Ô nhiễm không khí ở Việt Nam: Trẻ dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Tin liên quan
Báo động tình trạng ô nhiễm không khí
Hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, thi công xây dựng và sinh hoạt ở Việt Nam đã phát sinh ra khói bụi, nhiều chất độc hại gây ô nhiễm không khí. Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu môi trường của Trường Đại học Yale và Đại học Columbia của Mỹ đã công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, cho rằng Việt Nam là 1 trong 10 nước có không khí bị ô nhiễm nhất thế giới.
Tại các thành phố lớn, ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn rất lớn. Như tại Hà Nội, gần đây nhất, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ ngày 27/2/2016 đến 2/3/2016, giá trị bụi PM10 và PM2,5 quan trắc được ở Hà Nội tại một số thời điểm tăng cao, vượt cả quy chuẩn cho phép. Trong khi đó, bụi PM2,5 là các hạt bụi có đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào các phế nang phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp.
Còn tại TP.HCM, Báo cáo của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM năm 2015, cho thấy chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), tiếng ồn và bụi… trong không khí thành phố này đang ở mức báo động. Thời gian vừa qua, TP.HCM cũng xuất hiện các đợt “mù khô” dày đặc, được các chuyên gia y tế đánh giá là rất có hại cho sức khỏe.
Theo các nghiên cứu, có bảy loại bệnh liên quan mật thiết với ô nhiễm không khí: bệnh ung thư, bệnh hô hấp, bệnh hệ tuần hoàn, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh hệ thần kinh, ngộ độc, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Trong đó, những năm gần đây, các bệnh nhân nhập viện do bị bệnh về hô hấp là cao nhất. Theo kết quả thống kê của Bộ Y tế, cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; có 3,8% người viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.
Tích tụ chất độc hại trong cơ thể và phát bệnh
Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm không khí với khói, bụi chứa chất độc hại sẽ đi qua miệng, qua mũi, qua da vào cơ thể con người và đi vào hệ thống hô hấp, hệ tiêu hoá và hệ thống tuần hoàn huyết dịch. Có chất độc hại sẽ khiến cơ thể phản ứng ngay, nhưng cũng có những chất không gây tác động tức thì mà sẽ tích tụ bên trong cơ thể. Mặc dù những chất này đi vào trong cơ thể với nồng độ thấp nhưng do ngấm lâu ngày rồi trải qua quá trình tích luỹ sẽ thành lượng lớn, có nồng độ cao và gây ra bệnh.
Nếu các chất độc hại có trong không khí ô nhiễm mà đi vào cơ thể của phụ nữ có thai thì chúng có thể thông qua cuống nhau rồi ảnh hưởng tới thai nhi, gây ra tình trạng quái thai, thai nhi khuyết tật, mắc bệnh tim bẩm sinh…
Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển và hoàn toàn bị thụ động trước các ảnh hưởng có hại của môi trường do người lớn gây ra. Trước đây rất hiếm trường hợp trẻ 2 tuổi bị hen phế quản, còn nay những trường hợp này ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn.
PGS. TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên và nó chính là “thủ phạm” gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp nên sẽ chịu tác động đầu tiên của ô nhiễm không khí, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi, xoang…
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, các thành phố lớn bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp 4 – 5 lần so với các đô thị khác. Các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp như viêm phổi, ung thư phổi, vòm họng, mũi… đều có nguyên nhân rất lớn là do ô nhiễm không khí.
Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam, ô nhiễm không khí cũng tác động đến tim mạch. Cụ thể, các chất độc hại sẽ xuyên qua màng lọc của phổi, vào trong máu, làm tăng độc tố trong máu. Các độc tố này sẽ ngấm vào các thành mạch gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Về lâu dài, chúng gây ra các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…
Minh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất