Sau hàng loạt vụ măng tươi, dưa cải muối nhuộm vàng ô (Auramine O) bị cơ quan chức năng các tỉnh miền Trung, TP.HCM phát hiện và thu giữ hàng chục tấn sản phẩm trong tháng qua, các cửa hàng bán hóa chất khu vực quanh chợ Kim Biên tỏ ra thận trọng hẳn khi nghe khách hỏi mua vàng ô.
“Không có bán đâu. Hàng đó (vàng ô - PV) mấy hôm nay báo chí làm dữ quá, không ai bán nữa đâu”, người bán hàng tại cửa hàng bán hóa chất công nghiệp nằm gần cuối đường Phan Văn Khỏe (Q.5, TP.HCM) lắc đầu cho biết. Mấy cửa hàng liên tiếp trên con đường đó cũng bảo không bán hóa chất vàng ô.
Trước vấn nạn vàng ô, tại TP.HCM, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM đã xây dựng thành công quy trình phân tích nhanh vàng ô bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần. Đây là phương pháp cho độ chính xác cao, thường được các tổ chức quốc tế áp dụng để phân tích phát hiện các chất độc hại thuộc nhóm A (nhóm hóa chất bị cấm trong thực phẩm). Từ đó, sẽ phát hiện ra hàm lượng chất vàng ô bao nhiêu, kết quả có được chỉ trong vòng từ 2 - 5 ngày. Theo đại diện của CASE, đây là “công cụ” quan trọng hỗ trợ các nhà quản lý phát hiện chính xác thực phẩm bẩn trong thời gian nhanh nhất.
Nhuộm vàng gà, măng, dưa chua...
Sang chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), tại cửa hàng gia vị Th.Th, khi nghe chúng tôi hỏi mua vàng ô, cô bé bán hàng khoảng 15 tuổi nhanh nhảu báo giá 30.000 đồng/100 gr nhưng bà chủ ngồi sau quầy sau một cái liếc rất nhanh về phía chúng tôi lắc đầu bảo không biết. “Lần đầu tiên nghe tên này, tôi không biết, không bán hàng đó”, bà này nói. Không những thế, người bán hàng còn cho cô bé chạy sang các quầy bên cạnh báo động. Từ đó, tại sạp hàng nào khi được hỏi mua vàng ô người bán đều lắc đầu thoái thác.
Hai ngày sau, quay lại chợ này, ghé vào một trong những cửa hàng tuyên bố “không biết chất vàng ô là gì” trước đó, người bán hỏi đi hỏi lại rất kỹ chúng tôi mua để làm gì. Sau khi nói rõ tên người quen giới thiệu chuyên mua hàng tại đây, bà chủ gọi người phụ bán đi sang con hẻm bên kia đường, mang về một bịch vài lạng vàng ô cho chúng tôi, báo giá 30.000 đồng/100 gr. “Trước chỉ 20.000 đồng/100 gr, nay khan hiếm và bị “tố” dữ quá, hàng về ít, nên giá hơi cao. Nếu sau này quen và có nhu cầu mua nhiều, sẽ bớt giá cho chị”, người này nói.
Sáng 5.5, chúng tôi đến chợ Tân Bình. Bên hông chợ, nằm lọt thỏm giữa những cửa hàng bán vải, có một cửa hàng chuyên bán hóa chất cho ngành dệt nhuộm. Ở đây, chẳng ai thắc mắc bạn mua vàng ô để làm gì. "220.000 đồng/kg", người bán hàng tên Thành ra giá và tỏ ra không mấy mặn mà khi khách hỏi chỉ để mua 100 gr. “Mua để ngâm măng mới ít vậy chứ nhuộm vải mua 1 lạng thì nhuộm được mấy mét?”, ông Thành hỏi. Rồi cũng tỏ ra am hiểu trong lĩnh vực thực phẩm, ông hướng dẫn: “Nhuộm một tạ măng, chỉ cần vài ba muỗng vàng ô là vàng đẹp rồi. Đừng bỏ nhiều măng có màu vàng cháy dễ phát hiện”. Hỏi ông không sợ hàng này cấm dùng cho thực phẩm à? Ông cười: “Tôi chuyên bán hóa chất công nghiệp, người mua sử dụng làm gì sao tôi phải chịu trách nhiệm”.
Không khó để tìm mua hóa chất vàng ô ở các cửa hàng hóa chất công nghiệp. Ảnh: Đ.N.T
Chị Hảo, chuyên cung cấp gà quê tại chợ Tân Phước cũng không giấu khi thú nhận, chị dùng vàng ô để nhuộm gà. "Khách làm tiệc cưới toàn yêu cầu mấy chục con gà luộc phải có màu vàng ươm đẹp, không có vàng ô sao vừa lòng khách được" - chị Hảo nói và cho biết, nhuộm 50 con gà chỉ mất 50 gr vàng ô, "hết có 11.000 đồng mà hàng đều đẹp. Khách ưng thì mình chiều thôi”, Hảo nói thản nhiên. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, qua một người quen chuyên bán măng tươi tại chợ Bà Chiểu giới thiệu, chúng tôi cũng dễ dàng mua được thêm 100 gr vàng ô với giá 25.000 đồng.
Xếp thứ 5/116 chất gây ung thư
Theo ông Thành bán hóa chất ở Tân Bình, vàng ô là hóa chất chuyên dùng trong công nghiệp nhuộm vải, làm giấy, sơn quét tường… Còn theo TS Lê Văn Thọ, cố vấn kỹ thuật của Bio - Pharmachamie, Auramine O hay còn gọi là vàng ô dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm sợi lụa và sợi bông, nhuộm giấy, in ấn, tạo màu cho các loại mực.
Ngoài ra, theo Tổ chức Ung thư thế giới (IARC), hóa chất vàng ô được xếp vào nhóm thứ 3 trong số những chất gây ung thư, đứng thứ 5/116 chất gây ung thư hàng đầu. Tại TP.HCM, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) đã có cảnh báo thực phẩm có chất vàng ô độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng nếu ăn phải chất này vào người. Tuy nhiên, thực tế tại VN, vàng ô vẫn đang được sử dụng vô tội vạ trong thực phẩm.
Chỉ trong thời gian ngắn từ sau tết đến nay, có gần chục vụ vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến sử dụng chất vàng ô bị phát hiện. Cụ thể, gần đây nhất là ngày 21.4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM phát hiện 4/4 mẫu măng tươi qua luộc và măng khô bán tại 2 chợ trên địa bàn TP.HCM dương tính với vàng ô. Trước đó, cơ quan này cũng đã nhận được cảnh báo của CASE về việc phát hiện vàng ô có trong măng tươi bán ngập chợ trên địa bàn TP.HCM. Ngày 8.4, tại chợ đầu mối Phú Hậu (Thừa Thiên-Huế) công an tỉnh kiểm tra đột xuất phát hiện nhiều tiểu thương bán măng số lượng lớn tại chợ này đã dùng vàng ô để nhuộm măng cho đẹp, dễ bán.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại Đà Nẵng cũng phát hiện 7 mẫu măng nhuộm vàng ô. Tại TP.HCM phát hiện 10 tấn măng ngâm vàng ô đang chờ đưa đi tiêu thụ. Rồi hàng loạt các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Đồng Nai… các cơ quan chức năng đều phát hiện.
Năm 1982, nghiên cứu trên động vật cho thấy chất Auramine O gây ung thư ở chuột. Nó cũng được báo cáo là gây thiệt hại DNA trong các tế bào gan, thận và tủy. Như vậy, theo TS Thọ, việc trộn vàng ô vào thức ăn, hay ngâm thực phẩm như dưa cải, măng, gà vào nước có chứa vàng ô để tạo màu đều có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thậm chí gây ung thư, thiểu năng trí tuệ cho con người.
Ngâm hóa chất để làm tươi hải sản
Ngày 5.5, UBND TP.Vũng Tàu đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2016. Theo báo cáo nhanh của Phòng Y tế TP.Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra 14 buổi tại 10 chợ trên địa bàn TP. Kết quả, đã phát hiện và tiêu hủy gần 20 kg bạch tuộc, mực chứa formol, hơn 15 kg thực phẩm chứa hàn the... Bác sĩ Phạm Văn Lưu, Trưởng phòng Y tế TP.Vũng Tàu, cho biết qua kiểm tra các chợ đã phát hiện nhiều tiểu thương bán hải sản có ngâm formol, hàn the. Nhiều nhất vẫn là mực, bạch tuộc, tôm khô, ốc... "Những mặt hàng hải sản này đều được người bán trữ nhiều ngày nên họ thường ngâm formol, hàn the để giữ tươi", bác sĩ Lưu cho hay.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại chợ tự phát Phan Bội Châu (chợ Xóm Lưới, P.2, TP.Vũng Tàu) ngày nào cũng tấp nập người dân, du khách đến mua tôm, mực, bạch tuộc, cá về sử dụng. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, có đến cả ngàn lượt người đến ăn hải sản tại chỗ hoặc mua về làm quà cho người thân. Tuy nhiên mới đây, Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm TP.Vũng Tàu kiểm tra 21 cơ sở bán hải sản tại đây và lấy 15 mẫu sản phẩm kiểm tra thì có đến 8 mẫu dương tính với formol. Còn tại chợ Mới Vũng Tàu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoàn kiểm tra test nhanh phát hiện 11/19 mẫu hải sản dương tính với hàn the. Ngoài ra, tại các chợ P.1, P.Thắng Nhì, P.5, Du lịch Vũng Tàu... cũng có sản phẩm hải sản như tôm, mực, bạch tuộc dương tính với hàn the, formol.
Cơ quan chức năng TP.Vũng Tàu còn kiểm tra các xe đẩy bán mực, tôm, bạch tuộc cũng phát hiện có đến 41/49 mẫu nhiễm formol. Bác sĩ Phạm Văn Lưu cho biết: "Hàn the ăn nhiều sẽ ảnh hưởng khả năng sinh sản. Trong khi đó, nếu sử dụng sản phẩm có nhiều formol sẽ gây hủy hoại đường tiêu hóa, bệnh đại tràng, suy thận...".
Nguyễn Long
Nguyên Nga
Theo Thanhnien
Làm đàn bà khổ lắm, nếu có kiếp sau xin được làm đàn ông