”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Lý giải về việc bệnh thường tập trung ở các quận trên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho hay, do nội thành mật độ dân cư đông, khu nhà trọ, kí túc xá sinh viên, nơi vệ sinh môi trường kém, công trường đang xây dựng dở dang... Khi mưa sẽ có nhiều điểm để đọng nước tạo điều kiện cho muỗi vằn Ades aegypti đẻ trứng. Loại muỗi này chính là véc tơ chính trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Loại muỗi này đốt người mang bệnh và lây sang người khỏe mạnh.

“Môi trường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, không phải năm nào bệnh cũng mắc nhiều trong nội thành, nó vẫn có sự dịch chuyển, có thể dịch chuyển sang các huyện ngoại thành”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm: “Nơi nào chủ động phòng bệnh tốt, diệt bọ gậy, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt tốt thì bệnh sẽ giảm. Hoặc bệnh nhân phát hiện sớm được điều trị sẽ tránh được nguy cơ lây lan bệnh”.

 Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ y tế khuyến cáo cách phòng dịch như sau:

- Tất cả các dụng cụ chứa nước cần phải được đậy kín để muỗi không thể đẻ trứng.

-  Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ những dụng cụ chứa nước nhỏ; Thay nước bình hoa thường xuyên.

- Dọn dẹp phế liệu quanh nhà, san lấp các hố nước tự nhiên, loại bỏ chai, lọ, lốp xe cũ, bẹ lá… để muỗi không thể đẻ trứng.

-  Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

-Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

-  Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Đọc thêm những bài viết đáng chú ý:

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Trên đời có 2 loại đàn ông