'Trầm cảm cười': Không phải lúc nào một nụ cười cũng bằng mười thang thuốc bổ

Vivian 2023-05-24 16:39
- Không phải lúc nào nụ cười cũng thể hiện niềm hạnh phúc. Trầm cảm cười là khi bệnh nhân bên ngoài tỏ ra vui vẻ yêu đời nhưng trong tâm hồn thì đang từng ngày rệu rã.

“Trầm cảm” không còn là một từ xa lạ trong thế kỷ 21 ngày nay. Khi nhắc đến trầm cảm, người ta thường nghĩ đến những biểu hiện như buồn bã, chán chường, tuyệt vọng, cạn kiệt năng lượng sống. Trong thực tế, có một loại bệnh gọi là “trầm cảm cười”, đó là khi bệnh nhân che giấu nỗi buồn của bản thân bằng nụ cười và thái độ sống lạc quan, tích cực. 

Khi một nụ cười không bằng mười thang thuốc bổ

Trầm cảm cười (Smiling Depression) là tên gọi khác của chứng trầm cảm chức năng cao hay rối loạn trầm cảm kéo dài (PDD). Thuật ngữ này chỉ những người mắc trầm cảm nhưng ngoài mặt lại tỏ ra vui vẻ, yêu đời. Điều đó khiến những người xung quanh lầm tưởng rằng họ tận hưởng và hài lòng với cuộc sống đang có. Nếu chỉ nhìn những cử chỉ và hành động bên ngoài thì rất khó để phát hiện căn bệnh ẩn náu bên trong.

'Trầm cảm cười': Không phải lúc nào một nụ cười cũng bằng mười thang thuốc bổ

Việc bệnh nhân tỏ ra vui vẻ khiến người xung quanh tưởng họ hài lòng với cuộc sống đang có

Đã bao giờ bạn lướt web và đọc được tin tức về người mới chỉ hôm qua vẫn cười nói vui vẻ với bạn bè và người thân, nhưng hôm sau đã nghe tin người đó tự tử? Khi tìm hiểu, người ta mới phát hiện thì ra người đó mắc phải trầm cảm cười, tuy nụ cười lúc nào cũng nở trên môi nhưng thực chất tâm hồn thì ngày càng rệu rã. 

Nguyên nhân của căn bệnh này xuất phát từ đâu? Nguyên nhân phổ biến nhất đó là do người bệnh phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống, từ chuyện công việc, gia đình, tình cảm hay các vấn đề khác. Chúng không được giải quyết ổn thỏa mà tích tụ qua từng ngày, để rồi đến một thời điểm không kìm nén được nữa thì người bệnh chọn cách tự kết thúc cuộc đời.

Có người sẽ nói: Áp lực thì thời nào chẳng có, sao bây giờ người mắc bệnh tâm lý lại “mọc lên như nấm”? Trong thực tế không phải bệnh nhân nhiều lên, mà là do ngày xưa Internet chưa phát triển nên bạn ít có cơ hội biết đến những ca bệnh đó, và kể cả trước mắt bạn là một người mắc bệnh trầm cảm cười thì liệu bạn có phát hiện không? Đâu ai sẽ nghĩ một người luôn cười nói vui vẻ lại mang trong mình những tâm tư nặng nề không thể chia sẻ với ai chứ?

'Trầm cảm cười': Không phải lúc nào một nụ cười cũng bằng mười thang thuốc bổ

Trầm cảm cười là căn bệnh khó phát hiện

Có câu: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nhưng điều này chỉ đúng khi chúng ta cười một cách thật lòng và biết mình cười vì điều gì, chứ không phải tự dưng bật cười mà không biết tại sao hay miệng thì cười tươi nhưng bên trong ứa nước mắt.

Đừng chỉ nhìn nụ cười mà đã vội kết luận ai đó đang hạnh phúc

Chúng ta vẫn thường hay nói: Buồn thì khóc mà vui thì cười. Song trong trường hợp của trầm cảm cười thì điều ấy không còn chính xác.

Có một câu chuyện tôi được nghe kể lại thế này: Bạn tôi có một người em họ, hai chị em chơi khá thân với nhau. Một ngày gia đình người em họ ấy xảy ra biến cố khiến cả nhà rơi vào cảnh nợ nần, tuy nhiên em ấy vẫn tỏ ra vui vẻ và lạc quan. Chỉ đến một ngày khi cả nhà phát hiện em ấy uống thuốc ngủ hòng kết thúc sinh mệnh thì mới phát hiện sự thật: thì ra em ấy mắc phải bệnh trầm cảm cười. Sau khi được cấp cứu kịp thời, mọi người hỏi tại sao em làm điều dại dột thì nhận được câu trả lời: Vì nếu em không cười thì sẽ khiến người khác lo lắng.

'Trầm cảm cười': Không phải lúc nào một nụ cười cũng bằng mười thang thuốc bổ

Trầm cảm cười là khi buồn mà không khóc

Câu trả lời ấy khiến tôi phải tự hỏi có phải chúng ta đã quá vô tâm với sức khỏe tinh thần của người khác hay không? Có phải chúng ta vẫn luôn làm tổn thương người khác mà không hề hay biết? Chúng ta luôn động viên người bệnh bằng những câu như “chuyện gì rồi cũng sẽ qua”, “cuộc đời còn dài”, “đừng làm điều dại dột”... mà vô tình bỏ qua tâm trạng của người được an ủi. Đâu ai muốn mình rơi vào buồn bã triền miên, nhưng sự thật là không phải chỉ bằng một câu “đừng buồn nữa hãy vui lên” mà có thể khiến họ lấy lại cảm xúc tích cực. Điều những người bệnh cần là những lời khuyên có tác dụng thực tế hoặc chỉ đơn giản là một ai đó lắng nghe họ trút bầu tâm sự, chứ không phải những câu an ủi suông.

Vậy nên thay vì ngay lập tức kết luận một người có đang sống hạnh phúc không chỉ dựa vào nụ cười, hãy quan sát những cảm xúc và hành vi của người đó trong cuộc sống, từ đó đưa ra cách hành xử thích hợp.

Vivian (Tổng hợp)

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 cung hoàng đạo nữ sau chia tay lại càng đào hoa