Nhờ phương pháp này, bệnh nhân suy thận có thể lọc máu ngay tại nhà hoặc đi du lịch
Tin liên quan
Theo GS. Nguyễn Nguyên Khôi, Nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, lọc thận được chỉ định cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng 72.000 người mắc bệnh suy thận mãn tính. Trong đó chỉ có 1/3 bệnh nhân tới viện chạy thận còn lại 2/3 bệnh nhân ở nhà chờ chết.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối bắt buộc phải lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận. Trong đó lọc máy chu kỳ là phương pháp được chọn nhiều thay vì ghép thận do không tìm được người cho…
Phương pháp lọc thận màng bụng giúp cho bệnh nhân có thể lọc máu tại nhà và ngay cả đi du lịch, ảnh minh họa.
Trả lời thông tin bệnh nhân suy thận mãn có thể lọc máu ngay tại nhà và cả khi đi du lịch không nhất thiết phải đến bệnh viện. GS. Khôi cho rằng phương pháp chạy thận được nhắc tới trên là lọc thận màng bụng. Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.
Lọc thận màng bụng có rất nhiều ưu điểm cho bệnh nhân do có thể thực hiện tại nhà. Bệnh nhân sẽ không mất thời gian đi lại, chi phí nằm viện thuê nhà, chăm sóc… giảm được quá tải bệnh viện.
“Lọc màng bụng cần thiết được đẩy mạnh vì giá cả giá thấp hơn chạy thận nhân tạo, tận dụng màng bụng sẽ đỡ chi phí cho bệnh nhân. Sử dụng phương pháp lọc màng bụng không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của bệnh nhân, bệnh nhân vẫn đi làm, đi du lịch như người bình thường”, GS. Khôi nói.
Màng bụng của bệnh nhân sẽ đóng vai trò như một máy chạy thận nhân tạo để lọc các chất độc ra ngoài cơ thể. Với phương pháp này mỗi tháng bệnh nhân chỉ phải tới viện một tháng để kiểm tra và lấy dịch.
Chống chỉ định với bệnh nhân nào
GS. Khôi cho hay lọc màng bụng thực hiện rất đơn giản, bệnh nhân được đặt ống catheter tại vùng bụng - là đường dẫn đưa dịch lọc vào ổ bụng. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn các thao tác tại bệnh viện, khi thành thục sẽ được xuất viện, điều trị tại nhà.
Trong một ngày, bệnh nhân suy thận mãn thực hiện khoảng 4 lần lọc màng bụng, đưa khoảng 2 lít dịch vào ổ bụng mỗi lần, thoài gian thực hiện 30 phút. Dịch lọc sạch được đưa vào ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định ra ngoài.
Phương pháp lọc màng bụng được áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em giảm nguy cơ mất máu và lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm hơn so với chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên cũng có một số lưu ý nhất định chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân bất thường về màng bụng và thành bụng thoát vị rốn, thoát vị cạnh rốn bẩm sinh, thoát vị hoành, rò bàng quang…), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), màng bụng không có chức năng lọc, nhiễm trùng da hay thành màng bụng, rò rỉ màng bụng….
Khi thực hiện thao tác tại nhà cần chú ý đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Nếu không vô trùng tốt, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, nếu bị viêm phúc mạc có thể tử vong, hoặc bệnh nhân bị tắc Catheter lúc đó sẽ phải chuyển sang thận nhân tạo.
“Nếu bệnh nhân lọc máu tại nhà có những biểu hiện sốt, đau bụng, đi ngoài, dịch lọc hồng hoặc chảy nước đục… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế”, GS. Khôi nói.
Chi phí cho một ca phẫu thuật đặt Catheter khoảng 4-5 triệu đồng phụ thuộc vào kỹ thuật và kỹ thuật mổ. Chi phí dịch lọc, thuốc, vật tư khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo đúng quy định.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất