Lý do khiến trẻ tự kỷ có những hành động kỳ quặc, lạ thường, bố mẹ chớ vội nghĩ con không nghe lời

2017-10-16 11:30
- Trẻ bị tự kỷ thường có những hành động kỳ quặc hay thậm chí là thiếu hợp tác khiến cho người ngoài nhìn vào thường đánh giá là trẻ hư thân, không nghe lời.

Bất cứ ai cũng có thể bị tự kỷ

Tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời, do những rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể gặp ở bất cứ ai không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Oanh, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngữ âm trị liệu (Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam) cho hay, trẻ tự kỷ có những hành động “kỳ quặc” như: đi lại bồn chồn, vẫy tay, nói một mình, la hét, cười không rõ nguyên nhân, hay tức giận… Bản thân trẻ không cố ý làm những điều đó và điều khiển được điều đó xảy ra. Bởi vì, trẻ tự kỷ gặp phải rất nhiều những vấn đề rối loạn về cơ thể. Trẻ sẽ rất khó khăn khi xử lý các thông tin bằng giác quan, do vấn đề rối loạn cơ quan cảm nhận của cơ thể không thể truyền tới não dẫn đến những hành động kỳ quặc.

Vì sao trẻ tự kỷ lại có những hành động kỳ quặc, khác lạ?

Trẻ tự kỷ là do có những vấn đề rối loạn cơ quan cảm nhận của cơ thể không thể truyền tới não.

Tới thời điểm hiện tại, có hai nhóm nguyên nhân lớn gây nên tự kỷ là do bẩm sinh và yếu tố môi trường. Yếu tố môi trường làm cho cấu trúc gen và sự hình thành của não bộ có sự thay đổi. Trong đó, một nhóm gen nào của bố mẹ khi gặp nhau gây ra hiện tượng bất thường hoặc trong quá trình sinh nở bé bị sang chấn ngạt nên thiếu oxy ảnh hưởng tới não.

“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được nguyên nhân trẻ tự kỷ liên quan tới yếu tố gen nhiều hơn. Ví dụ, trẻ sinh đôi dễ tự kỷ nhiều hơn hoặc một đứa trẻ tự kỷ thì trong dòng họ đó cũng có người mắc phải hay số lượng tự kỷ ở bé trai nhiều hơn bé gái…”, chị Hoàng Oanh nói.

Bố mẹ không quan tâm con dễ bị tự kỷ?

Nói về quan điểm của nhiều người cho rằng trẻ bị tự kỷ là thiếu sự quan tâm của bố mẹ, chị Hoàng Oanh khẳng định: “Học thuyết người mẹ “tủ lạnh” khiến con bị tự kỷ đã bị bác bỏ hoàn toàn. Đã có rất nhiều người mẹ đã bật khóc khi con mắc tự kỷ bị mọi người quở trách do không quan tâm tới con cái".

Theo chị Hoàng Oanh, bố mẹ không quan tâm tới con có thể không phát hiện được dấu hiệu con mắc tự kỷ sớm. Ngay khi phát hiện con có những dấu hiệu bất thường cần can thiệp càng sớm càng tốt. Điều trị tự kỷ chỉ làm cho trẻ tốt hơn chứ không thể khỏi được hoàn toàn.

“Nhiều người cho rằng giai đoạn 0-3 tuổi là thời kỳ vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ, điều này chưa hoàn toàn đúng. Vì giai đoạn từ 0-3 tuổi không chỉ dành riêng cho trẻ tự kỷ mà cho mọi đứa trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ học những kỹ năng và nhận biết rất tốt nhưng nếu phát hiện con mắc tự kỷ khi hơn 3 tuổi vẫn cần các biện pháp can thiệp”, chị Hoàng Oanh cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới cứ 160 trẻ có 1 trẻ bị tự kỷ. Những dấu hiệu sớm phát hiện bệnh tự kỷ

6 tháng tuổi chưa biết cười lớn hoặc thể hiện vui mừng

9 tháng tuổi chưa biết đáp ứng lời nói, biểu cảm khuôn mặt

12 tháng tuổi chưa biết nói bập bẹ, chưa có các điệu bộ cử chỉ như với, cho xem, vẫy tay

16 tháng tuổi chưa nói được từ nào

24 tháng tuổi chưa biết nói cụm hai từ (kể cả nhại lại hay bắt chước)

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những điều cần lưu ý khi tắm vào mùa lạnh