Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

2018-04-23 14:00
- 26 năm sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, mười mấy năm vật lộn với chứng tự kỷ của con, nữ nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu tưởng chừng chẳng còn nước mắt để khóc. Vậy mà chị vẫn mạnh mẽ bắt đầu một hành trình mới dành cho trẻ tự kỷ khi trở về Việt Nam.

Những ngày mẹ lầm lũi ôm đàn, ôm con trong nước mắt

Ngày con trai đầu lòng chào đời, chị Nguyệt Thu không bao giờ tưởng tượng nổi cuộc đời chị sẽ có những ngày khủng hoảng đến thế! Con đẹp như một thiên thần, ăn ngủ ngoan ngoãn, thậm chí con ngoan đến nỗi muốn ăn là gõ “cốc cốc” chiếc bình bú vào thành giường.

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu, người mẹ đã giúp con trai mắc chứng tự kỷ hòa nhập cuộc sống bằng âm nhạc và tình yêu thương. 

Nhưng càng lớn, con càng biểu hiện bất thường. Chị không hiểu tại sao con không nói được, rồi cứ lao vào cấu xé mẹ. Chị khóc vì không biết phải làm gì để hiểu “con đang muốn gì”?

Vì không hiểu nên nhiều lúc, chị đánh con, gò ép con theo ý mình và kết quả vẫn thật tệ. Chị Thu nhớ như in cái ngày cả hội đồng bác sỹ tại Hà Lan kết luận con chị bị tự kỷ.

“Đó là năm con trai lên 4 tuổi. Cầm tờ giấy kết luận trên tay, tim tôi thắt lại như có dao cứa. Vì sao con không nói được, không chơi được, không ăn ngủ, thể hiện cảm xúc được bình thường như các bạn cùng lứa?”, chị Thu nhớ lại.

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Nụ cười của con là động lực giúp chị có thêm tinh thần "chiến đấu". 

Mặc dù là một nghệ sĩ sống tại nước ngoài nhưng với hoàn cảnh một mình vật lộn khắp nơi để điều trị cho con, đã có lúc chị sống lay lắt với tài khoản trong tình trạng “âm”. Có những ngày chị lầm lũi ôm con và cây đàn đi trong nước mắt…

Những năm tháng một mình nuôi con tự kỷ ở xứ người, chị phải chịu đủ thứ điều tiếng “mẹ không biết dạy con”. Cô độc, bế tắc, chị cảm giác mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

Khi đó, âm nhạc không chỉ giúp chị kiếm sống mà còn nâng đỡ tâm hồn chị. Chị kể đã hát rất nhiều mỗi khi bất lực, tuyệt vọng. Sau này chị nhận ra, cất tiếng hát là cách hữu hiệu giúp mẹ có con tự kỷ điều hòa cảm xúc.

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Trong thế giới tăm tối ấy, niềm tin sáng lên le lói khi chị bắt gặp khoảnh khắc con đưa tay hứng từng giọt nắng hiếm hoi bên khung cửa sổ. Con nở nụ cười mãn nguyện, đưa bàn tay đầy nắng lên mũi để ngửi, như thể đang ngửi một đóa hoa thơm.

Chị chợt giật mình: “Biết đâu nắng có mùi mà mình không biết? Lẽ nào trong khi mẹ vật lộn tìm mọi cách để thay đổi con thì con đã hạnh phúc với chính bản thân mình? Hóa ra mẹ không thể chữa bệnh cho con nếu như chính mẹ cũng đang bị “tâm bệnh”.

Tan chảy khoảnh khắc “con yêu mẹ”

Trong khoảng thời gian chữa trị cho con, chị tình cờ gặp Goncalo Cabrito, một người đàn ông Bồ Đào Nha với làn da ngăm đặc trưng.

Tan vỡ trong cuộc hôn nhân đầu đời, lại một mình nuôi con, trái tim chị tưởng như khép chặt lại. Nhưng với Goncalo Cabrito, việc chị Thu có con tự kỷ không thành vấn đề. Anh ấy có một người em họ bị bệnh Down và anh thấu hiểu những khó khăn mà hai mẹ con chị phải đối mặt.

Anh đã chủ động cùng chị chăm sóc, dạy dỗ con. Quá trình trị liệu cho con đã giúp chị nhận ra nghe đúng loại âm nhạc, không gây kích động thì tâm trạng con bình yên hơn và sự bình yên đó là liều thuốc tốt giúp con hồi phục.  

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Bằng tình yêu thương và điều trị đúng phương pháp, con trai tự kỷ của của chị Thu đã có thể nói bốn thứ ngôn ngữ khác nhau. 

Chị nhận ra: “Thật ra trẻ có cách cảm nhận cuộc sống, bày tỏ yêu thương theo cách của mình. Con cần thời gian, chỉ cần con vẫn bập bẹ bật âm, hét được là vẫn có hy vọng con nói được. Cho nên, mẹ hãy thư thái chờ đợi. Rồi sẽ có một ngày con nói!”.

Chị đã bật khóc khi lần đầu tiên nghe con trai bập bẹ nói “con yêu mẹ”. Khoảnh khắc hạnh phúc đó neo đậu trong tim, khiến chị có con tự kỷ thêm động lực để “chiến đấu”. Kiên nhẫn trị liệu bằng âm nhạc và tình yêu thương, từ một đứa trẻ luôn cần có người trông chừng, con chị đã có thể tự phục vụ bản thân và tới trường. Từ một cậu bé không thể nói, con chị đã có thể nói được 4 thứ ngôn ngữ khác nhau.

Ngôi trường trị liệu cho trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Chị muốn cùng Goncalo Cabrito trở về Việt Nam để chăm sóc cha và làm điều gì đó cho Tổ quốc. Trở về Việt Nam, chị đã cùng những người bạn thành lập nhóm tứ tấu Apaixonado chuyên biểu diễn nhạc cổ điển theo phong cách mới.

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Nhóm tứ tấu Apaixonado chuyên biểu diễn nhạc cổ điển theo phong cách mới.

Thế nhưng chương trình dành cho trẻ tự kỷ “Bình minh cho em” hồi tháng 5/2015 lại đưa nữ nghệ sĩ sang một lối rẽ khác. Bằng hành trình chữa bệnh cho con trai mình, chị muốn những đứa trẻ tự kỷ tại Việt Nam cũng có cơ hội được phục hồi.

Sau bao nỗ lực, ngày 6/6/2015, với sự đồng hành của những người chung chí hướng, ngôi trường Sunrise For Art (hay còn gọi là SforA School) - trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á, ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dùng nghệ thuật và vận động để trị liệu chứng tự kỷ của trẻ em ra đời.

“Trẻ tự kỷ cảm thấy khó chịu trong người nhưng do giới hạn khả năng biểu lộ cảm xúc, không cảm nhận được cơ thể của mình một cách chính xác nên con chỉ biết la hét, đập phá, tự cào cấu mình hoặc người khác để giải tỏa, hoặc chạy như thiêu thân khắp nhà. Cha mẹ quá bế tắc nên rất dễ quát tháo, đánh đập con.

Thực tế không ít bé đến đây với ánh mắt lấm lét, sợ hãi vì bị đánh quá nhiều. Để tiếp cận các con không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu dùng đúng phương pháp và đủ tình yêu thương thì nụ cười sẽ trở lại trên môi các con”, chị Thu nói.  

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế “không còn nước mắt để khóc” và hành trình “gõ cửa” tâm hồn trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

Một buổi biểu diễn âm nhạc đường phố của nghệ sĩ Nguyệt Thu tại phố đi bộ. 

Ở SforA, chị Thu dành 50% thời gian để trị liệu tâm hồn cho các con bằng âm nhạc và vận động. Âm nhạc sẽ kích hoạt hầu hết các vùng não bộ. Sau khi trị liệu, trẻ sẽ được học tất cả các bộ môn như văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, tiếng Anh…

Lớp học không có tiếng khóc, không có chuyện các bé đánh nhau, mà chỉ có tiếng cười trong trẻo, cái ôm vỗ về cùng những bản nhạc. Tùy vào mỗi đứa trẻ mà giáo viên đưa ra phương pháp tiếp cận, trị liệu thích hợp. Chị Thu tin bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, nhất định một ngày nào đó, đứa trẻ sẽ bộc lộ khả năng theo cách của riêng mình.

Sự hồi phục của trẻ chính là phần thưởng lớn nhất cho chị Thu và các cô giáo. Sau tất cả, chị nhận ra việc gắn bó với trẻ tự kỷ cũng là cách để chị không từ bỏ đam mê . Dù vất vả nhưng chị vẫn là người nghệ sĩ viola phiêu với cây đàn trên sân khấu. Chỉ khi đó, trái tim chị mới có thể đập đúng nhịp để chia sẻ yêu thương cùng những đứa trẻ.  

Thu Hà

(Ảnh: NVCC)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hồ Ngọc Hà - mỹ nhân có hồ sơ tình ái ồn ào và cái kết viên mãn