Luật sư nói gì về nghi vấn trà sữa Felling Tea sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc?

2016-05-14 11:49
- Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện clip về quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của thương hiệu trà sữa Feeling Tea – một thương hiệu trà sữa nổi tiếng và quen thuộc đã khiến cho không ít người hoang mang.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đào Liên – Luật sư điều hành Công ty Luật Tiền Phong, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

 

Luật sư nói gì về nghi vấn trà sữa Felling Tea sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc?

Luật sư Đào Liên

Thưa bà, thương hiệu trà sữa Feeling Tea có một chuỗi hệ thống tại Hà Nội, mỗi ngày có lượng thực khách không nhỏ, trong đó phần lớn là các bạn trẻ sử dụng nhưng gần đây có clip cho thấy quy trình sản xuất trà sữa Feeling Tea không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với tư cách là một luật sư, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm là vấn đề được dư luận quan tâm một cách đặc biệt, gần như nó tạo nên sự lo lắng của toàn xã hội bởi tính chất nghiêm trọng và phổ biến. Với tư cách là một luật sư, tôi thấy đây là một thực trạng rất nguy hiểm, khi vấn đề an toàn toàn vệ sinh không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em đang trong độ tuổi phát triển. Vì vậy, trước những phản ánh của cơ quan báo chí hoặc của người dân, các cơ quan chức năng cần tổ chức xác minh, điều tra một cách nhanh chóng, minh bạch, xử lý nghiêm minh  những cơ sở sai phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cũng để bảo vệ cho các cơ sở làm ăn chân chính, tránh tình trạng người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, tẩy chay, quay lưng đối với mặt hàng nào đó, làm rối loạn thị trường.
Ngày 12/5, Đội quản lý thị trường số 26 chi cục QLTT Hà Nội và đội 5, phòng cảnh sát môi trường công an TP Hà Nội phát hiện một xưởng làm thạch trân châu tại số 137 Ngọc Hồi, Hà Nội và thấy các nguyên liệu đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy đơn vị này vi phạm luật gì?
Điều 5, Luật an toàn thực phẩm 2010 đã quy định: việc sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không đảm bảo an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm là những hành vi bị cấm. 
Tại thời điểm Đội quản lý thị trường số 26 chi cục QLTT Hà Nội và đội 5, phòng cảnh sát môi trường công an TP Hà Nội  kiểm tra, chủ cửa hàng bán trà sữa Feeling Tea trên đường Ngọc Hồi không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc lô hàng nên Đội quản lí thị trường đã tịch thu toàn bộ nguyên liệu để xử lí, theo bà cách xử lí đó có đúng luật?
Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an cấp tỉnh; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường đều có quyền tịch thu toàn bộ lô hàng là nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với điều kiện giá trị của lô hàng đó không vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của hai cơ quan này, cụ thể:
Điều 34 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định thẩm quyền xử lý hành chính của Công an nhân dân như sau:
Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt đến 20.000.000 đồng.
Điều 45 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt đến 25.000.000 đồng.
Vụ việc này sẽ gây hoang mang cho dư luận và chắc chắn với nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến không đảm bảo, chúng ta vẫn chờ các cơ quan chức năng đưa ra kết luận. Vậy với góc nhìn của một luật sư, bà thấy sự việc này cần được xử lí toàn diện như thế nào?
Tôi cho rằng trước tình trạng các cơ sở kinh doanh nhập lậu nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tạo ra “thực phẩm bẩn” bán kiếm lời bất chấp hậu quả đang diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay đã khiến cho người dân vô cùng hoang mang, lo lắng cần phải xử lý nghiêm, ngoài những biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, cần áp dụng cả những biện pháp khắc phục hậu quả cần thiết.
Các cơ quan chức năng cần coi đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, cần tổ chức xác minh, làm rõ để có kết luận sớm, trấn an tâm lý nhân dân. Các cấp, các ngành cũng cần quan tâm sát sao, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những nguyên liệu, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lan tràn ra thị trường. 
Việc chậm trễ trong đưa ra kết luận đối với những vụ “thực phẩm bẩn” khiến cho người dân xói mòn niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới nhiều hành động tự phát để bảo vệ mình có thể dẫn tới sự rối loạn của nền kinh tế, cuối cùng có thể gây ra rối loạn xã hội.
Đào Cư Phú

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 cô nàng khó cưa đổ nhất trong 12 con giáp