Cấm vùng cam, dân sang vùng vàng- Hà Nội cần thay đổi kế sách chống dịch?
Tin liên quan
Địa bàn dừng hoạt động không thiết yếu mở rộng
Sáng 23.12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày hôm qua (22.12), toàn thành phố ghi nhận 1.646 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 483 ca tại cộng đồng, 1.074 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa. Số bệnh nhân mới ghi nhận phân bố tại 306 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện, thị xã. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp (từ 19-22.12) Hà Nội vượt 1.600 ca mắc/ngày.
Giai đoạn từ ngày 11.10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 27.968 ca mắc, trong đó 10.107 ngoài cộng đồng, 14.232 tại khu cách ly, 3629 tại khu phong tỏa.
Số ca nhiễm tăng cao, quận Đống Đa, Hai Bà Trưng chuyển màu "cam" - cấp độ 3, nguy cơ cao và đã dừng hoạt động không thiết yếu. Ngoài ra, 14 phường, xã tại 7 quận, huyện khác đưa ra yêu cầu tương tự.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Lao Động, khi những địa bàn trên đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, người dân đã tìm sang quận, phường khác ăn uống. Trên cùng tuyến đường Trường Chinh, quán ăn bên này đường thuộc địa bàn quận Đống Đa (vùng cam) phải đóng cửa; quán đối diện bên đường (thuộc địa bàn quận Thanh Xuân) vẫn "rộn ràng" vào ra... Thậm chí, trong tuần qua còn chứng kiến hàng trăm bạn trẻ ở Hà Nội kéo sang Bắc Ninh để được vào rạp xem phim khi Thủ đô vẫn đóng cửa dịch vụ này.
Số ca mắc của Hà Nội trong những ngày qua.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, việc dừng các dịch vụ không thiết yếu trong phạm vi một vài quận, huyện không còn hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Áp dụng giãn cách xã hội trở lại không thể giúp loại bỏ hoàn toàn sự lây lan hay khống chế được dịch bệnh.
Theo ông phân tích, số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao đã được dự báo từ trước. Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Ông Hùng lấy ví dụ, mầm bệnh virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng lâu nay. Dù giãn cách thì các thành viên trong gia đình vẫn gặp nhau hàng ngày, người dân vẫn phải đi chợ và đi làm, sự tiếp xúc giữa người này với người kia là không thể tránh. Nếu còn ca bệnh chưa được phát hiện, virus sẽ tiếp tục lây cho người khác. Chưa kể giao thương hàng hóa, đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh thành vẫn diễn ra hàng ngày, mầm bệnh từ nơi khác có thể xâm nhập.
“Hiện các quận, huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng ở Hà Nội đang có nhiều giải pháp như yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày để giảm tải sự lây nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người dân quận này hoàn toàn có thể sang quận khác ăn uống, mua bán, như vậy không những không hiệu quả mà còn có thể làm tăng khả năng lây lan”, ông Hùng nói.
Giảm F0 nặng, đáp ứng số ca nhiễm tăng cao
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, khi F0 tăng, thay vì loay hoay tìm cách “siết”, quan trọng nhất là phải có giải pháp để tỷ lệ nặng và tử vong thấp, giảm quá tải cho ngành y tế và các bệnh viện.
Theo ông Hùng, cần tổ chức thu dung, điều trị người bị nhiễm một cách hợp lý, hiệu quả, đặc biệt chú trọng tới “tầng 1” trong tháp điều trị. Hiện nay, Hà Nội đang cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, F0 diễn tiến nặng hoặc nguy cơ diễn tiến nặng (người cao tuổi, bệnh nền) được chuyển tới bệnh viện theo dõi.
Theo chuyên gia y tế, hiện tại rất khó đoán định khi nào dịch bệnh của Hà Nội lên đến đỉnh. Đặc biệt, đây lại là thời điểm cuối năm, có nhiều hoạt động, giao thương tập trung đông người.
Nhiều hàng quán khu vực nguy cơ cao phải dừng phục vụ tại chỗ.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội nên nhanh chóng tăng cường nhân lực cho y tế phường, có thể kêu gọi các bệnh viện tư nhân, nhà thuốc, các thầy thuốc nghỉ hưu, tình nguyện viên,… tham gia hỗ trợ. Đồng thời, phân chia đầu việc rõ ràng để lực lượng y tế phường không phải cùng lúc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.
Ông nhấn mạnh, khi số nhiễm lớn, điều rất quan trọng là phải có nhiều kênh thông tin, liên lạc thường trực 24/24, giao trách nhiệm rõ ràng để người bệnh có thể xin tư vấn từ xa, yêu cầu hỗ trợ khi cần.
Còn theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi trung ương, hiện tại số ca mắc ở Hà Nội cao, thành phố cần chuẩn bị phương án làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong, thành lập các trạm y tế lưu động, sẵn sàng các gói thuốc A, B, C như hướng dẫn để cung cấp cho F0.
Trong khi đó, nếu cứ áp dụng các biện pháp hạn chế dịch vụ như vậy, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, sẽ phải kéo dài các biện pháp này. Không biết khi nào người dân, doanh nghiệp mới được mở cửa trở lại, trong khi hiệu quả chống dịch khó đo lường.
Các phường nên chuẩn bị phòng chống dịch cấp phường, làm thế nào để không bỏ sót F0 nào, chỉ như vậy mới đảm bảo giám sát được tỷ lệ trở nặng. Ngoài ra, các phường thành lập tổ COVID-19 cộng đồng, huy động sự hỗ trợ của các F0 đã khỏi bệnh.
Theo Lao Động
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất