Chuyện bác sĩ giả tình nguyện chống dịch: Có tâm nhưng chưa đủ tầm
Tin liên quan
Chuyện thật mà li kỳ như... phim
Chuyện gì đã xảy ra? Cho những ai ít cập nhật tin tức thì mới đây truyền thông rầm rộ đưa tin vụ việc bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm (sinh năm 1996, quê Ninh Thuận) mạo nhận mình là sinh viên ĐH Y dược TP. HCM, thạc sĩ – bác sĩ nội trú tại BV Chợ Rẫy để tham gia chống dịch. Trong khi thực tế Khiêm chỉ học y sĩ đa khoa hệ trung cấp và chưa tốt nghiệp.
Theo nhiều nguồn tin, trong thời gian tình nguyện chống dịch tại Cao đẳng điện lực TP.HCM, “bác sĩ” Khiêm đã tham gia điều trị, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân F0, đồng thời ký nhiều giấy tờ quan trọng như báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly, giấy chuyển tuyến điều trị ca F0.
Bác sĩ giả mạo Nguyễn Quốc Khiêm.
Vụ việc đã bị phát giác và xử lý vào tháng 9/2021 nhưng đến nay mới được đưa ra ánh sáng nhờ loạt bài điều tra của báo Pháp luật TP.HCM, ngay sau đó hàng loạt các trang báo khác đều đồng loạt đưa tin về vụ việc này.
Trên nhiều hội nhóm, cộng đồng mạng cũng bàn luận sôi nổi, nhiều người cho rằng chuyện thật mà diễn biến li kỳ như trong phim. Làm sao mà một bác sĩ giả lại có thể qua mặt được các bác sĩ thật và các cơ quan chức năng để thực hiện được hành vi của mình? Có lẽ, khi không muốn làm người ta sẽ tìm lý do, còn một khi đã muốn làm, họ sẽ tìm ra cách. Đọc tin về vụ bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm, nhiều người liên tưởng ngay đến bộ phim Catch me if you can, kể về siêu lừa đảo nước Mỹ Frank Abagnale, người đã từng thành công giả mạo làm bác sĩ, luật sư, phi công khi chưa đủ 18 tuổi và đã trục lợi hàng triệu đô la. Bộ phim dựa trên nguyên mẫu có thật Frank Abagnale trong cuốn tự truyện cùng tên.
Vụ việc của Khiêm gợi sự liên tưởng đến bộ phim về siêu lừa đảo nước Mỹ.
Tuy nhiên, câu chuyện đời thực của Khiêm lại khó có được cái kết có hậu như phim khi cậu đang bị công an và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Dư luận cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều về vụ việc này.
Vào tâm dịch bằng tâm sáng hay tâm trục lợi?
Trên mạng xã hội và ở phần bình luận của các bài báo, nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Quốc Khiêm đáng khen hơn là đáng trách. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhân lực y tế thiếu thốn trầm trọng, không chỉ các y bác sĩ mà các sinh viên ở các trường trung cấp, cao đẳng y tế cũng được kêu gọi tham gia chống dịch. Khiêm đã tình nguyện tham gia, làm việc tại trung tâm cách ly, nơi mà nguy cơ lây nhiễm rất cao và cường độ làm việc luôn ở mức vượt quá sức lực thông thường.
Hơn thế, Khiêm tỏ ra là có kỹ năng và kỹ năng dường như thành thạo tới nỗi Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 và bốn bác sỹ làm việc cùng không hề nhận ra điều bất thường gì ở anh ta. Khiêm còn đề xuất các phương án hiệu quả, thiết thực như dùng tầng trệt làm nơi chăm sóc bệnh nhân do gần và dễ quan sát. Khiêm cũng thành thạo trong việc lắp ráp và sử dụng máy móc thiết bị y tế điều trị bệnh.
Chỉ cho đến khi chính Khiêm xin nghỉ vì lý do "đi dạy online", thông tin Khiêm không phải bác sỹ mới đến tai các lãnh đạo trung tâm y tế.
Suốt quá trình Khiêm làm việc, Khiêm ký giấy tờ chuyển tuyến, kết luận bệnh, kê toa nhiều đến nỗi chính anh ta cũng không nhớ đã ký bao nhiêu tờ giấy. Đã có một y lệnh nào đưa ra khiến bệnh nhân bị thiệt hại hay không thì không ai biết. Trong số những bệnh nhân không may chuyển nặng hoặc tử vong, có ai là nạn nhân của những chỉ định hoàn toàn không có chuyên môn bác sỹ của bác sỹ giả Nguyễn Quốc Khiêm hay không cũng không ai biết. Trong lúc dịch bệnh tang thương ấy, thường người ta luôn nghĩ đó là số phận, ít ai nỡ trách móc các nhân viên y tế đang chiến đấu ngày đêm trong các khu cấp cứu, điều trị, cách ly. Nhưng không thể nói rằng, sai sót không có từ phía nhân viên y tế.
Vậy nên, dù Nguyễn Quốc Khiêm ban đầu có tình nguyện tham gia chống dịch bằng tâm sáng đi nữa, thì cái giờ phút mà anh ký giấy tờ không đắn đo vào những biên bản chuẩn đoán, kê toa, cái tâm sáng ấy đã không còn nữa rồi. Bởi bất kỳ một con người lương thiện nào cũng ý thức rất rõ cái giới hạn của bản thân trước sự sống còn của một con người khác để không làm liều, làm liều nhiều lần và làm liều một cách thản nhiên trong một quãng thời gian dài tới gần 3 tháng.
Khiêm có thể rất thành thạo các kỹ năng chăm sóc bệnh nhân như một điều dưỡng chuyên nghiệp, nhưng khi anh đưa ra các hành động như một bác sỹ, thứ mà anh không hề được đào tạo và không hề có kiến thức chuyên sâu, anh đã vô tình hay cố ý làm hại bệnh nhân. Bằng chứng là Khiêm từng bị một bác sĩ phát hiện cách lấy mẫu không đúng kỹ thuật và việc cậu lơ mơ trước các loại thuốc kháng virus. Một người thông minh có thể qua mặt nhiều bác sỹ khác lẽ nào không nhận thức được về sự nguy hại trong hành vi gian dối, lừa gạt của mình?
Không thể lấy sự nhiệt tình để bào chữa cho sự gian dối có chủ đích
Dù với động cơ gì thì việc Khiêm giả mạo loạt giấy tờ và tham gia công việc không thuộc phạm vi chuyên môn của mình cũng là vi phạm pháp luật. Đặc biệt với một công việc đặc thù như nghề y, có liên quan trực tiếp đến tính mạng con người thì sự chính trực, minh bạch càng được xem trọng.
Từ khi bùng dịch đến nay, dư luận đã quá mệt mỏi với những vụ bê bối, từ việc nâng giá kit test trục lợi đến vụ “bác sĩ rút ống thở của mẹ nhường bệnh nhân”. Nếu vụ “bác sĩ rút ống thở” chỉ là tin giả thì việc Khiêm giả mạo làm bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân là thật. Một bác sĩ giả, không đủ chuyên môn nhưng lại tham gia chữa bệnh cứu người có thể trở thành nỗi ám ảnh của những gia đình có người thân qua đời trong đại dịch.
Nguyễn Quốc Khiêm đã có hành vi gian lận.
Có thể Nguyễn Quốc Khiêm có cái tâm làm việc tốt nhưng chúng ta cũng không thể lấy sự nhiệt tình để bào chữa cho cái sai. Có câu “Nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại”, nếu không bị phát hiện, liệu hành vi giả mạo của Khiếm sẽ tiếp tục kéo dài đến bao giờ và liệu có gây ra hậu quả nghiêm trọng liên quan đến tính mạng bệnh nhân?
Không phải tự nhiên mà ngành y luôn có điểm đầu vào cao ngất ngưởng. Đây là một trong những ngành có sự cạnh tranh lớn, đòi hỏi những người muốn theo đuổi phải bỏ nhiều công sức học hành, khổ luyện. Trong khi đó, Khiêm từng chia sẻ cậu ôn thi đại học 2 lần không đỗ, học hệ trung cấp y sĩ nhưng đã nghỉ ngang. Nếu việc tự phong làm thạc sĩ – bác sĩ được bỏ qua dễ dàng thì sẽ không công bằng với những bác sĩ khác.
Có nhiều cách để tình nguyện chống dịch, tùy theo sức lực và trình độ chuyên môn của mỗi người. Nếu Nguyễn Quốc Khiêm thực tâm muốn giúp đời, cứu người, anh ta hoàn toàn có thể tiếp tục công việc với tư cách một tình nguyện viên. Không có ai lại từ chối một tình nguyện viên có tâm, xông xáo và thạo việc như Khiêm cả. Nhưng cách Khiêm hành động cho thấy dấu hiệu của sự hám danh và không thể không đặt nghi vấn trục lợi từ bệnh nhân Covid trong cảnh khốn cùng.
Có nhiều cách để tham gia tình nguyện.
Trong số những luồng ý kiến trái chiều, người thì bao dung, người thì lên án, cũng có những ý kiến đặt ra nghi vấn liệu Khiêm có đang bị cuốn vào thế giới ảo của mạng xã hội? Trước khi sự việc bị phát hiện, Khiêm còn được lên báo, được tuyên dương về thành tích chống dịch (bài báo hiện tại đã được gỡ bỏ).
Trong video trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TP.HCM, Khiêm thừa nhận:“Gia đình vẫn kỳ vọng vào em, nên em làm cái đó để gửi về gia đình thôi”. Cũng như Frank Abagnale trong Catch me if you can, làm đủ mọi thứ để hàn gắn gia đình tan vỡ, nhưng không thành.
Bên cạnh sự đam mê thật sự, nhiều người đến với nghề y vì đây là một trong những ngành được xã hội coi trọng, có thể khiến gia đình tự hào. Tuy nhiên để theo được ngành y, không chỉ cần cái tâm mà cái tầm cũng phải đủ.
Với những người làm công việc chữa bệnh cứu người, y đức và sự chính trực luôn phải đặt lên hàng đầu, chữa bệnh bằng cái tâm và cái tầm. Không nên vì chút danh vọng hão huyền mà lừa mình, dối người và có thể gây ra những hậu quả không lường trước.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất