Ngủ ngáy không chỉ gây phiền phức mà còn dẫn đến hậu quả khủng khiếp này, ai có tật này chớ chủ quan
Tin liên quan
Cứ tưởng chỉ có đàn ông mới ngáy to khi ngủ. Hóa ra không ít chị em cũng mắc “tật xấu” này khi lên giường. Anh Minh Khang (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) không đêm nào ngủ ngon giấc vì vợ mắc chứng ngủ ngáy.
Vợ anh Khang cứ đặt mình là ngáy khò khò bên tai làm anh không ngủ nổi. “Nhiều lần tôi phải đập vai, lay lay cho vợ khỏi ngáy. Nhưng chỉ được một lúc cô ấy lại ngáy tiếp. Thế nhưng sáng hôm sau khi nghe tôi kể lại chuyện, cô ấy giãy nảy bảo mình không hề ngáy”, anh Khang bực bội.
Ngủ ngáy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, chuyên ngành Thính học, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với PV Emđẹp, ngủ ngáy là trường hợp khá phổ biến trong từng gia đình và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, mọi người thường không coi ngủ ngáy là bệnh lý mà chỉ nghĩ đó là tật xấu. Chính vì suy nghĩ sai lầm đó nên bỏ qua khâu khám và điều trị chứng bệnh tế nhị này.
Bác sĩ Hải đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 10 tuổi với lý do ngủ ngáy ầm ầm “như sấm” khiến cả nhà không ai ngủ được. “Không ai nghĩ cháu bị ngủ ngáy do nguyên nhân amidan viêm mãn tính quá phát trên nền cơ địa thừa cân béo phì. Cháu bé được chỉ định cắt amidan giải phóng đoạn hẹp ở hầu họng, thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm béo. Sau một thời gian cháu tái khám, bố mẹ cháu phấn khởi vô cùng vì con hết ngủ ngáy hoàn toàn”, Bác sĩ Nguyễn Văn Hải kể.
Những ai dễ mắc bệnh ngủ ngáy?
Theo bác sĩ Hải, ngủ ngáy xảy ra khi luồng không khí đi từ chỗ rộng qua chỗ hẹp trong hầu họng bị cản trở và phát ra âm thanh. Tùy độ hẹp mà tiếng ngáy to nhỏ khác nhau.
“Người béo phì là đối tượng hàng đầu dễ mắc phải bệnh ngủ ngáy do các lớp mỡ dày làm thay đổi cấu trúc đường thở. Thứ hai là người có amidan quá to. Nhất là ở trẻ em vùng khẩu hầu vốn dĩ đã hẹp lại có amidan to càng dễ ngủ ngáy.
Bên cạnh đó, người bị viêm mũi xoang, uống thuốc an thần, say rượu, dị dạng bẩm sinh như lưỡi to, cổ họng hẹp, cuống họng dài; người nghiện thuốc lá, người già bị chảy xệ các mô cơ, tạo thành đoạn hẹp trong đường thở đều là những người có nguy cơ cao mắc bệnh này”, Bác sĩ Hải cho biết.
Chứng ngủ ngáy không chỉ gây phiền phức cho người xung quanh mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.
Ngủ ngáy ở cấp độ nhẹ và vừa, chỉ cần thay đổi tư thế ngủ là hết ngáy thì người bệnh ít bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, ở cấp độ nặng, người bệnh vẫn ngáy rất to mặc dù đã thay đổi tư thế thì sẽ gây nhiều phiền phức cho người xung quanh và tác hại nhất là họ có thể tử vong do ngưng thở trong giấc ngủ”, Bác sĩ Hải cảnh báo.
Cũng theo bác sĩ Hải, bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị.
Bệnh ở cấp độ nhẹ, người bệnh có thể kết hợp giảm cân (nếu thừa cân), tránh ăn tối quá muộn, bia rượu và lạm dụng thuốc an thần. Khi ngủ, người bệnh nên nằm nghiêng, hạn chế nằm ngửa.
Giảm cân bắt buộc nếu bệnh ngủ ngáy ở mức độ nặng.
Nếu bệnh đã ở cấp độ nặng, người bệnh cần phải thực hiện giảm cân bắt buộc và thực hiện phẫu thuật giải phóng đoạn hẹp.
“Tốt nhất khi phát hiện người thân mắc bệnh ngủ ngáy, tốt nhất gia đình nên đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị sớm nhằm tránh những hệ luỵ đáng tiếc”, Bác sĩ Hải khuyến cáo.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất