Nghe tên món ăn đã thấy "ngộ độc"
Thời gian gần đây, những món ăn có cái tên nghe thôi đã khiến nhiều người "giật mình" vì sự kỳ quái và khó hiểu. Văn hóa ẩm thực luôn chú trọng đến sự cân bằng giữa hương vị ngon miệng, giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, không ít món ăn dị biệt, khiến người nghe chỉ cần nghe tên cũng đủ cảm thấy "ngộ độc", lại bất ngờ trở thành trào lưu nổi bật.
Những món như mì trà sữa trân châu bắp bò, trà sữa cá khô, trà sữa hành lá hay trà chanh lòng heo... đều là những sự kết hợp có phần "kỳ dị" thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, tạo thành các video ăn thử triệu view. Những xu hướng ăn uống này, dù có phần "khó nuốt", lại dễ dàng trở thành "hot trend", nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ.
Mặc dù ai cũng hiểu rõ không ai thực sự có thể thưởng thức những món ăn này, nhưng nó lại chính là chiến lược câu lượt xem và "like" từ các quán ăn hay cửa hàng muốn quảng bá. Không ít người nhận thức rõ đây chỉ là những trào lưu "vô bổ", nhưng vì muốn không bỏ lỡ cơ hội, họ vẫn tham gia vào thử thách để kiếm thêm lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Liệu các trào lưu ẩm thực kỳ quái có ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực không?
Nghệ thuật chế biến món ăn luôn chú trọng đến sự cân bằng, hài hòa và giá trị dinh dưỡng, nhằm mang lại những trải nghiệm ẩm thực tốt nhất cho người thưởng thức. Tuy nhiên, với xu hướng theo đuổi những trào lưu ăn uống ngắn hạn, liệu chúng ta có đang bỏ qua những tác động tiêu cực của các món ăn kỳ dị, dẫn đến sự suy giảm trong văn hóa ẩm thực?
Những món ăn pha trộn kỳ lạ như mì trà sữa trân châu bắp bò hay trà sữa mắm tôm không chỉ phá vỡ thẩm mỹ còn tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe. Mặc dù vậy, những món này lại trở thành trào lưu được giới trẻ đua nhau thử nghiệm. Trong khi đó, ẩm thực không chỉ là nghệ thuật còn là sự phản ánh của lịch sử, văn hóa và mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, những trào lưu này là phản khoa học. Ông giải thích trà sữa vốn ngọt, thường được bổ sung thạch, trân châu để giảm độ ngọt. Tuy nhiên, khi kết hợp với các gia vị như lá hành hay mắm tôm, không chỉ làm mất cân bằng vị giác còn có thể gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, nơi mọi người tương tác, chia sẻ và xây dựng các xu hướng. Vì thế, những nội dung lan truyền trên mạng cần được giám sát và điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và thẩm mỹ của xã hội.
Các món ăn kỳ lạ như trà sữa mắm tôm, trà sữa mì bò trân châu hay trà chanh lòng heo không chỉ tác động đến thẩm mỹ còn làm thay đổi cách con người tiếp nhận giá trị văn hóa. Do đó, cần có sự điều chỉnh hợp lý để bảo vệ những giá trị cốt lõi của một xã hội văn minh, phát triển bền vững.
Khánh Chi (Tổng hợp)