Vừa trèo tường vừa ngủ, nửa đêm nhảy xuống tầng 1... gia đình chấn động khi biết căn bệnh ẩn đằng sau

Thu Hà 2017-09-14 06:45
- Bệnh mộng du có thể gây nên hậu quả đáng sợ nhưng không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ về căn bệnh này.

Bệnh mộng du và những bi kịch

Đưa con trai 10 tuổi của mình tới khoa Tâm thần và Tâm lý học, Bệnh viện Quân y 103, chị Bích Thủy không khỏi đau khổ trước tình trạng bệnh mộng du của con.

“Cháu thường bật dậy trong lúc ngủ, nói năng lung tung, đi lang thang trong nhà. Gia đình cho cháu đi khám khắp nơi nhưng vẫn không khỏi bệnh. Cách đây một tháng, cháu đang ngủ thì leo ra lan can, nhảy từ tầng 2 xuống đất”, chị Thủy cho biết.

Gãy tay, chấn thương sọ não vì... vừa trèo tường vừa ngủ

Đi lại trên lan can, người bệnh mộng du có thể bị ngã, chấn thương sọ não bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa. 

Rất may, cú ngã như trời giáng chỉ khiến cậu bé bị chấn thương phần mềm do được người nhà đỡ kịp. Nhưng con chị vẫn tiếp tục hành động mở cửa, trèo tường, đi lại trên lan can trong lúc ngủ. Cả nhà luôn trong tình trạng thấp thỏm lo sợ mỗi khi đêm về. Lo cho tình trạng của con, chị Thủy dẫn con đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì mới biết đó là biểu hiện của bệnh mộng du.

Nhiều năm điều trị cho người bệnh mộng du, PGS.TS – Đại tá Cao Tiến Đức, Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học, Bệnh viện Quân y 103 đã từng gặp nhiều bi kịch đau lòng do người bệnh và gia đình chưa có nhận thức đúng đắn về căn bệnh.

“Hiện tượng mộng du chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, sau đó người bệnh trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, trong lúc  mộng du người bệnh không ý thức được hành động của mình, leo trèo, chạy ra đường trong lúc ngủ nên tiềm ẩn mối nguy hiểm cho tính mạng. Đôi khi xuất hiện sự kích động, đàn ông hay có hành vi bạo lực hơn khi mộng du.

Tôi đã từng gặp không ít ca bệnh mộng du gây hậu quả ngã gãy tay chân, thậm chí chấn thương sọ não. Chỉ đến khi phải nhận hậu quả nghiêm trọng như thế, người bệnh mới biết là mình mắc bệnh mộng du. Và người nhà cũng mới chấp nhận cho người bệnh vào khoa tâm thần điều trị”, PGS.TS Cao Tiến Đức nói.

Một bi kịch khác người bệnh mộng du phải hứng chịu là những lời đàm tiếu, xì xào của mọi người xung quanh. Nhiều gia đình có người bệnh mộng du đã kể với PGS. Đức rằng họ thường bị xì xào do “ma dẫn”. Do nhận thức chưa đầy đủ về căn bệnh, gia đình đã nhờ thầy cúng “đuổi ma”, hoặc khám chữa lòng vòng ở các chuyên khoa khác chứ không nghĩ đây là một chứng bệnh do động kinh hoặc rối loạn giấc ngủ gây ra, cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần can thiệp kịp thời.

Nên cho người bệnh ngủ ở phòng không có đồ đạc

Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, để an toàn cho người bệnh, tốt nhất gia đình nên cho người bệnh ngủ ở tầng một, thay vì ngủ ở phòng trên tầng.

Bên cạnh đó, phòng ngủ của người bệnh mộng du không nên có nhiều đồ đạc, đặc biệt là những đồ có thể gây hại. Cửa phòng và cửa sổ cần được cài then, khóa lại cẩn thận khi người bệnh ngủ.

Gãy tay, chấn thương sọ não vì... vừa trèo tường vừa ngủ

PGS.TS – Đại tá Cao Tiến Đức, Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học, Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Thu Hà

“Khi cơn mộng du đến, người nhà không nên cố gắng đánh thức người bệnh. Hành động này có thể khiến họ bị kích động, gây thiếu ngủ cho người bệnh. Nếu người bệnh muốn vào nhà vệ sinh thì hãy đưa họ vào đó, sau đó dịu dàng đưa trở về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi người bệnh nằm lên giường”, PGS.TS Đức tư vấn.

Theo quan điểm của PGS.Đức, người nhà cần chấp nhận đây là một dạng bệnh lý động kinh, rối loạn giấc ngủ. Người bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, không ảnh hưởng đến học tập, làm việc hàng ngày. Uống thuốc từ 6 – 9 tháng sẽ đạt hiệu quả điều trị. Trong trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng thuốc hoặc động kinh, người bệnh cần được điều trị nội trú bằng phác đồ thích hợp.

“Tránh chữa bệnh bằng cách cúng bái, hoặc đưa người bệnh khám chữa lòng vòng ở nhiều nơi. Kéo dài thời gian tìm nơi điều trị, tức là làm tăng lên nguy cơ chấn thương cho người bệnh. Trong đó, chấn thương sọ não do bị ngã từ trên cao, bị xe cộ đâm khi chạy ra đường, chết đuối do ngã xuống sông suối là những hậu quả nghiêm trọng nhất người bệnh mộng du có thể gặp phải”, PGS. Đức cảnh báo.

Trong bài viết tiếp theo, bác sĩ sẽ tiếp tục đề cập đến căn bệnh mộng du với những câu chuyện kể về trường hợp bệnh nhân trèo lan can, hàng rào đi như ban ngày. Mời quý độc giả đón đọc trên Emdep.vn

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua