Trầm cảm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nhưng không phải tất cả các bà mẹ đều biết điều đó. Một số mẹ do thiếu hiểu biết mà không phát hiện ra tình trạng của con mình, dẫn đến việc điều trị muộn gặp nhiều khó khăn.
Trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi trầm cảm
Bệnh trầm cảm ban đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Chính vì thế nhiều mẹ không nhận ra con mình đang bị trầm cảm. Chị Thu Trang (Hoàng Mai – Hà Nội) phát hiện ra con có biểu hiện lạ, cho con đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị trầm cảm. "Thấy con có nhiều biểu hiện bất thường, tôi cho con đi khám thì biết cháu có biểu hiện của bệnh trầm cảm" – chị Trang nói trong sự dằn vặt và hối hận vì nghĩ đã không chăm sóc chu đáo nên con mới bị như vậy.
Bệnh của con chưa đâu vào đâu, chị Trang đã buồn lắm rồi mà người nhà lại thi nhau dồn vào trách móc chị. Mọi người trách chị là người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm… khiến chị lại càng hụt hẫng hơn.
Ảnh minh họa.
Chị chia sẻ, lúc đầu chị chỉ thấy con không được năng động như các bạn cùng lứa. Nhưng khi ấy chị lại nghĩ chắc cháu là con gái nên lành tính. Không ngờ đó là biểu hiện ban đầu của bệnh trầm cảm. Rồi đến khi các bạn bi bô tập nói, con chị vẫn chẳng có biểu hiện gì. Đến 2 tuổi, chị dần phát hiện con gái không bình thường. Ở tuổi này, những đứa trẻ khác thích gì là lao tới lấy đằng này con chị chỉ đứng chỉ, thích quá thì kéo tay mẹ nhờ lấy hộ. Ngoài ra, cháu không thích chơi 1 món đồ chơi nào ngoài cái công tắc đèn bị hỏng. Cháu có thể ngồi bật cái công tắc đó cả buổi mà không chán. Chị cho con đi bác sĩ tâm lý thì được kết luận cháu có biểu hiện trầm cảm, cần theo dõi thêm để có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ còn nói thêm, trẻ mắc bệnh trầm cảm không hoàn toàn là do trẻ không được quan tâm, chăm sóc chu đáo mà có thể do yếu tố di truyền kết hợp với nguy cơ của môi trường. Ví dụ khi mang thai mẹ bị nhiễm rubella con sinh ra cũng có thể mắc bệnh trầm cảm. Hoặc từ khi mang thai, vì lý do nào đó mẹ có ý định bỏ con, phân vân, đắn đo nhiều thì đứa trẻ được sinh ra cũng ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý.
"Trầm cảm mẹ vắng nhà" khiến trẻ hoảng loạn tâm lý
Hiện nay, tình trạng con nhỏ phải ở với người giúp việc hoặc về quê nội ngoại ở với ông bà để bố mẹ đi làm ăn xa là khá phổ biến. Chính vì hoàn cảnh như vậy mà nhiều trẻ bị mắc bệnh trầm cảm. Nhưng loại "trầm cảm mẹ vắng nhà" này là hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu trẻ được bù đắp tình thương của mẹ liên tục trong vòng từ 3 tới 6 tháng.
Như gia đình anh Dương (Sơn Tây – Hà Nội) là một ví dụ. Khi con trai tròn 2 tuổi, anh chị gửi con về quê để ông bà chăm sóc. Nhưng về ở với ông bà được một thời gian thì con xuất hiện hiện tượng nôn trớ, khó ngủ, chán ăn triền miên, dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Không những thế, bé lúc nào cũng buồn rầu, chẳng nói chẳng cười, không nghịch ngợm và rất ngại vận động. Đi khám nhiều lần bác sĩ mới tìm ra bệnh của con. “Mải công việc, mải lo kinh tế mà chúng tôi quên mất trách nhiệm của mình khiến con bị thiệt thòi. Từ ngày phát hiện con bị như vậy, chúng tôi lại quyết định đón con đi để bù đắp cho con” – anh Dương tâm sự.
Quyết định này của anh Dương là hoàn toàn đúng. Bởi chỉ sau 1 thời gian con được ở cùng cha mẹ, bé đã dần trở nên nhanh nhẹn, bình thường. Qua kiểm tra, anh chị được biết con mình may mắn chỉ bị mắc “trầm cảm mẹ vắng nhà” thôi chứ không phải trầm cảm bệnh lý khó chữa.
Làm thế nào để con không bị trầm cảm?
Con cái cần phải được nhận tình thương, sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ. Đó là mối gắn kết không thể thay thế
. Các bậc phụ huynh cần nhớ, dù ông bà, người thân có yêu thương trẻ tới đâu cũng không thể nào thay thế được tình thương của cha mẹ đối với con cái. Vậy nên, bạn cần hạn chế tối đa việc tách con ra khỏi bố mẹ, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Hãy chăm sóc trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Bà mẹ mang thai cần giữ gìn sức khỏe tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh và một tinh thần thoải mái nhất khi mang bầu.
Những năm đầu đời của trẻ, ngoài sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ, trẻ nhỏ cần được chăm sóc bằng 1 chế độ dinh dưỡng đầy đủ để phát triển toàn diện.
Trẻ bị trầm cảm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều trường hợp là do ảnh hưởng kí ức tuổi thơ bị đánh đập, bị lạm dụng. Cũng có trẻ phải lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó hoặc có bố mẹ bị bệnh về thần kinh. Vì thế bạn cần tạo cho con một môi trường lành mạnh nhất, vui vẻ nhất để tâm lý của con không bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, khi thấy con có biểu hiện bất thường, các bậc phụ huynh cần cho con đi khám ngay để sớm phát hiện ra bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Hạnh Vân
Chuyện Showbiz: Hot girl Thúy Vi khoe vòng 1 căng đét - Hòa Minzy chia sẻ chưa cho con trai gần 2 tuổi học tiếng Anh