Bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại khi con trai xin bảo lĩnh cho mẹ về chữa bệnh?

2022-10-07 13:21
- Theo luật sư Lê Ngọc Luân, trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng sẽ đánh giá về thái độ, ý thức của bà Nguyễn Phương Hằng, xem có nhận ra được vi phạm của mình, để quyết định cho tại ngoại hay không.

Mới đây, con trai bà Nguyễn Phương Hằng (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) vừa có đơn xin cứu xét gửi đến các cơ quan tố tụng. Theo đó, ông Tuấn xin các cơ quan tố tụng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình với lý do từ trước đến nay bà Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Dẫn chứng, ông liệt kê hàng loạt thư cảm ơn, bằng khen, giấy khen, giấy Tri ân …. của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội trao tặng để ghi nhận cho bà Hằng và công ty cổ phần Đại Nam.Ông Tuấn nhắc đến đến quỹ Hằng Hữu do mẹ mình là giám đốc điều hành có đóng góp công sức, ủng hộ, hoạt động nhân đạo.

Đáng chú ý, bản thân ông Tuấn chia sẻ thông qua luật sư ông biết trong quá trình điều tra vụ án, mẹ ông đã nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải và cam kết không tái diễn hành vi sai phạm.

Vì vậy, ông mong các cơ quan tiến hành tố tụng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất cho bà Hằng và xin được bảo lãnh cho mẹ tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án.

Bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại khi con trai xin bảo lĩnh cho mẹ về chữa bệnh?

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có đơn xin bảo lĩnh cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh.

Trao đối với P.V VietNamNet, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, việc xem xét cho tại ngoại hay không thì phải có nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải có điều kiện bảo lĩnh và người thực hiện hành vi bị cho là phạm tội có thái độ thành khẩn khai, ăn năn hối cải; có nơi cư trú ổn định, rõ ràng và phải có cam kết chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng khi có thư mời hoặc triệu tập để giải quyết vụ án. Điều này cơ quan tố tụng sẽ xem xét, đánh giá tất cả các yếu tố để quyết định cho tại ngoại hay không.

Về trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá thái độ, ý thức trong quá trình điều tra có nhận ra được sai phạm của mình hay không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc đánh giá của CQĐT và Viện kiểm sát.

Còn nếu bị bệnh, tùy từng trường hợp, cơ sở trại giam sẽ thực hiện việc khám chữa bệnh cho bị can, bị cáo; nếu rơi vào trường hợp bệnh nặng hoặc có dấu hiệu bệnh như tâm thần hoặc mất năng lực về hành vi thì phải trưng cầu giám định, mới biết được bị can, bị cáo có rơi vào trường hợp đó không.

Nếu kết quả trưng cầu giám định thể hiện bị can, bị cáo hạn chế về năng lực hành vi hoặc là có dấu hiệu tâm thần thì phải thực hiện chữa bệnh bắt buộc. Đối với trường hợp bị can Nguyễn Phương Hằng, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ thực hiện việc khám bệnh để xác định tình trạng bệnh của bị can.

Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết thêm trên báo Người Đưa Tin: Việc thực hiện biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh được hướng dẫn bởi Điều 21 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của VKSND Tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Trường hợp cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định, cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi VKS cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan công an mà cụ thể là Công an TP.HCM có quyền ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bà Hằng nếu xét thấy có thể áp dụng. Quyết định này phải được VKSND TP.HCM phê chuẩn.

Nếu biện pháp bảo lĩnh được chấp thuận, bị can sẽ được tại ngoại. Người đứng ra bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

Cũng theo Luật sư Việt, Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với họ gồm vợ, chồng; bố mẹ đẻ; bố mẹ chồng; bố mẹ vợ; bố mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; ông bà nội; ông bà ngoại; anh chị em ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

“Việc con trai nộp đơn xin bảo lĩnh cho bà Phương Hằng là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để bà Hằng có thể được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, cần thêm ít nhất một người thuộc nhóm "người thân thích" đứng ra bảo lĩnh cho bị can”, Luật sư Việt thông tin.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên