Thị trường Tết Đoan Ngọ bắt đầu nhộn nhịp

Hoàng Sa 2015-06-19 08:28
- Mặc dù cận Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), thời tiết oi bức nhưng các hàng rượu nếp rất đắt hàng.
Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là ngày giết sâu bọ) là cái tết thứ 2 của người Việt sau Tết Nguyên đán. Vào ngày này, người dân thường mua rượu nếp, các loại hoa quả về thắp hương, mong muốn một năm mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt.
Rượu nếp đắt hàng  
Sáng 4/5 âm lịch (trước Tết Đoan Ngọ 1 ngày), tại một số chợ như Cầu Giấy, Nam Trung Yên, Trung Kính,… rượu nếp được bày bán khá nhiều. Mỗi chợ có khoảng 5 – 7 tiểu thương ngồi bán, người ra người vào tấp nập.
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
Tại các khu chợ dân sinh, một số tiểu thương đã bắt đầu kinh doanh thêm mặt hàng rượu nếp.
Tay liên tục gói rượu nếp vào túi cho khách, chị Thanh – một tiểu thương tại chợ Trung Kính (Cầu Giấy) cho biết, từ sáng tới giờ chị đã bán được khoảng 50 cân rượu nếp. “Năm nay, nhiều gia đình có xu hướng mua đồ về thắp hương sớm. Người mua ít vài lạng, người mua nhiều thì cả cân. Nếp trắng có giá 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, nếp cẩm có giá 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg”, chị Thanh chia sẻ.
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
Nếp trắng và nếp cẩm là 2 món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt.
Cũng vào thời điểm hiện tại, quầy hàng rượu nếp của bà Hồng -  tiểu thương tại chợ Cầu Giấy tấp nập khách ra vào. “Năm nào cũng vậy cứ trước Tết Đoạn Ngọ 1 ngày, tôi lại nghỉ bán xôi và chuyển sang bán rượu nếp. Vì có thâm niên làm hàng gần 30 năm nên đa phần người tới mua là khách quen. Với kiểu thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay, khâu ủ men vô cùng quan trọng. Nếu không cẩn thận rượu rất dễ bị hỏng. Từ thời điểm ủ tới lúc mang bán cho khách mất khoảng 2 ngày. Rượu nếp cẩm (hay còn gọi là nếp tím) nguyên liệu đắt và có vị đặc biệt nên giá cao hơn rượu nếp trắng. Những người sành ăn thường chọn nếp tím bởi hương vị của nó rất đậm đà”, bà Hồng nhiệt tình tư vấn.
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
Một số bà nội trợ bắt đầu mua rượu nếp về cúng Tết Đoan Ngọ sớm.
Không chỉ bán tại chợ, nhiều người còn chở rượu nếp đi bán quanh các khu phố. Tranh thủ dịp Tết Đoan Ngọ, nghỉ mối hàng đồng nát, chị Ngọc (Thái Bình) rong ruổi trên chiếc xe đạp đi rao bán rượu nếp, kiếm thêm thu nhập. Chị Ngọc cho biết: “Ngồi một chỗ bán không quen khách so với các tiểu thương khác, lại còn mất tiền thu phí cho ban quản lý chợ. Cả năm mới có 1, 2 ngày, chỉ cần chịu khó đạp xe đi các tuyến phố, vào trong các con ngõ sâu là bán được hàng. Giá tôi bán ở đây chỉ chênh lệch vài nghìn so với mặt bằng chung. Thu nhập những ngày này cao gấp rưỡi so với đi nhặt đồng nát. Thời gian chỉ mất nửa buổi sáng”.
Hoa quả kiếm bộn tiền, mận khan hàng
Vào ngày “giết sâu bọ” bên cạnh mặt hàng rượu nếp, hoa quả cũng “đội giá” do được nhiều bà nội trợ lựa chọn.  
Tại khu chợ tạm Nam Trung Yên (Cầu Giấy) các mặt hàng hoa quả như dưa hấu, vải, xoài,… được bày bán nhiều. Theo khảo sát, giá mỗi cân vải dạo động từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg (cao hơn ngày thường 10.000 đồng). Dưa hấu có giá 15.000 đồng/kg (cao hơn ngày thường 3.000 đồng).
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
Các mặt hàng hoa quả đắt khách trước ngày Tết Đoan Ngọ.
Đặc biệt, trên các sạp hàng hoa quả năm nay, khan hiếm mặt hàng mận hậu. Khi được hỏi, chủ các sạp hàng cho biết, năm nay, dịp Tết Đoan Ngọ rơi vào thời điểm mận cuối mùa nên rất ít hàng. “Ngày bình thường, nhu cầu mua của người dân với mặt hàng này đã cao nữa là vào ngày giết sâu bọ. Hơn nữa, mận cuối mùa mua buôn đã hơn 50.000 đồng/kg về bán cũng phải trên 60.000 đồng/kg nên rất ít khách “chịu chi” bỏ tiền ra mua”, chị Hòa – một tiểu thương nói.
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
Tại khu chợ tạm Nam Trung Yên (Cầu Giấy), mận hậu được các tiểu thương rao bán với giá 60.000 đồng/kg. 
Bước vào một sạp hoa quả có bày bán mận, khi phóng viên hỏi mua, người bán “hét giá” 60.000 đồng/kg. Giải thích cho sự tăng giá này, chủ cửa hàng cho biết: “Ngày bình thường, giá mận bán ra đã cao, huống chi vào dịp lễ, tết. Việc tăng giá này, không phải do chúng tôi tự tăng, ngay tại chợ đầu mối, mặt hàng mận đắt từ mấy hôm nay rồi. Hàng chọn đầu, quả to, tròn có giá 60.000 đồng/kg. Hàng loại 2 chỉ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg thôi”.
Tết Đoan Ngọ: Kinh doanh rượu nếp bội thu
 Giá mận hậu quá đắt, nhiều chị em chuyển sang ăn mận được quảng cáo có nguồn gốc từ Sapa, giá bán 30.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các mặt hàng phục vụ cúng lễ trong Tết Đoan Ngọ như gà, vịt, rau xanh, thực phẩm… cũng rất đắt hàng. Thịt vịt sau khi làm sạch lông được bán với giá 70.000 đồng – 75.000 đồng/kg, thịt gà ta được bán với giá 120.000 đồng – 125.000 đồng/kg, thịt lợn giá 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg tùy loại,…
Theo quan niệm của người Việt, thịt vịt được ưa chuộng bởi vào ngày Tết Đoan Ngọ khí hậu thường nóng bức, vịt là con vật sống dưới nước, ăn vào giúp cơ thể mát mẻ, điều hòa âm dương, chữa được nhiều loại bệnh trời nắng nóng. Hơn nữa, việc mua vịt và hoa quả về thắp hương ngày Tết Đoan Ngọ là một cách lưu giữ phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Hoàng Sa
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 loại mặt nạ sẵn có trong nhà chăm sóc da khi trời nồm