Mẹ Việt ở Mỹ dạy con từ TRẺ TỰ KỶ trở thành học sinh XUẤT SẮC NHẤT LỚP
Tin liên quan
Nhìn cậu bé Armani (7 tuổi) mải mê tưới tắm, vun trồng những luống hoa trong vườn cùng mẹ ít ai biết cậu mắc hội chứng tự kỷ khi được 1,5 tuổi. Đặc biệt, nhìn bảng thành tích của Amani ở trường, là học sinh xuất sắc nhất lớp có lẽ nhiều người không thể tin được. Thế nhưng, để có được thành tích ấy là một quá trình dài của vợ chồng chị Jacqueline Đỗ (California, Mỹ) suốt gần 6 năm trời chị đồng hành cùng con, chở con đi luyện tập 27 tiếng/tuần và tích cực tham gia các khóa học về tâm lý, cách nuôi dạy trẻ tự kỷ,...
Chị Jacqueline Đỗ và con trai trong các buổi dã ngoại khám phá.
"Khi hay tin con trai bị tự kỷ, hôm đó với tôi là ngày tận thế"
Chị Jacqueline Đỗ sinh ra ở Lâm Đồng, Đà Lạt. Lớn lên, chị kết hôn và sinh sống ở Mỹ. Hiện nay, chị đã có tổ ấm nhỏ hạnh phúc với 2 bé (bé gái lớn 9 tuổi, bé trai 7 tuổi) ở tiểu bang California.
Kể về chàng trai nhỏ Armani, chị Jacqueline Đỗ tâm sự, vợ chồng chị phát hiện Armani bị tự kỷ từ khi con 18 tháng tuổi. Khi ấy, Armani từ một cậu bé vui vẻ, dễ tính, dễ ăn từ từ trở thành đứa trẻ hay cáu bẳn, khóc lóc và đeo bám cha mẹ. Con hay khóc đêm, ít ngủ, cực kỳ kén ăn...và đặc biệt, con từ đứa trẻ đã có vốn ngôn ngữ vài chục từ vựng, biết giao tiếp, đột nhiên không nói được âm nào ngoài “A… A”.
Sau khi đưa con đi khám bác sĩ, vợ chồng chị như rơi xuống "vực sâu" khi nghe bác sĩ nói con trai mắc hội chứng tự kỷ. “ Khi hay tin con trai bị tự kỷ, hôm đó với mình là ngày tận thế”, chị Jacqueline Đỗ nhớ lại.
Hai bé nhà chị Jacqueline Đỗ.
Gạt đi giọt nước mắt cũng như biết không ai hiểu con bằng chính cha mẹ, chị quyết tâm cho con can thiệp. Vậy là một tuần, chị "đầu tắt mặt tối" làm việc 40 tiếng/tuần rồi chở con đi luyện tập 27 tiếng/tuần và tích cực tham gia các khóa học về tâm lý, cách nuôi dạy trẻ tự kỷ,...
“Vợ chồng mình biết bác sĩ tâm lý có giỏi thì mỗi lần gặp khám cũng chỉ ngắn ngủi, còn cha mẹ vẫn là người ở bên con nhiều nhất nên vợ chồng mình quan sát nhân viên trị liệu dạy con để học cách dạy trẻ tự kỷ dù chỉ ở mức căn bản.
Khi mình có kỹ năng, có quan sát, mình sẽ nhận ra khiếm khuyết của con nằm ở chỗ nào. Vợ chồng mình trao đổi với người quản lý, yêu cầu họ lên chương trình luyện tập phù hợp.
Armani nói lại được vào lúc 3 tuổi rưỡi, gọi là biết nói chứ câu cú còn lủng củng và diễn đạt vấn đề mông lung khó hiểu lắm”, chị Jacqueline Đỗ chia sẻ quá trình bắt đầu đồng hành cùng con.
Với chương trình luyện tập dày đặc từ 2 tuổi đến 5,5 tuổi, Armani đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua buổi phỏng vấn, được vào học lớp mẫu giáo với những trẻ bình thường.
“Buổi phỏng vấn đầu tiên để vào mẫu giáo, may sao con đạt, được học với những trẻ bình thường chứ không phải lớp của những trẻ thiểu năng. Ở bên này những trẻ bị tự kỷ, quận hạt đều có hồ sơ chuyển về trường học trong vùng nên gia đình muốn giấu cũng không được.
Trường học nào cũng có một khâu chuyên lo cho các học trò có vấn đề như thế này. Họ làm test, đặt ra chương trình học, mỗi buổi học chính tuỳ vào khả năng của từng trẻ, riêng Armani mỗi ngày có 30 phút học riêng với giáo viên chuyên về trẻ tự kỷ”, chị Jacqueline Đỗ kể.
Armani nhớ rất giỏi những điều thuộc về kiến thức khiến mẹ không ngờ tới. Bé thích xe nên biết loại xe gì mỗi khi ra đường. Bé nhớ đường giỏi hơn mẹ, thỉnh thoảng chị vẫn phải hỏi đường con trai.
Từ cậu bé bị nhận cảnh cáo liên tục trở thành học sinh giỏi toán nhất lớp
Mặc dù con trai được vào học cùng với trẻ bình thường nhưng chị Jacqueline Đỗ vẫn không ngừng lo lắng. Chị còn nhớ đã không ít lần vợ chồng chị lo sợ con bị chuyển qua lớp học trẻ thiểu năng bởi tuần đầu tiên đi học, Armani bị cảnh cáo miệng, tuần thứ 2 con bị cảnh cáo giấy và tuần thứ 3 con nhận thư mời phụ huynh lên gặp thầy cô vì nằm gục mặt xuống bàn.
Vì con bị tự kỷ độ nhẹ, không tăng động nên chị luôn cố gắng tìm mọi cách thuyết phục cô giáo không cho con chuyển lớp. Thậm chí, khi nghe cô nói tuần này học về sốt táo, ở nhà chị cũng dạy con làm trước, bắt con thái, nấu, quấy, nói cách làm đến thuộc lòng, nhuần nhuyễn và quay phim lại. Thế nhưng, đó lại là bài học phản tác dụng của chị đối với con.
“Ngày gặp cô giáo và cả cô hiệu trưởng, vợ chồng mình được cô cho xem video con ngồi trong lớp gục mặt xuống bàn, ngó nghiêng không chú ý và khuyên vợ chồng mình chuyển lớp cho con.
Để thuyết phục cô, mình đã kể hành trình đồng hành từ lúc phát hiện ra Armani bị bệnh, và những gì Armani đạt được trong quá trình luyện tập. Mình đưa cho cô xem video dạy con làm sốt táo ở nhà và kể về những chuyến cắm trại, leo núi của Armani với bố mẹ để thuyết phục cô cho con học thêm 1 tháng nữa.
May mắn cô đồng ý. Cô cũng là một bà mẹ có con là trẻ đặc biệt, cô từ bỏ lương kỹ sư tin học cao ngất ngưởng để đi dạy với mức lương rất thấp ý và luôn dán slogan “ teacher at heart”, nghĩa là dạy học vì trái tim mách bảo nên cô hiểu được.
Tuy nhiên, cô giáo khuyên vợ chồng mình không nên dạy trước chương trình cho con ở nhà, như thế sẽ hại con vì mình không được đào tạo sự phạm mà chỉ dạy con theo lối học vẹt, áp đặt suy nghĩ mà không khơi mào cho tư duy phát triển. Cô bảo hãy để bà làm công việc ấy, công việc của một giáo viên”, chị Jacqueline Đỗ kể lại.
Vào những ngày lễ truyền thống, chị luôn cố gắng tạo sự háo hức cho các con.
Nói đến đây, chị cười rạng rỡ bởi sau cuộc họp ấy, con trai đã không còn gục xuống bàn nữa và bắt đầu lắng nghe cô giáo. Cuối cùng, sau những tuần đầy căng thẳng, nơm nớp lo sợ, vợ chồng chị đã nở nụ cười hạnh phúc vì con đạt được những thành tích bất ngờ.
Đến bây giờ, chị vẫn nhớ mãi khoảnh khắc vui mừng của 2 vợ chồng khi con được tuyên dương học sinh xuất sắc tuần ở tuần đầu của tháng thứ 2 đi học và top 10 học trò đầu được tuyên dương. Đặc biệt, niềm hạnh phúc nghẹn ngào vào cuối năm mẫu giáo, con được nhận phần thưởng của học trò học giỏi toán nhất lớp. Đó như món quà vô giá mà con dành cho vợ chồng chị.
“Chương trình học của mẫu giáo chỉ cần biết đến 20 thì Armani có thể cộng trừ trong phạm vi 100. Ngày Armani bước lên bục nhận phần thưởng, vợ chồng mình như vừa sống lại lần nữa. Cười mà ra nước mắt. Lúc bé được kêu tên lên nhận phần thưởng mình vừa cười vừa khóc, cái thằng con ngô nghê của mình vậy mà cũng qua được lớp mẫu giáo” , chị Jacqueline Đỗ nở nụ cười rạng rỡ.
Vui là vậy nhưng tiếp tục một hành trình mới vào học lớp 1 sau 3 tháng nghỉ hè, chị cũng phải vất vả khá nhiều bởi con lại lập lại vòng tròn trước đó khi thói quen bị thay đổi, không chịu đi học, đến lớp ngồi khóc và gục mặt xuống bàn.
Để con không bị chuyển lớp, chị phải xin cô giáo kiên nhẫn trong 2 tuần cho con thích nghi với môi trường mới. Và may mắn, con đã thích nghi được, thậm chí 3 tháng đầu, con trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp hoàn thành chương trình học từ vựng 500 từ của lớp 1. .
Con có khiếm khuyết thua cả thế giới nhưng con vẫn tràn đầy tình yêu thương của bố mẹ
Hiện nay, Armani 7,5 tuổi đã biết phụ mẹ nấu cơm, giặt đồ, xếp đồ, tưới nước cho hoa, bắt sâu, vặt lá, lột vỏ trứng,… thời gian rảnh. Để con được như ngày hôm nay đó là nhờ cả quá trình dài vợ chồng chị tìm cách tạo môi trường lành mạnh, khuyến khích giao tiếp, mở rộng vòng sinh hoạt của con.
Chị Jacqueline Đỗ cho biết, 6,5 tuổi, Armani ổn định hơn, chị dừng chương trình trị liệu ở nhà và nảy ra ý tưởng trồng vườn để tạo sân chơi lành mạnh cho con, mặt khác giúp bé thực sự bước qua bệnh tự kỷ . Vậy là chị trồng cả một vườn cây hoa xung quanh nhà cùng con gieo mầm cây và theo dõi sự đâm chồi nảy lộc để gieo vào con tình yêu, sự trân trọng hoa lá.
“Biết con chỉ thích ăn dâu nhà trồng, chỉ thử dưa leo nhà trồng, không thích ăn rau, mình vẫn kiên nhẫn tập cho con ăn, đặt ra yêu cầu trước khi ăn món đồ con thích phải ăn thử những món đồ khác. Kiên trì như vậy, đến giờ con từ chỉ ăn được 2-3 thứ đã ăn được nhiều hơn nhưng vẫn ghét ăn rau.
Con không thích ăn trái cây, mình làm những món ăn trái cây có hình dáng đẹp mắt, ngộ nghĩnh để dụ và nói về đồ ăn. Có lẽ vì vậy mà Armani bắt đầu chuyển sang hứng thú với nấu ăn, chàng nấu được một món dễ dễ như chiên trứng, tráng bột, nấu cơm, luộc...và hàng tháng chàng ấy luôn yêu cầu làm bánh nướng” , chị Jacqueline Đỗ chia sẻ bí quyết.
Chị trang trí bàn ăn để con yêu thích các món ăn hơn.
Trong việc dạy con, chị luôn quan trọng là cho con một tuổi thơ vui vẻ. Chị cố gắng dạy cho con yêu thích cây cỏ, thiên nhiên, thú vật, rồi dạy cho con những kỹ năng sống đơn giản nhất, dạy con nói câu hoàn chỉnh có chủ ngữ, vị ngữ như người Việt có dạ, thưa, người Mỹ có please và thank you.
“Để dạy con nói câu hoàn chỉnh, mình dắt con vào tiệm Costco ở Mỹ hay cho ăn thử đồ ăn. Những thứ đồ ăn con thích, mình khuyến khích con tự đến hỏi xin lấy, nói câu đơn giản nhất “Can I please have one?”. Rồi khi lấy xong con phải nói cám ơn. Lần đầu, mình làm chung với con. Lần sau, mình đứng xa quan sát, con làm đúng mình sẽ khen ngợi nhiệt liệt để con hào hứng cho lần sau làm tiếp.
Đi ăn nhà hàng, mình cũng khuyến khích con tự gọi món ăn, tập và gợi ý con xem hình rồi khi bồi bàn đến, con tự gọi món ăn cho mình. Tất cả đều theo quy luật có thưởng, có phạt. Làm đúng sẽ được thưởng giờ chơi ipad, làm sai sẽ bị trừ giờ chơi ipad”, chị Jacqueline Đỗ chia sẻ.
Chia sẻ thêm, chị Jacqueline Đỗ cho biết, chị luôn lắng nghe ý kiến của con, khen ngợi con dù con có làm những điều ngớ ngẩn như dán băng keo gắn lại đĩa vỡ giúp mẹ hay những sáng kiến của con như dạy cho mèo đọc sách.
Chị luôn khen ngợi con để khích lệ tinh thần.
Đối với chị, chị luôn mong con có một tuổi thơ với đầy đủ trải nghiệm, dù con có khiếm khuyết, có thua cả thế giới, nhưng con vẫn sẽ nhận đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Ngoài công việc, hai vợ chồng chị luôn dành thời gian cho con, đặt con quan trọng hơn tất thảy, cùng con tham gia dã ngoại, cắm trại. Thậm chí, những ngày lễ như Halloween, Lễ tạ ơn, Noel... chị luôn cố gắng cùng con trang trí nhà cửa để con hiểu truyền thống, dù có bay xa ra khỏi vòng tay cha mẹ cũng luôn dành thời gian cho gia đình những ngày lễ đó.
Những hoạt động của Armani.
Cả gia đình chị dù bận rộn nhưng vẫn chú trọng vào dạy con.
Mặc dù tới giờ vợ chồng chị vẫn còn nhiều lo lắng về Armani bởi con vẫn không thích đám đông, nhút nhát, không nhìn thẳng mắt khi nói chuyện hay gặp người quen, không thích chào, luôn trả lời đầu tiên là “không biết” và rất nhiều tật nhỏ nữa nhưng chị vẫn sẽ kiên nhẫn, lạc quan để đồng hành cùng con trên chặng đường này.
Theo Hồng Nhung (Ảnh: NVCC) (Khám phá)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất