Chán ngấy mâm cơm toàn thịt, hải sản ngày nghỉ lễ, bà nội trợ đổi thực đơn nhiều rau xanh

2017-05-02 07:00
- Dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 kéo dài, nhiều gia đình “bội thực” vì ăn quá nhiều chất đạm (tôm, cua, ghẹ…) dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, có trường hợp phải nhập viện vì “tẩm bổ” sau kỳ nghỉ mát.

Rối loạn tiêu hóa vì thừa đạm

Chị Lê Minh Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, gia đình chị đã đi nghỉ mát ở Đà Nẵng. Do giá cả và mặt bằng chung của các dịch vụ tại đó khá hợp lý nên chị Vân cũng “mát ga” cho con được thưởng thức các loại hải sản.

“Cậu con trai mình đi chơi có mấy ngày về mà tăng cân rõ rệt nhưng sau kỳ nghỉ về, cháu hay kêu đau bụng, đầy hơi và táo bón. Mình cho con đi khám thì bác sĩ nói ăn quá nhiều chất tanh dẫn đến hiện tượng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Nghe bác sĩ nói vậy, mình vội vàng lên thực đơn bổ sung thêm rau xanh, hoa quả tươi để cải thiện tình trạng “thừa đạm” cho các thành viên trong gia đình”.

Tuy vậy, chị Vân cũng là người khá khó tính khi lựa chọn thực phẩm. Lo sợ thực phẩm "bẩn" lọt vào bữa cơm gia đình, chị Vân đã gọi điện về quê nhờ mẹ gom rau sạch của nhà và hàng xóm để cải thiện bữa ăn. Tất cả các loại rau muống, rau su su, cà chua, dưa chuột cũng như đu đủ, ổi… đều được mẹ chị Vân gửi từ Ninh Bình lên.  

Chán ngấy mâm cơm toàn thịt, hải sản ngày nghỉ lễ, bà nội trợ đổi thực đơn nhiều rau xanh

“Ở quê mình, hầu như nhà nào cũng trồng rau quả tự cung tự cấp thế nên mình rất yên tâm. Sau kỳ nghỉ, mỗi ngày mình đều chế biến tăng thêm các món ăn từ rau củ và làm nước ép hoa quả cho cả gia đình ăn vừa mát, vừa thải độc”, chị Vân vui vẻ nói.

Chị Vân cũng chia sẻ thêm, sau khi cậu con trai phải đến viện khám vì ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng sau kỳ nghỉ mát 30/4, trình độ nấu ăn của chị cũng “lên tay”.

“Gần hết ngày nghỉ lễ, mình đã lên mạng tìm hiểu các công thức nấu ăn, cách chế biến rau củ ngon mà không bị mất đi chất dinh dưỡng. Mỗi ngày mình học thêm một món ăn nên giờ cũng tự tin có thể thay đổi thực đơn thường xuyên cho gia đình”, chị Vân nói.

Bội thực hải sản chuyển sang “thải độc” bằng rau xanh, hoa quả

Tương tự, chị Khánh Huyền (nhân viên ngân hàng Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho hay, mấy ngày nghỉ vừa rồi, chị phát hoảng vì tần suất “ăn chơi, nhảy múa” của các thành viên trong gia đình. Điều đặc biệt khiến chị “sợ hãi” đó là tình trạng ăn nhậu với tần suất dày đặc của gia đình. Bữa nào cũng đặc sản, hải sản khiến chị cảm giác mỗi ngày có thể tăng thêm 1kg.

“Bữa nào cũng thịt lợn mán, tôm, mực... 5 món ăn thì chỉ có duy nhất 1 đĩa dưa chuột chẻ, cảm giác lúc nào cũng chỉ thấy toàn mùi mỡ ám lên người. Cô con gái 6 tuổi của mình vì ăn quá nhiều chất đạm bị tiêu chảy cấp và kêu sợ ăn thịt cá. Hôm nay, mình phải đổi món cho gia đình, chủ yếu ăn những món chay, rau xanh và hoa quả. Chồng mình ăn rau luộc, muối vừng còn khen ngon hơn cả đặc sản”, chị Huyền kể lại.

Chị Huyền cũng cho biết thêm, chị đã ươm một số loại rau mầm trên gác thượng để cải thiện bữa ăn. "Bây giờ đi chợ, nhìn rau, củ cái gì cũng xanh mơn mởn, bằng mắt thường khó mà phân biệt được thực phẩm nào ướp, phun thuốc hay bảo quản bằng chất cấm nào đó. Tôi cũng cảnh giác không mua các loại rau, củ, quả trái mùa vì đấy toàn hàng nhập về vậy mà vẫn thấy lo”.

Cùng chung cảnh ngộ bị “bội thực” cận kỳ nghỉ lễ kéo dài, chị Nguyễn Thị Hằng (Ngã Tư Sở, Hà Nội) đã bắt đầu phải lên thực đơn tỉ mỉ cho từng bữa ăn. Mỗi bữa cơm chị chọn một loại rau củ khác nhau. Phần lớn là chế biến các món luộc, salad để đổi khẩu vị và đảm bảo nhuận tràng.

Chán ngấy mâm cơm toàn thịt, hải sản ngày nghỉ lễ, bà nội trợ đổi thực đơn nhiều rau xanh

Chán ngấy mâm cơm toàn thịt, hải sản ngày nghỉ lễ, bà nội trợ đổi thực đơn nhiều rau xanh

"Trước đây, cứ một tuần một lần, chồng mình ra bến xe nhận hàng các cụ ở quê gửi lên. Nhưng từ hôm đi nghỉ mát về, cả nhà đều sợ các món giàu đạm nên mức độ tiêu thụ rau xanh, hoa quả của gia đình rất lớn nên mình có dặn mẹ 1 tuần gửi rau lên 2 lần. Từ rau xanh đến quả chanh, củ tỏi chẳng thiếu thứ gì cả. Mùa nào thức ấy, chẳng thiếu thứ gì, không lo rau bẩn", chị Hằng bật mí.

Nói về chế độ ăn uống sau kỳ nghỉ, chị Hằng cũng tâm sự, lâu nay gia đình chị đã tẩy chay không ăn hoa quả Trung Quốc, nhất là táo, lê... vì sợ bị ngâm hóa chất.

Chị cho biết: "Hoa quả bây giờ gia đình thường ăn là chuối, bưởi, ổi hay đu đủ là những thứ ở quê mẹ mình tự trồng, ăn vừa lành lại chứa nhiều vitamin. Mỗi ngày mình thay đổi một loại sinh tố, nước ép hoa quả để bổ sung vitamin và thải loại những độc tố do tích trữ quá nhiều lượng đạm cho các thành viên trong nhà.

Các bác sĩ khuyến cáo, dịp nghỉ lễ, các bà nội trợ cần lưu ý khi chọn thực đơn cho gia đình cần cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Hạn chế việc dùng các thức ăn quá béo, nhiều gia vị, ăn quá no không điều độ, không đúng giờ; hạn chế các thức uống chứa độ cồn cao như rượu nặng hoặc uống quá nhiều các loại bia, rượu khai vị, các loại nước ngọt, nước có gas, cà phê, thuốc lá…

Đặc biệt cần lưu ý chế độ ăn với trẻ, ăn quá nhiều đạm, ít rau sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa (táo bón) cũng như hệ thần kinh non nớt của trẻ.

Ngọc Diệp

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 bí quyết hạnh phúc cho phụ nữ độc thân